Nghị định 59/2009/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9/2009:
Nâng tầm quản trị cho các NHTM
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2009/NĐ-CP (NĐ59) về tổ chức và hoạt động của NHTM. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9/2009, thay thế Nghị định 49/2000/NĐ-CP (NĐ49) ngày 12/9/2000. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định là NHTM Nhà nước, NHTMCP, NHTM liên doanh, NHTM 100% vốn nước ngoài và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức và hoạt động của ngân hàng. Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (NHNN Việt Nam) Dương Quốc Anh (hiện đã được bổ nhiệm là Chánh Thanh tra, giám sát - Cơ quan Thanh tra, giám sát NH từ ngày 1/8/2009) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, NĐ59 được xây dựng trên cơ sở những định hướng cơ bản nào; có những điểm gì mới so với NĐ49 và đã áp dụng được những chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị ngân hàng chưa?
Luật Các TCTD được sửa đổi bổ sung vào năm 2004, một số luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng được ban hành thay thế các luật cũ. Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống NHTM Việt Nam trong những năm qua, đòi hỏi các ngân hàng phải chuyên nghiệp hơn trong công tác quản trị, điều hành. Do đó, việc ban hành một Nghị định mới thay thế NĐ49 về tổ chức và hoạt động của NHTM là hết sức cần thiết, khắc phục những bất cập cả về mặt pháp lý và thực tiễn của Nghị định này.
NĐ59 ra đời, được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc rất cơ bản. Thứ nhất, kế thừa có chọn lọc các quy định tại NĐ49: NĐ59 giữ lại những ưu điểm, những nội dung đã được thực tiễn kiểm chứng là hợp lý, đồng thời bổ sung, chỉnh sửa hoặc lược bỏ những quy định không còn phù hợp. Thứ hai, tham chiếu có chọn lọc các quy định của Luật Doanh nghiệp: NĐ59 tham chiếu các quy định có liên quan của Luật Doanh nghiệp năm 2005 mà Luật Các TCTD không được đề cập hoặc được đề cập một cách không đầy đủ và có điều chỉnh các quy định này cho phù hợp với đặc thù của NHTM. Thứ ba, tiếp thu thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng.
Xét một cách toàn diện, NĐ59 còn một số hạn chế, do cơ sở pháp lý chính để xây dựng Nghị định là Luật Các TCTD, hiện đã có nhiều điểm lạc hậu và đang được sửa đổi. Tuy nhiên, trên cơ sở các định hướng cơ bản để xây dựng Nghị định như đã nêu, so với NĐ49, Nghị định này đã có nhiều ưu điểm nổi bật và có những bước đột phá về vấn đề quản trị ngân hàng, có thể kể đến là:
NĐ59 hoàn thiện các quy định đã có của NĐ49 theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn và thông lệ quốc tế (như quy định về tiêu chuẩn điều kiện đối với thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc; tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu…);
NĐ59 đã giải quyết được về cơ bản sự thiếu đồng bộ giữa Luật Doanh nghiệp và các quy định của NHNN: NĐ59 đã tham chiếu các quy định có liên quan của Luật Doanh nghiệp mà Luật Các TCTD không được đề cập hoặc được đề cập một cách không đầy đủ và có điều chỉnh các quy định này cho phù hợp với đặc thù của NHTM (như các quy định về: người có liên quan; công khai lợi ích có liên quan, nghĩa vụ của người quản lý…);
NĐ59 đã bổ sung một số nguyên tắc quản trị ngân hàng hiện đại của Ủy ban Basel, OECD và một số thông lệ quốc tế tiên tiến nhằm nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp trong quản trị ngân hàng (như quy định về việc sử dụng khái niệm "ngân hàng", thành viên HĐQT độc lập, các Ủy ban của HĐQT, tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh chủ chốt của ngân hàng...).
Có thể nói, vấn đề quản trị ngân hàng ngày càng trở nên quan trọng và là yếu tố quyết định chiều hướng phát triển của các ngân hàng cũng như toàn hệ thống. Tuy nhiên, ViệtNammới thấy được tầm quan trọng của vấn đề này trong thời gian gần đây. Do đó, với những ưu việt như đã nêu trên, NĐ59 một mặt sẽ giúp các NHTM "nâng tầm" quản trị của mình, giúp cơ quan quản lý có cơ sở pháp lý đầy đủ, hợp lý hơn khi xem xét, đánh giá chất lượng quản trị, điều hành của các NHTM. Mặt khác Nghị định này là bước đệm tốt nhằm đánh giá và hoàn thiện quá trình áp dụng chuẩn mực quản trị quốc tế trong ngân hàng, qua đó sẽ giúp cho NHNN ViệtNamcó thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện Luật Các TCTD sửa đổi.
PV: Ông có thể cho biết những đặc thù cơ bản của NĐ59 so với Luật Doanh nghiệp và Luật Các TCTD hiện hành?
Về nguyên tắc, những vấn đề Luật Các TCTD (luật chuyên ngành) không quy định mà Luật Doanh nghiệp có quy định thì phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp có nhiều nội dung không phù hợp với đặc thù tổ chức và hoạt động của loại hình ngân hàng. Luật Các TCTD hiện hành có nhiều quy định đến nay đã lạc hậu, thiếu tính thực tiễn hoặc nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ chưa được quy định. Mặt khác, việc áp dụng chuẩn mực quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế là yếu tố rất quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, an toàn của các NHTM nói riêng và của ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong khi đó hệ thống pháp luật hiện hành về ngân hàng của Việt Nam chưa tiếp cận được các chuẩn mực này.
Từ những lý do nêu trên, Chính phủ đã cho phép NĐ59 đưa ra một số quy định có tính chất đặc thù, bao gồm:
Nghị định đưa ra một số nội dung mà Luật Các TCTD, Luật Doanh nghiệp không đề cập đến, như một số yêu cầu chặt chẽ hơn đối với HĐQT (thành viên HĐQT độc lập, các Ủy ban của HĐQT...); Giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với một tổ chức, cá nhân và người có liên quan của họ; thời điểm xác lập danh sách cổ đông; thẩm quyền và thể thức lấy ý kiến thành viên HĐQT bằng văn bản...
Nghị định đã điều chỉnh hoặc bổ sung một số nội dung mà Luật Các TCTD, Luật Doanh nghiệp có đề cập nhưng chưa rõ hoặc chưa phù hợp với đặc thù của NHTM, như khái niệm "Công ty trực thuộc", "Người có liên quan", quy định về đăng ký kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý ngân hàng...
Nghị định cũng lược bỏ một số nội dung được đề cập trong Luật Doanh nghiệp (Luật Các TCTD không quy định) nhưng không phù hợp với đặc thù của NHTM, như việc phát hành cổ phần ưu đãi hoàn lại, việc Đại hội đồng cổ đông có thẩm quyền thông qua các hợp đồng đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản ghi trong báo cáo tài chính của ngân hàng...
PV: Ông có thể nói rõ thêm ý nghĩa của việc quy định về thành viên HĐQT độc lập và các Ủy ban của HĐQT tối thiểu cần phải có?
Ông Dương Quốc Anh:Đây là một trong những điểm có tính chất "đột phá" trong công tác quản trị của các ngân hàng ViệtNam. Quy định này được xây dựng dựa trên nguyên tắc về quản trị ngân hàng lành mạnh của Ủy banBaselvà được áp dụng tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Mục đích của việc đưa ra quy định về thành viên HĐQT độc lập nhằm tạo cơ sở pháp lý để các ngân hàng có thể lựa chọn những người có năng lực quản trị mà không nhất thiết là người có vốn hoặc là người có lợi ích không đáng kể tại ngân hàng, đồng thời đạt được một số yêu cầu quan trọng về quản trị ngân hàng, như: tăng tính trách nhiệm trong quá trình đưa ra quyết định của các thành viên HĐQT; giảm khả năng xung đột lợi ích giữa việc đưa ra quyết định và việc điều hành công việc hàng ngày của ngân hàng; tạo sự kiểm tra và cân bằng quyền lực, đảm bảo ngân hàng hoạt động lành mạnh, đảm bảo các quyền quyết định của HĐQT là khách quan, vì lợi ích tốt nhất của ngân hàng.
Ngoài ra, để chuyên nghiệp hóa các hoạt động của HĐQT nhằm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình một cách tốt nhất, Nghị định quy định HĐQT phải thành lập các Ủy ban, trong đó ít nhất có 2 Uỷ ban quan trọng là Uỷ ban về vấn đề Quản lý rủi ro và Uỷ ban về vấn đề Nhân sự.
PV: Khoản 3 Điều 34 quy định "cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của một ngân hàng", được hiểu như thế nào, có áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài không, thưa ông?
Ông Dương Quốc Anh: NĐ59 đã quy định cụ thể các đối tượng là "người có liên quan" và tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa đối với cổ đông và "người có liên quan" của cổ đông đó (Khoản 3 Điều 34). Quy định này nhằm hạn chế việc một nhóm cổ đông có cùng lợi ích nắm giữ tỷ lệ vốn lớn tại ngân hàng và thông qua cơ chế biểu quyết để thao túng hoạt động của ngân hàng theo ý đồ của riêng mình. Quy định này chỉ áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, khoản 5 Điều 34 đã nêu rõ: "Tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của NHTM Việt Nam".
PV: Ông có thể nói rõ hơn Điều 79 quy định về những quy trình, chính sách cần thiết trong quá trình hoạt động của các TCTD?
Ông Dương Quốc Anh:Có thể nói, các quy trình, chính sách nội bộ là kim chỉ nam trong hành động, là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ của một NHTM. Quy định này được xây dựng trên cơ sở tham khảo 25 nguyên tắc cơ bản của Uỷ banBaselđể đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả. Một số quy trình, chính sách được liệt kê tại điều này đã được cụ thể hoá bằng các văn bản của NHNN như quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, quy định về việc duy trì các tỷ lệ đảm bảo an toàn, quy định về hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ... Tuy nhiên, cũng còn một số chính sách quan trọng khác cần phải áp dụng để chuẩn hoá hoạt động ngân hàng, do vậy Nghị định đã đưa ra một bộ khung các chính sách quan trọng, cần thiết cho quá trình hoạt động mà các ngân hàng phải thiết lập trên cơ sở hướng dẫn của NHNN và có nghĩa vụ tuân thủ.
PV: Xin cảm ơn Vụ trưởng!
Ngọc Quyết
SBV
|