Thứ Tư, 29/07/2009 10:39

Doanh nghiệp găm giữ lượng lớn USD

Sau khi thực hiện một loạt chính sách như nới rộng biên độ tỷ giá giữa VND với USD, điều chỉnh giảm lãi suất đồng USD... một vài tuần qua, các doanh nghiệp (DN) lại phản ánh rằng không mua được USD. Trong khi đó, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã bán một lượng ngoại tệ đồng USD cho một số ngân hàng thương mại. Điều này cho thấy thị trường ngoại hối lại tiếp tục căng thẳng.

Chỉ có ngân hàng khan hiếm USD

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nhận định tình hình khan hiếm USD trên thị trường ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, nhất là các DN nhập khẩu. Đơn cử như Hiệp hội Thép Việt Nam vừa gửi đơn lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu cứu về nguy cơ đình hoãn sản xuất do không mở được thư tín dụng (L/C). Nguyên nhân là do thép phế liệu (nguyên liệu chủ yếu của các nhà máy sản xuất phôi) bị ngân hàng từ chối ưu tiên đảm bảo ngoại tệ.

Cũng theo ông Doanh, việc Ngân hàng nhà nước có bán đồng USD cho một số ngân hàng thương mại lớn cho thấy các ngân hàng thương mại cũng đang khan hiếm ngoại tệ này chứ không phải chỉ có DN thiếu. Điều đó chỉ ra rằng có một lượng ngoại tệ rất lớn đang được găm giữ. Đồng USD không được bán ra mà găm giữ lại cũng là điều rất dễ hiểu bởi tỷ giá đồng USD đang chịu áp lực rất lớn của nhập siêu do cán cân thanh toán tăng.

“Tôi cho rằng hiện nay thị trường không khan hiếm đồng USD. Bởi lẽ hiện DN không mua được ngoại tệ với tỷ giá do nhà nước quy định. Còn tại các chợ đen, DN chắc chắn mua được ngoại tệ này với tỷ giá trên 18.000 đồng/USD. Do vậy, tôi kiến nghị: Ngân hàng nhà nước cần xem xét nới rộng biên độ tỷ giá trên mức ±5% để giá đồng USD ở chợ đen xích lại gần với tỷ giá ở liên ngân hàng. Khi đó sẽ ít ai tính đến việc cất giữ USD và thị trường sẽ bình ổn trở lại” - tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.

Nên tăng lượng cung ra thị trường

Chiều 28-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết nguyên tắc của thị trường là cung phải đáp ứng cầu thì mới đảm bảo được bình ổn thị trường, không xảy ra tình trạng khan hiếm mặc dù cung và cầu phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng của người cung và người cầu USD.

Theo ông Thành, ngân hàng và DN găm giữ USD là điều không có gì đáng trách cả vì họ phải lo cho kế hoạch của mình. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu của DN như thế nào thì chỉ DN mới biết được thôi. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, nếu có việc DN găm giữ USD cũng là điều dễ hiểu. Chừng nào DN còn nghĩ là USD vẫn còn khan hiếm, giá còn tăng thì họ còn giữ USD như một tài sản.

Ông Thành cũng nhận định để giải quyết việc khan hiếm đồng USD tận gốc thì phải có lượng tăng cung ra thị trường. Tuy nhiên, lượng USD bơm ra phải được tính toán là lượng đang thiếu, như ước tính của nhiều chuyên gia kinh tế là khoảng 2,5 tỷ USD đến 3,5 tỷ USD.

“Để đáp ứng việc thiếu hụt USD trên thị trường, có thể Chính phủ nên tăng vay nợ ở nước ngoài. Tuy nhiên, với góc độ nhà khoa học, tôi cho rằng rất khó cưỡng được việc đi vay thêm USD ở nước ngoài để cải thiện tình hình cung USD trên thị trường hiện nay cũng như lâu dài. Lúc đó, việc giữ USD có thể sẽ là rủi ro bởi lượng cung đang được găm giữ sẽ đổ ra thị trường ồ ạt và giá sẽ hạ. Mặt khác, Chính phủ cũng có thể cung ứng USD ra từ nguồn dự trữ ngoại hối. Về bản chất, chính sách này hoàn toàn giống nhau, đều làm tăng cung trên thị trường” - ông Thành nhận định.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho biết kết hợp với việc bơm USD ra thị trường, ngân hàng thương mại cần thực hiện đồng bộ các chính sách khác như tuyên truyền chính sách điều hành thị trường ngoại hối, công khai nguồn cung tại thị trường. Ví dụ: Việc Ngân hàng nhà nước công bố từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng hai tỷ USD được cung ứng ra thị trường. Tín hiệu này sẽ được các đối tượng trên thị trường là các DN, ngân hàng thương mại tính toán đến việc giá USD sẽ giảm và hiện tượng găm giữ sẽ giảm mạnh. Như thế cùng với việc USD được bơm ra, số USD đang nằm tại các DN, ngân hàng thương mại... cũng sẽ được tung ra. Khi đó thị trường chắc chắn sẽ không có chuyện khan hiếm nữa. Tất nhiên, nếu công bố là sẽ tung ra hai tỷ USD nhưng khi cung ra khoảng một tỷ USD mà thị trường đã bình ổn thì có thể tạm ngưng, chưa bơm tiếp số ngoại tệ còn lại. Ngân hàng nhà nước sẽ biết phải có nhiệm vụ điều tiết, cân đối cung cầu trên thị trường, đảm bảo việc các DN không thiếu USD để nhập nguyên liệu, hàng hóa.

Lê Thanh

PHÁP LUẬT

Các tin tức khác

>   Nên thay đổi thời gian thi kiểm toán viên (29/07/2009)

>   HSBC lập điểm giao dịch thứ 10 tại Việt Nam (29/07/2009)

>   VCB được mở CN tại Quảng Trị, Trà Vinh, Bắc Giang, Kon Tum và Phú Yên (29/07/2009)

>   Ngân hàng Hong Leong Việt Nam thay đổi địa điểm trụ sở chính (29/07/2009)

>   Nhập siêu tăng, tỉ giá chịu áp lực tới đâu? (29/07/2009)

>   Vàng rớt mạnh, về gần 21 triệu đồng/lượng (29/07/2009)

>   Quản lý rủi ro và Quy chế giám sát rủi ro hệ thống (29/07/2009)

>   Hướng dẫn thuế GTGT với bất động sản (29/07/2009)

>   Mặt bằng lãi suất vẫn được đẩy lên (29/07/2009)

>   Kết quả đấu thầu trái phiếu Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (28/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật