Cần ngoại tệ, nhưng doanh nghiệp lại ngại vay
Mặc dù nhiều ngân hàng đã giảm dần lãi suất cho vay đô la Mỹ nhưng các doanh nghiệp hiện vẫn chưa “mặn mà” lắm với việc vay ngoại tệ này; lý do chính là doanh nghiệp khó có thể cân đối được nguồn đô la để trả cho ngân hàng.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Công ty thép Đại Phúc, cho biết công ty ông vừa vay đô la Mỹ vừa vay tiền đồng nhưng ông vẫn thích vay tiền đồng hơn, vì nếu vay đô la Mỹ thì khi đến hạn trả nợ rất khó tìm đô la để trả, kể cả mua từ ngân hàng cũng không dễ dàng.
Ông Hà lấy ví dụ, hiện tại công ty ông vay đô la Mỹ nhập hàng về bán, thu lại bằng tiền đồng Việt Nam và muốn trả nợ trước hạn nhưng khi đăng ký mua đô la Mỹ từ ngân hàng thì không có, trong khi yêu cầu là vay ngoại tệ phải trả nợ bằng ngoại tệ.
“Tiền đồng đã chuyển vào ngân hàng đợi mua đô la để trả nợ, nhưng ngoại tệ chưa có, mà lãi suất thì vẫn phải trả”, ông nói.
Ông Hà cho biết, gần đây để có nguồn đô la Mỹ trả nợ ngân hàng, ông phải tự đi tìm các doanh nghiệp xuất khẩu chịu bán đô la nhưng với giá cao hơn giá niêm yết của ngân hàng từ 300 - 500 đồng cho một đô la. “Chỉ tính phần chênh lệch tỷ giá, trong quí 1 năm nay, công ty của tôi đã lỗ mất 20 tỉ đồng”, ông than.
Ông Mai Tòng Bá, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn của Ngân hàng Á Châu (ACB), còn cho biết rằng doanh nghiệp hiện nay cũng e ngại cả việc vay ngoại tệ mặc dù lãi suất vay thấp hơn vay tiền đồng (mức thấp hơn khoảng 4,5%/năm). Lý do e ngại lại cũng là không kiếm đâu ra nguồn ngoại tệ để trả.
Ông Bá cho biết, dĩ nhiên các ngân hàng cũng cố gắng ưu tiên bán cho khách hàng của mình vì sợ các khoản nợ chuyển thành quá hạn, nhưng không thể đảm bảo lúc nào cũng có nguồn để bán.
Ông cho biết thêm, các ngân hàng hiện cũng không thích cho vay ngoại tệ vì sợ doanh nghiệp không có nguồn để trả nợ, mà ngân hàng thì không thể hứa sẽ có đô la để bán lại cho doanh nghiệp. "Ở chi nhánh Sài Gòn của ACB này, chỉ các doanh nghiệp chứng minh được có nguồn thu ngoại tệ thì mới được xét cho vay", ông Bá nói.
Đồng tình với ý kiến trên, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, ông cũng không muốn tăng dư nợ bằng ngoại tệ lên vì sợ doanh nghiệp vay rồi không có nguồn ngoại tệ để trả. Do vậy, dư nợ cho vay ngoại tệ của ngân hàng hiện nay cũng không nhiều.
Ngân hàng Vietcombank mới đây cũng cho biết đến cuối tháng 6 năm 2009, dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam của ngân hàng tăng trong khi dư nợ cho vay ngoại tệ giảm mạnh.
Theo Cục Thống kê TPHCM, trong sáu tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đạt hơn 580 ngàn tỉ đồng, tăng 15,4% so cùng kỳ. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 139,3 ngàn tỉ đồng, giảm 2% so cùng kỳ năm ngoái, trong khi dư nợ tiền đồng tăng 24,5% so cùng kỳ.
TBKTSG Online
|