“Mạt” vì hàng Trung Quốc giá rẻ
Chuộng đồ rẻ, sắc màu rực rỡ, bà Vân Phương ở quận 10 mua một loạt đồ sứ của Trung Quốc (TQ), bình hoa, chén đĩa, v.v... xài mới sáu tháng, bình hoa trên bàn thờ rỉ nước lộp độp, “may mà dàn máy dưới bàn thờ đựng trong tủ, phát hiện không kịp chắc cháy rồi”, bà Phương than.
Bà Phương là người quen của ông kỹ sư Thái Văn Hải, đại diện chi nhánh sứ Hải Dương tại TP.HCM. Ông Hải nói, “bà Phương chê sứ của tôi mắc, đi mua ba cái đồ ba láp mang hoạ phải thôi”.
Tiền mất...
Ông Hải cho biết, đúng hàng cao cấp sứ Giang Tây TQ thì không chê vào đâu được — đây là cái nôi đồ gốm sứ lâu đời; “nhưng thị trường Việt Nam có đâu, toàn là hàng cấp thấp chẳng thương hiệu gì hết, giá rẻ, mẫu mã đa dạng, màu thì loè loẹt để che đậy cái chất kém bên trong xương nên mau hỏng, dễ vở”. Để sản xuất sứ có hai yếu tố quan trọng, hàng tốt phải nung đến 1.300 độ C, hàng tồi chỉ nung chừng 800 độ C và nguyên liệu phải được chọn lọc, loại trừ kim loại nặng... Hàng cấp thấp không bao giờ đạt hai chỉ tiêu trên và thường do các cơ sở sản xuất địa phương bên TQ làm.
Bà Nữ — chủ nhà may trong hẽm ở Q.3 phải thay hai tấm kính tráng thuỷ to trong phòng thử đồ. “Vì khách chê sao nhìn mặt mình thấy nó méo dài ra, em phải kêu cả nhà soi thử và đúng vậy”, bà Nữ kể tiếp, phải ra tiệm kiếng lớn giao kèo trước, nếu bị méo lệch, sẽ không mua; “từ đó mới đúng hàng”.
Không chỉ là kính tấm nguyên liệu, hàng TQ còn có hàng bộ trọn gói cho nhà tắm từ kính soi, lavabo, tủ, kệ kính... và không theo tiêu chuẩn nào cả, chỉ là hàng trôi nổi; người mua và bán tự thoả thuận. Ông Đoàn Đình Quốc, giám đốc công ty kính Đình Quốc cho biết, hàng kính trọn bộ của TQ tràn lan thị trường, nhưng chất lượng không đồng đều - tốt có, xấu cũng ê hề.
Tật mang
Chủ tiệm Q. bán đồ điện gia dụng trên đường Nguyễn Trãi Q.5 cho rằng, không riêng gì ở Q. rất nhiều nơi đều có bán hàng của TQ vì giá rẻ, ai có tiền thì mua đồ tốt; còn giá rẻ thì làm sao mà tốt được, “tôi cũng nói thẳng với khách hàng điều đó!”. Ông chủ ví dụ, biết bao trường hợp, chỉ đơn giản như cái đuôi đèn hàng rẻ tiền, lẽ ra cái lưỡi gà bằng đồng trong đuôi đèn đó phải đủ đàn hồi để lưỡi gà ép sát vào mạch cuối của bóng đèn; nhưng vặn cái đèn vào rồi, mở ra, lưỡi gà nằm ngay đơ, khi đó đuôi bóng sẽ ép “chập chờn” vào lưỡi gà, khi chập khi không dễ bị cháy bóng, thậm chí nẹt điện, nổ! Hoặc đèn huỳnh quang có chấn lưu (tăng phô), trong ruột nó hàng tốt, dây thường làm bằng đồng để giảm nóng nhưng hàng giá rẻ làm dây nhôm — sinh nhiệt cao, gây nóng cháy. Hoặc phích cắm, đồ rẻ chất lượng kém thường đúc, có khi rút ra thì hai cọc đồng nằm lại trong ổ cắm; chứng tỏ dây điện nối với cọc mong manh, dễ bị nóng chảy.
“Dựng chiếc xe máy lên, nghe cái rắc — tấm gạch men bể; đặt nặng tay cái ghế gỗ căm xe xuống nền — gạch cũng nứt!”, ông Chín Đô ở Q.2 ngao ngán nói. Số là khi xây nhà năm 2000 kinh phí eo hẹp, ông Đô mua gạch men TQ cho rẻ, lát cả trăm mét vuông nền nhưng chưa được hai năm đã xuống cấp; màu, men bạc trơ xương — lộ phần đất nung ra. Nay nhà đã thay lại toàn bộ gạch granit trong nước sản xuất, “xài bốn năm nay rồi vẫn mới nguyên”, ông Đô nói tiếp, “giờ có ai cho không ba cái gạch dỏm đó cũng không thèm, chỉ tội tốn công, ximăng, cát!”.
Nguyễn Tâm
Sài Gòn Tiếp Thị
|