Thứ Hai, 27/07/2009 19:45

Thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công: 3 nhà cùng hưởng lợi

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong khu vực công để hướng tới sự minh bạch trong quản lý thu chi ngân sách nhà nước (NSNN), tiết giảm chi phí cho nền kinh tế... là chủ đề chính của cuộc tọa đàm "Thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công - các giải pháp công nghệ" vừa tổ chức tại Hà Nội.

Vẫn còn là tiềm năng

Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Tạ Anh Tuấn cho rằng, nhìn chung công tác TTKDTM đã được tăng cường, nhất là sau Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đến nay đã có 22.000 đơn vị thực hiện chi trả lương qua thẻ ATM, trong đó các đơn vị sử dụng NSNN chiếm khoảng 30%, giảm thiểu đáng kể TTKDTM trong khu vực công.

Một trong những nhân tố giúp cho TTKDTM tăng lên là việc triển khai dự án Hiện đại hoá thu NSNN của KBNN. Trong thời gian vừa qua, các đơn vị trong ngành Tài chính như Tổng cục Thuế, Hải quan, KBNN đã thực hiện kết nối với các NHTM để thực hiện thu NSNN tạo bước đột phá trong cải cách hành chính. Theo đó, thay vì đến nộp thuế tại KBNN với số lượng điểm giao dịch còn hạn chế, nay người nộp thuế có quyền chọn lựa các điểm thu của các ngân hàng mà KBNN uỷ quyền. Hơn nữa thời gian giao dịch rất linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Ngoài ra, người nộp thuế hoàn toàn không mất một khoản phí nào. Hơn nữa, thông qua giao dịch tại ngân hàng, người nộp thuế được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Việc thu NSNN qua ngân hàng sẽ giúp các NHTM phát triển được các dịch vụ thông qua TTKDTM, có thêm khách hàng mở tài khoản tạo điều kiện cho ngân hàng huy động nguồn vốn đáng kể trong nền kinh tế. Về phía cơ quan ngành tài chính sẽ quản lý chi tiêu công, tài chính công hiệu quả hơn, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thậm chí chống tham nhũng…

Những hiệu ứng từ việc triển khai dự án hiện đại hoá thu NSNN đã thấy rõ, tuy nhiên theo đánh giá chung của các diễn giả tại toạ đàm thì hiệu quả vẫn còn thấp. Hiện TTKDTM trong khu vực công chỉ chiếm khoảng dưới 10% trong nền kinh tế. Nguyên nhân là do hạ tầng kỹ thuật và hệ thống ATM mới tập trung ở đô thị lớn và công nghệ thanh toán của nền kinh tế còn hạn chế. Hơn thế, những điểm chấp nhận thẻ thanh toán chưa nhiều, chất lượng và tiện ích của các dịch vụ thanh toán còn chưa tốt, nhiều phàn nàn xung quanh việc thanh toán qua thẻ ATM vừa qua như nhầm lẫn… Điều này, tác động không tốt đến việc tăng cường TTKDTM của nền kinh tế.

Cần sự ráo riết vào cuộc của các ngành

Theo ông Bùi Quang Tiên - Trưởng ban Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để đẩy mạnh TTKDTM cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tăng cường tính kỷ luật trong quá trình triển khai thực hiện. Về phía NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động thanh toán để củng cố vị thế pháp lý của NHNN trong việc kiểm soát hoạt động TTKDTM. Đồng quan điểm trên, ông Tuấn cho rằng, trong TTKDTM ngành Ngân hàng có vai trò rất lớn trong việc thanh toán kể cả những khoản tập trung nguồn thu cũng như khoản thanh toán chi tiêu của NSNN đặc biệt các NHTM là đơn vị cung cấp về dịch vụ TTKDTM. Tuy nhiên, hiện nay mới có một số ngân hàng thực hiện thu NSNN qua ngân hàng như NHTMCP Công thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam… Chính vì vậy, trong thời gian tới ngoài việc đẩy mạnh hợp tác, các ngân hàng và các đơn vị trong ngành tài chính cần đa dạng hoá, nâng cao chất lượng dịch vụ cho các đối tượng nộp thuế.

Về phía KBNN, ông Tuấn cho biết, trong thời gian tới đẩy mạnh TTKDTM trong khu vực công đặc biệt giảm thiểu việc đáp ứng tiền mặt để đến năm 2010 không còn quỹ tiền mặt trong các đơn vị sử dụng NSNN. Đồng thời, KBNN hoàn thiện khuôn khổ pháp lý giao dịch điện tử trong thu chi NSNN, đặc biệt là giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước trong ngành tài chính, giao dịch điện tử với các NHTM và pháp lý hoá các chứng từ điện tử. Ngoài ra, cần định hướng một số khoản thanh toán nhỏ lẻ sử dụng quỹ tiền mặt của các đơn vị chuyển qua thanh toán bằng thẻ, hay những khoản mà trước đây dường như chỉ thanh toán bằng tiền mặt như giải phóng mặt bằng. Ví như, khu kinh tế Vũng Áng ở Hà Tĩnh đã thanh toán trực tiếp tiền giải phóng mặt bằng vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm của người dân tại ngân hàng…

Thanh Huyền

SBV

Các tin tức khác

>   Điều kiện chứng từ để khấu trừ, hoàn thuế VAT (27/07/2009)

>   Vietinbank "thu hộ" thuế, lệ phí cho kho bạc, hải quan (27/07/2009)

>   ACB lần thứ ba nhận giải ngân hàng tốt nhất VN (27/07/2009)

>   Cầu ngoại tệ vẫn gây áp lực lên tỉ giá (27/07/2009)

>   Doanh nghiệp lại khốn đốn vì “săn” USD (27/07/2009)

>   "Xử lý hậu kiểm toán vẫn rất phức tạp" (27/07/2009)

>   Sacombank chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp (27/07/2009)

>   Nhiều ngân hàng thừa USD tiền gửi (27/07/2009)

>   Vàng tiếp tục ổn định quanh mức 21 triệu mỗi lượng (27/07/2009)

>   7 tháng, USD tăng 6,22% (27/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật