IMF đề xuất 250 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt
(Vietstock) – Ban điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lên tiếng ủng hộ việc phân bổ quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) tương đương 250 tỷ USD nhằm cung cấp tính thanh khoản cho hệ thống kinh tế toàn cầu bằng cách bổ sung dự trữ ngoại hối của 186 quốc gia thành viên.
Quyền rút vốn đặc biệt được đề xuất sẽ phân bổ theo hạn ngạch hiện nay của các thành viên IMF trong quỹ. Khoản tương đương xấp xỉ 100 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Đề xuất trên sẽ được đệ trình lên Hội đồng điều hành của IMF trước khi có chấp thuận cuối cùng.
Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn cho biết: “Việc phẩn bổ quyền rút vốn đặc biệt là một phần quan trọng thể hiện phản ứng của quỹ trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu nhằm đưa ra những giải pháp hỗ trợ thiết thực đến các thành viên trong thời điểm khó khăn”.
Sự phân bổ quyền rút vốn đặc biệt được đề nghị như một phần của kế hoạch trị giá 1.1 nghìn tỷ USD đã được phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Luân Đôn trong Tháng Tư vừa qua và được tán thành bởi Ủy Ban Tài Chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC). Mục đích của việc làm này là để ứng phó với cơn khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu thông qua việc phục hồi tín dụng, tăng trưởng và việc làm cho nền kinh tế thế giới.
Nếu được 85% số phiếu bầu của Hội đồng điều hành chấp thuận trong cuộc bỏ phiếu dự kiến kết thúc vào ngày 7/8 tới, việc phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt sẽ có hiệu lực vào ngày 28/8.
Việc phân bổ quyền rút vốn đặc biệt sẽ được tiến hành đối với các thành viên IMF, là những người tham dự Bộ SDR, nhằm tạo sự cân đối hạn ngạch hiện tại trong quỹ, vốn dựa trên quy mô liên quan trong nền kinh tế toàn cầu.
Việc vận hành này sẽ tăng cường sự phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt cho mỗi quốc gia thêm xấp xỉ 74% hạn ngạch và tăng cường tổng phân bổ của các thành viên trong quỹ từ xấp xỉ 33 tỷ USD (21.4 tỷ SDR) lên tương đương gần 283 tỷ USD.
Được biết, quyền này được phẩn bổ đến các thành viên sẽ tính đến các tài sản dự trữ, hoạt động như một vùng đệm thanh khoản chi phí thấp cho các nước có thu nhập thấp và các thị trường mới nổi cũng như giảm nhu cầu dôi thừa sự tự bảo hiểm.
Chẳng hạn, các thành viên có thể chọn bán một phần hoặc toàn bộ quyền phân bổ của họ đến các thành viên khác trong trao đổi đồng tiền mạnh, nhằm đáp ứng nhu cầu cán cân thanh toán. Hoặc các thành viên có thể chọn mua thêm quyền rút vốn đặc biệt như là phương tiện tái phân bổ dự trữ.
Bội Mẫn (Theo THX)
|