Mặt bằng lãi suất vẫn được đẩy lên
Làn sóng tăng lãi suất bắt dầu giảm nhiệt khi vài tuần qua, không ngân hàng nào tăng lãi suất tạo lên đỉnh mới. Tuy nhiên, không vì thế mà cuộc đua huy đông động vốn giảm nhiệt. Mặt bằng lãi suất vẫn được đẩy lên và các chiêu khuyến mãi thu hút khách gửi tiền cũng liên tiếp được tung ra.
Hồi đầu tháng, đỉnh lãi suất thuộc về Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa khi họ áp dụng đối với kỳ hạn 36 tháng là 10,2%/năm. Việc này thực sự gây chú ý cho nhiều người khi mốc 10% chính thức bị phá vỡ. Dù trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã đánh tiếng nhắc nhở một số ngân hàng nhỏ tăng lãi suất mạnh.
Nhưng đến thời điểm này, mức lãi suất trên 10% không còn là cá biệt khi các ngân hàng tăng lãi suất vì không ai muốn mình chịu "lép" trong việc cạnh trạnh huy động vốn. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) đã tăng lãi suất huy động tiền đồng lên mức cao nhất thị trường hiện nay 10,2%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Một số ngân hàng khác cũng đã chạm mốc lãi suất 10% như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) đã điều chỉnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 – 36 tháng, mức tăng cao nhất là 0,3%/năm, cùng chính sách thưởng lãi suất lên tới 0,5%, người gửi tiền tại OCB có thể hưởng mức lãi cao nhất 10,1%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) đã có điều chỉnh mới về lãi suất; trong đó, đối với sản phẩm “Lãi suất tự động điều chỉnh tăng”, lãi suất các kỳ hạn từ 13 - 24 tháng đã lên đến 10%/năm.
Trong khi đó, dù tăng thấp hơn nhưng một số ngân hàng có trụ sở phía Bắc cũng đã tiệm cận mức 10% như Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng LS tiết kiệm bậc thang bằng tiền đồng từ 0,1 - 0,2%/năm. lãi suất cao nhất là 9,65%/năm (36 tháng). ABBank có lãi suất cao nhất 9,99%/năm.
Tuy nhiên, khi lãi suất đã vượt 10% và gần đạt ngưỡng cho vay tối đa thì việc tiếp tục tăng lãi suất là gần như không thể. Các ngân hàng sẽ buộc phải tính toán lại bài toán kinh doanh của mình dựa trên chênh lệch lãi suất vào ra nhất là trong điều kiện tín dụng đang được dần co lại. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải cảnh giác các biện pháp quản lý của Ngân hàng Nhà nước khi lãi suất tăng cao. Vì thế, để duy trì hấp dẫn thu hút vốn, các ngân hàng buộc phải tung ra nhiều chương trình khuyến mãi.
Không xuất hiện đỉnh lãi suất mới nhưng việc nhiều ngân hàng cùng nâng lãi suất hiện hành lên bằng các ngân hàng có mức cao hơn cũng khiến cho lãi suất thực được đưa lên cao hơn.
Dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố lãi suất tăng trong thời gian qua không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng lãi suất nhưng với thực tế hiện nay, lãi suất trong thời gian tới sẽ vẫn duy trì xu hướng tăng và đặc biệt, các ngân hàng lớn tuy không giam gia chính thức nhưng vẫn có mặt trong cuộc đua lãi suất trung dài hạn bằng cách phát hành các giấy tờ có giá làm cho cuộc đua thêm nóng.
Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng cổ phần cho biết, làn song tăng lãi suất hiện nay có thể sẽ tạm dừng, việc tăng lãi suất huy động VND của các ngân hàng còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu chung của nền kinh tế. Nếu tín hiệu phục hồi của nền kinh tế rõ hơn thì có khả năng lãi suất có thể tiếp tăng.
Tuy nhiên, vị giám đốc này cho biết, với mức lãi suất huy động hiện nay, các ngân hàng đang gây ra trở ngại cho mình trong kinh doanh bởi chi phí vốn đầu vào tăng cao trong khi xu hướng tăng lãi suất đầu ra chưa rõ ràng và động thái thắt chặt tiền tệ đã có những tín hiệu đầu tiên. Dự báo, trong 1 -2 tháng nữa, lãi suất sẽ không có nhiều biến động như trong thời gian vừa qua nhưng việc thu hút người gửi tiền qua các chương trình ưu đãi sẽ nở rộ.
Phước Hà
VIETNAMNET
|