Thứ Tư, 29/07/2009 15:56

Tiếp tục nâng đỡ tăng trưởng

Chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã hoàn thành mục tiêu chính. Vấn đề đặt ra là, có nên tiếp tục chương trình này trong những tháng cuối năm?

Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam đến ngày 23/7/2009 đạt gần 386.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn này được chảy về các doanh nghiệp nhà nước (trên 60.000 tỷ đồng); các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… (trên 257.000 tỷ đồng) và hộ sản xuất (gần 68.000 tỷ đồng), góp phần đáng kể vào kết quả tăng trưởng kinh tế khả quan trong nửa đầu năm 2009 (mức 3,9% - là một trong số ít quốc gia có kết quả tăng trưởng dương trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu). Điều này chứng tỏ các giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Nhận định về chương trình này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, chương trình hỗ trợ lãi suất mà Việt Nam tiến hành đã hoàn thành mục tiêu chính, giúp nền kinh tế và toàn hệ thống tài chính - ngân hàng đứng vững trong khủng hoảng. Theo bà Victoria Kwakwa, ngoài việc Việt Nam có một tiền đề khá vững, không sa vào “những dàn xếp tài chính”, những sản phẩm nhiều rủi ro, như tín dụng nhà đất dưới chuẩn, thì phản ứng của Chính phủ Việt Nam với những chính sách cụ thể, linh hoạt – như chính sách hỗ trợ lãi suất đã phát huy tác dụng trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

“Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng chuyển từ chính sách chống lạm phát sang ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích thích tăng trưởng. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn đầu của Chính phủ Việt Nam (hỗ trợ lãi suất 4%/năm) và nỗ lực của ngành ngân hàng trong triển khai chính sách này đã giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn giá rẻ để duy trì, ổn định sản xuất - kinh doanh, kích thích nhu cầu trong nước; giúp hệ thống ngân hàng huy động được nguồn vốn trong dân cư, mặt khác vẫn khuyến khích các ngân hàng cho vay. Nói cách khác, chính sách hỗ trợ lãi suất đã tạo ra sự lưu thông tín dụng và sức sống cho nền kinh tế”, bà Victoria Kwakwa phân tích.

Vấn đề đặt ra là, đến thời điểm này, liệu Chính phủ có nên tiếp tục chương trình hỗ trợ lãi suất nữa hay không, khi đã đạt được mục tiêu cơ bản đề ra? Bà Victoria Kwakwa cho rằng, trong bối cảnh những tháng cuối năm, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với 3 rủi ro chính là lạm phát, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách, thì việc vẫn tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ tạo ra những rủi ro trực tiếp.

Thứ nhất, tín dụng tăng nhanh sẽ tạo sức ép lên lạm phát. Thứ hai, có thể rơi vào việc sử dụng thiếu hiệu quả đồng vốn của ngân hàng giống như thời kỳ cho vay theo chính sách chỉ định. Do vậy, Việt Nam phải cân nhắc, suy xét và có những quyết định hết sức chuẩn xác với việc có tiếp tục chương trình cho vay này hay không.

Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất - một trong những chính sách trọng tâm trong gói giải pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế hiện nay thực sự là một “chính sách thông minh”, thay vì hạ toàn bộ mặt bằng lãi suất xuống như nhiều nước đã làm, do đó tránh được “bẫy thanh khoản” (nếu lãi suất cho vay hạ xuống 5 - 6%/năm, thì phải hạ lãi suất tiền gửi xuống 3 - 4%/năm, người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng).

Tuy nhiên, cũng xuất hiện vấn đề phức tạp là, khi thực hiện chính sách kích cầu, các chỉ tiêu tiền tệ có xu hướng tăng và dần tạo sức ép lên lạm phát. Điểm đáng lo ngại trong trung hạn chính là, nếu nới lỏng tiền tệ sẽ khiến tỷ lệ tiết kiệm giảm, tỷ lệ tiêu dùng tăng mạnh, nền kinh tế đồng thời phải đối phó với lạm phát “cầu kéo” và “chi phí đẩy”.

“Chính phủ đã có kinh nghiệm về vấn đề đó, Ngân hàng Nhà nước cũng rất cảnh giác với biểu hiện đó, nên đã có những nghiên cứu, những giải pháp để đề phòng lạm phát trong trung hạn, để không đến mức phải ‘đạp phanh’ khẩn cấp, gây ra một cú sốc lớn”, ông Nghĩa nhận định.

Bá Kiên

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Công ty Cho thuê tài chính Vietinbank được mở chi nhánh tại TP.HCM (29/07/2009)

>   Kiểm soát tín dụng để ngăn lạm phát (29/07/2009)

>   Doanh nghiệp găm giữ lượng lớn USD (29/07/2009)

>   Nên thay đổi thời gian thi kiểm toán viên (29/07/2009)

>   HSBC lập điểm giao dịch thứ 10 tại Việt Nam (29/07/2009)

>   VCB được mở CN tại Quảng Trị, Trà Vinh, Bắc Giang, Kon Tum và Phú Yên (29/07/2009)

>   Ngân hàng Hong Leong Việt Nam thay đổi địa điểm trụ sở chính (29/07/2009)

>   Nhập siêu tăng, tỉ giá chịu áp lực tới đâu? (29/07/2009)

>   Vàng rớt mạnh, về gần 21 triệu đồng/lượng (29/07/2009)

>   Quản lý rủi ro và Quy chế giám sát rủi ro hệ thống (29/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật