Thứ Ba, 21/07/2009 21:07

Mỹ có thể chi bao nhiêu tiền để thoát khỏi suy thoái?

Tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ chi ra để cứu nền kinh tế nước khỏi khủng hoảng có thể lên tới 23.700 tỷ USD.

Đây là con số mà Chánh thanh tra đặc biệt Neil M. Barofsky, người được giao giám sát Chương trình giải trừ nợ xấu (TARP) do Bộ Tài chính Mỹ khởi xướng, đưa ra.

Trong một tài liệu chuẩn bị cho phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ vào ngày 21/3, ông Barofsky đã công bố con số này. Nếu đúng vậy, trung bình mỗi người dân Mỹ đóng góp 77.000 USD để chính phủ nước này cứu nền kinh tế. Đồng thời, con số 23.700 tỷ USD cũng cao hơn tổng sản lượng kinh tế hàng năm 14.100 tỷ USD của nước Mỹ.

Tuy nhiên, trong một báo cáo đi kèm về phiên điều trần này, ông Barofsky thừa nhận, con số trên có thể bị “thổi phồng”, vì bao gồm chi phí tối đa của những chương trình đã bị hủy bỏ hoặc sẽ không bao giờ được thực hiện.

Theo ông Barofsky, trong con số 23.700 tỷ USD, tổng cộng các chương trình cứu trợ của FED có chi phí có thể lên tới 6.800 tỷ USD. Chi phí của chương trình TARP có thể lên tới 3.000 tỷ USD, bao gồm những khoản chi có thể phát sinh của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) và FED.

Cộng thêm vào đó là 4.400 tỷ USD trong các chương trình mà Bộ Tài chính Mỹ có thể đưa ra, và 2.300 tỷ USD mà FDIC bảo lãnh cho các khoản tiền gửi trong ngân hàng. Khoản 7.200 tỷ USD còn lại chủ yếu đến từ các chương trình liên quan tới hoạt động cho vay cầm cố.

Những con số trên được được đưa ra dựa trên giả thiết rằng mọi khoản vay cầm cố nhà do hai tập đoàn Fannie Mae và Freddie Mac bảo lãnh đều lâm vào cảnh vỡ nợ, và mọi ngôi nhà được cầm cố cho những khoản vay này trở nên vô giá trị. Một giả thiết nữa là mọi ngân hàng ở Mỹ đều đổ vỡ, và chẳng một tài sản nào của những ngân hàng này đáng giá một xu.

Giả thiết tiếp theo là mọi tài sản do các quỹ tương hỗ (mutual fund) thị trường tiền tệ nắm giữ, bao gồm cả trái phiếu kho bạc Mỹ, cũng trở nên vô giá trị. Ngoài ra, việc tính toán còn dựa trên giả thiết Bộ Tài chính Mỹ vỡ nợ đối với tất cả số trái phiếu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã mua vào.

Những giả thiết trên được nhìn nhận là hết sức phi lý, tuy nhiên, con số trên vẫn không thể khiến các nhà làm luật của Mỹ thôi nhìn nhận nghiêm túc về một khoản tiền khổng lồ như vậy. “Thật khó mà tưởng tượng nổi quy mô và phạm vi của cam kết tài chính mà người đóng thuế ở Mỹ có thể phải chịu trách nhiệm”, Hạ nghị sỹ Darrell E. Issa của bang California nói.

Đề cập tới mục đích của việc đưa ra con số 23.700 tỷ USD, ông Barofsky nói: “Ý của chúng tôi không phải là Chính phủ Mỹ sẽ mất hơn 23.700 tỷ USD. Mục tiêu của chúng tôi là đem tới sự minh bạch, đặt mọi thứ vào bối cảnh cụ thể”.

Khi được hỏi liệu tổng chi phí tối đa mà nước Mỹ sẽ phải bỏ ra trên thực tế để cứu nền kinh tế có thể là bao nhiêu, ông Barofsky nói, đó không phải là nhiệm vụ của ông và từ chối đưa ra một con số cụ thể. Báo cáo của quan chức này cũng thừa nhận, nếu những con số này là chính xác, tổng số tiền vẫn có thể nhỏ hơn, vì trên thực tế, nhiều cơ quan chức năng cùng lúc hỗ trợ một định chế tài chính, nên có thể xảy ra sự trùng lặp.

Phát ngôn viên Andrew Williams của Bộ Tài chính Mỹ nhận định, những con số này đã bị “bóp méo” vì không tính tới giá trị của những khoản thế chấp trong các chương trình cho vay, cũng như giá trị của các loại chứng khoán mà Bộ Tài chính nhận được từ các ngân hàng. Trên thực tế, trong số 700 tỷ USD của chương trình TARP, 441 tỷ USD đã được chi và 70 tỷ USD trong số này đã được các định chế tài chính hoàn trả.

“Những con số này chẳng hữu ích gì cho việc tính toán chi phí cho các chương trình chống khủng hoảng. Quy mô tối đa của các chương trình chỉ là là thiết và chẳng bao giờ có chuyện tất cả các chương trình sẽ cùng đạt chi phí tối đa”, ông Williams nói trong cuộc phỏng vấn do hãng tin tài chính Bloomberg thực hiện.

Ông Williams nói thêm rằng, nước Mỹ thực tế mới chỉ chi chưa đầy 2.000 tỷ USD để chống khủng hoảng, và phần lớn số tiền này đã được bảo lãnh bằng những tài sản có giá trị. Song có lẽ chưa bao giờ, số tiền lên tới 2.000 tỷ USD lại được xem là “nhỏ” như lúc này!

MAI PHƯƠNG

TBKTVN

Các tin tức khác

>   IMF đề xuất 250 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (21/07/2009)

>   CK Châu Á diễn biến ngược chiều khi đà phục hồi yếu dần (21/07/2009)

>   Trung Quốc: Xuất khẩu của Quảng Đông có dấu hiệu hồi phục (21/07/2009)

>   Nhật Bản chi gần 40,8 tỷ USD để hỗ trợ các DN khó khăn (21/07/2009)

>   Gã khổng lồ General Motor đang dần hồi sinh (21/07/2009)

>   Chiếc ghế “nóng” của Chủ tịch FED (21/07/2009)

>   Angiêri đầu tư 160 triệu euro hiện đại hoá quản lý các cảng biển (21/07/2009)

>   Toyota có thể đóng cửa cơ sở lắp ráp của liên doanh NUMMI (21/07/2009)

>   Băngla Đét đặt mục tiêu tăng trưởng KT 5,5-6% trong tài khóa 2010 (21/07/2009)

>   Doanh số bán PC tăng mạnh tại châu Á - Thái Bình Dương (21/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật