Ngân hàng giảm đà tăng tín dụng
Sẽ có điều chỉnh trong chính sách tín dụng khi các ngân hàng (NH) chủ trương giảm bớt tốc độ cho vay tiền trong những tháng cuối năm. Đồng thời cơ cấu lại, ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, hạn chế vay tiêu dùng và đầu cơ.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc bơm tiền để phục hồi kinh tế đã hoàn thành nhiệm vụ và nay cần chặt chẽ hơn để đảm bảo tăng trưởng bền vững. NH Nhà nước cho biết sẽ có biện pháp giảm sốc cho doanh nghiệp khi cho vay tăng chậm lại.
Về trước kế hoạch
Sáu tháng đầu năm dư nợ tín dụng tại các NH đã tăng đáng kể. Tại Sacombank, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm đặt ra là 50%, tương đương 55.000 tỉ đồng nhưng sáu tháng đầu năm dư nợ đã là 47.000 tỉ đồng, đạt 85% kế hoạch. Theo lãnh đạo ACB, kế hoạch tăng tín dụng cả năm 2009 từ 85-90% so với năm 2008, nhưng sáu tháng đầu năm đã tăng 50%. Tương tự, tại Eximbank cho vay trong sáu tháng đầu năm cũng tăng trên 50%, gấp hơn ba lần so với mức tăng của cả năm 2008, đạt 30.000 tỉ đồng trong khi kế hoạch cả năm là 34.000 tỉ đồng. Còn NH Đông Á, do mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra chỉ 30% nên cán đích kế hoạch từ cuối tháng 5.
Tốc độ giải ngân tăng mạnh đã đẩy lãi suất (LS) huy động tiệm cận LS cho vay. LS huy động VND cao nhất trên thị trường hiện là 10,02%/năm trong khi trần LS cho vay chỉ 10,5%/năm. Theo thống kê của NH Nhà nước, LS huy động bình quân trên toàn hệ thống hiện là 8,26%/năm, trong khi tháng 5 chỉ 7,99%/năm. LS cho vay bình quân chỉ chênh lệch 2% so với LS huy động bình quân, đạt 10,26%. Do chênh lệch bị thu hẹp như vậy nên nhiều NH đã tăng tốc cho vay tiêu dùng theo LS thỏa thuận để cân đối lợi nhuận. Có NH đã đưa ra mức LS thỏa thuận ngất ngưởng 16,5%. Tính đến cuối tháng 5, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã đạt 85.000 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm 2008. Ở nhiều NH, khoản cho vay tiêu dùng gần đây đã tăng rất mạnh, giá trị món vay vượt xa khoản tiêu dùng bình thường.
Chặt hơn với vay tiêu dùng
Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB, cho biết với đà tăng hiện nay, tín dụng sẽ dư sức vượt qua kế hoạch đã đề ra đầu năm nhưng chủ trương của NH chỉ duy trì mục tiêu đã đặt ra để tín dụng không tăng quá nóng, vượt tầm kiểm soát và làm gia tăng nợ xấu. Từ nay đến cuối năm NH sẽ kiểm soát chặt cho vay động sản, tránh trường hợp vay để đầu cơ nhà đất hoặc vay tiêu dùng nhưng đầu tư chứng khoán. Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết do sáu tháng đầu năm dư nợ cho vay đã đạt 70% mục tiêu cả năm nên từ nay đến cuối năm cũng sẽ chặt chẽ hơn trong cho vay.
Tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần cho biết đang ráo riết rà soát lại các khoản cho vay tiêu dùng, đặc biệt là các khoản vay có giá trị lớn sau văn bản nhắc nhở của NH Nhà nước cuối tháng 6. Chỉ còn khoảng một tuần để các NH tự kiểm tra chất lượng tiêu dùng của mình trước khi NH Nhà nước vào cuộc thanh tra, kiểm tra vào ngày 15-7 nên trong thời gian này, ngoài việc rà soát những khoản vay cũ, nhiều NH săm soi kỹ những khoản vay mới đồng thời đặt ra điều kiện chứng minh khó khăn hơn. Những hồ sơ vay mục đích sử dụng không rõ ràng đều bị từ chối.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng - phó tổng giám đốc NH Hàng hải, dù NH Nhà nước chưa thực hiện chính sách kiểm soát tín dụng nhưng cũng đã phát tín hiệu cho thấy các NH phải cẩn trọng hơn trong việc cho vay. Hiện NH Nhà nước kiểm tra trên diện rộng cả nước về mức tăng trưởng tín dụng, qua đó các NH cũng cân nhắc hơn trong việc tăng tín dụng.
Lạm phát bao nhiêu, chờ sáu tháng nữa
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, gói kích cầu của Chính phủ trong hỗ trợ LS đến nay đã triển khai tốt, đi vào cuộc sống. Kích cầu hỗ trợ LS đã đẩy tín dụng tăng mạnh, là dấu hiệu quyết định sự phục hồi của nền kinh tế. Đến nay dấu hiệu lạm phát chưa đáng lo ngại vì tăng trưởng tín dụng những tháng vừa rồi chưa đẩy giá tăng mà sẽ có độ trễ khoảng nửa năm. Lực đẩy nhanh chóng, gây lạm phát cao chỉ có thể là đầu tư công từ ngân sách. Tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm là 17%. Dù cung ứng tiền tăng nhưng vòng quay tiền giảm do sức mua hàng hóa chưa tăng mạnh. Do vậy, áp lực về lạm phát do bơm tiền ra chưa phải là vấn đề lớn.
Tài trợ LS đầu ra nên tất yếu thiếu đầu vào. Vì vậy, cần đẩy nhanh các gói kích cầu. Từ năm 2010 chấm dứt tài trợ LS vay vốn ngắn hạn, chuyển sang cơ chế tín dụng thị trường để NH Nhà nước có thể chủ động áp dụng các công cụ chính sách tiền tệ đón đầu xu hướng vận động của thị trường.
Hơn nửa quãng đường
Theo NH Nhà nước, đến cuối tuần qua, vốn vay hỗ trợ LS đã đạt hơn 372.000 tỉ đồng, tương đương 75% quy mô gói kích cầu.
Ông Nguyễn Văn Giàu, thống đốc NH Nhà nước, cho biết Chính phủ thống nhất năm 2009 sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng không quá 30%. Tuy nhiên dự kiến mức tăng sáu tháng đã vào khoảng 17%. Như vậy, sáu tháng còn lại của năm 2009 tín dụng chỉ được phép tăng không quá 13%. Để đạt được mục tiêu trên, dư nợ tín dụng đã được khống chế tăng chậm dần, tháng 6 khoảng 3% so với 4% của tháng 5 và 3% tháng 4.
A.Hồng - M. Khanh
Tuổi trẻ
|