Dĩ độc trị độc
Làm sao vượt qua khủng hoảng tài chính và hồi phục bền vững? Thị trường hay không thị trường?
Quy luật của sự giãy chết
“Trong một vài năm trở lại đây, chúng ta càng đòi hỏi kinh tế thị trường tự do nhiều hơn, chứ không ít đi. Một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể làm tăng trưởng chậm, nhưng khi các quốc gia cần tăng trưởng thì họ phải quay lại với thị trường”-(Fareed Zakaria, Greed is good, Newsweek, June 22,2009).
Trong vòng 20 năm kể từ khi thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ vào năm 1987, vào cái ngày 19/10 đen tối mà chỉ số Dow Jones mất đến 23%, tỷ lệ giảm lớn nhất một ngày trong lịch sử chứng khoán, thị trường chứng khoán đã phát triển thêm về quy mô, hình thức và tốc độ, chứ không hề giãy chết.
Các nền kinh tế nhỏ, muốn tăng trưởng, vẫn phải chọn nó. Một trong số đó là nền kinh tế Việt Nam đầy hứa hẹn của chúng ta.
Bất kỳ một cuộc khủng hoảng kinh tế nào cũng cảnh báo cho các nhà quan sát về sự chấm dứt nguy cơ mới nào đó của toàn bộ nền kinh tế.
Nhưng tốc độ xuất hiện cái mới càng nhanh hơn sau mỗi kỳ suy thoái. Khủng hoảng năm 1987 tại Mỹ được cho là “cơ hội” xuất hiện thương mại điện tử, một ngành công nghiệp phát triển như vũ bão thời kỳ đó. Khủng hoảng tiền tệ 1997 xuất phát từ Thái Lan, lại chính là “cơ hội” làm cho những nền kinh tế mới nổi trở thành trung tâm của phát triển kinh tế toàn cầu cho đến nay.
Chẳng ai chết
Bạn có nhớ vụ sụp đổ của Quỹ Quản lý vốn dài hạn năm 1998 tại Mỹ? Chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó là ông Robert Rubin đã từng kêu lên đau đớn: “Cuộc khủng hoảng tệ hại nhất trong vòng nửa thế kỷ”. Và người ta lại cho đó là sự chấm dứt hệ thống các quỹ đầu cơ, nhưng cho đến nay các quỹ đầu cơ vẫn đầy đủ “cơ bắp”.
Hay vào năm 2000, bong bóng công nghệ vỡ tung, kéo theo giấc mơ của những công ty công nghệ mới khởi nghiệp. Nhưng cho đến nay, những công ty công nghệ vẫn là lựa chọn hàng đầu của giới trẻ toàn thế giới, tất nhiên có giới trẻ Việt Nam đầy tài năng và ước vọng.
Còn cuộc khủng hoảng lần này thì người ta cho đó là “ngày tận thế” của những chứng khoán phái sinh. Nhưng mới đây, nhà kinh tế Robert Shille, người dự báo chính xác về sự sụp đổ lần này, lại lên tiếng cho rằng “trên thực tế chúng ta vẫn cần nhiều chứng khoán phái sinh hơn để ổn định thị trường”.
Bạn thấy không, trước đây chúng ta đâu có tưởng tượng sẽ có những “sàn” vàng, thế mà trong thời kỳ suy thoái lần này, chúng lại mọc lên ngày càng nhiều và đầy hấp dẫn.
Bạn thấy không, mặc dù đám mây mù của suy thoái vẫn chưa chịu tan, chúng ta vẫn xây dựng thêm nhiều “sàn”- những nơi có nguy cơ tạo bong bóng- như sàn các cổ phiếu chưa niêm yết (UpCom).
Nói nôm na là cuộc khủng hoảng lần này là cuộc khủng hoảng tài chính, do lòng tham tiền gây ra, nhưng phương pháp chữa trị khủng hoảng vẫn là “dĩ độc trị độc”.
Các loại chứng khoán phái sinh (derivativer) này chắc sẽ mang đầy mầm bệnh, nhưng chúng như con virus cần có trong cơ thể để chống lại những virus lạ khác. Những sản phẩm phái sinh sẽ làm thị trường đa dạng và giúp các nền kinh tế khả năng tự cân bằng.
Sau khi ngã, chạy nhanh hơn
Những tưởng sau những năm cuối thập niên 1980 với sự sụp đổ hàng loạt của các hợp tác xã tín dụng, nền kinh tế Việt Nam sẽ được “siết chặt” hơn, nhưng thực tế không phải như vậy. Chúng ta càng mở cửa hơn, càng “thị trường hoá” hơn. Và chúng ta đã đạt được những thành quả, mặc dù còn “dễ vỡ”, ban đầu.
Nhiều người hiện nay lo ngại (có cơ sở) rằng nếu Chính phủ tăng nhiều gói giải cứu hay kích cầu thì chẳng khác nào tăng cung tiền vào nền kinh tế, và như vậy, sẽ đẩy lạm phát lên cao, khiến đa số dân nghèo trầm lặng càng khốn đốn hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, ngược lại, nếu không kích cầu thì giảm phát chắc chắn sẽ xảy ra, khi đó đa số dân nghèo sẽ không còn đường sống.
Đây là bài toán mà chính phủ bất cứ một quốc gia nào cũng đều đối mặt, không chỉ riêng Việt Nam . Đáp số chính là sự mềm dẻo, tự tin và nhất là chủ động, nghĩa là hoàn toàn kiểm soát được lượng cung tiền cũng như đường đi và tốc độ của dòng tiền. Chính vì vậy mà ngày 13/6, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, gần đây, một số dấu hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện ở các nền kinh tế thế giới. Ông cho rằng, kinh tế trong nước tuy chưa rơi vào khủng hoảng tài chính và suy thoái nghiêm trọng nhưng mức suy giảm là khá nặng và vẫn còn nguy cơ tái lạm phát, nhưng không cao và hoàn toàn được kiểm soát.
Vì vậy, theo ông, phải chấp nhận tăng bội chi ngân sách để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế và tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp sau. Phó Thủ tướng cam kết giảm nghèo và phát triển kinh tế- xã hội đối với những hộ nghèo là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ cũng như cả hệ thống chính trị trong thời gian tới. Ông khẳng định những giải pháp tài chính vẫn tiếp tục một cách mạnh mẽ. Bên cạnh việc tích cực hưởng ứng những chính sách kích cầu của Chính phủ, các ngân hàng thương mại còn chủ động đưa vào ứng dụng nhiều loại hình dịch vụ mới.
Rõ ràng “dịch vụ mới” về tài chính không nằm ngoài quy luật “sau khi ngã” sẽ cần thêm nhiều loại “phái sinh” đa dạng và sáng tạo, chứ không phải ngược lại. Thị trường tự do vẫn là đích đến của nền kinh tế đang chuyển đổi của chúng ta./
TS. Nguyễn Văn Lương
Tổ quốc
|