Thứ Tư, 08/07/2009 10:34

Lỏng lẻo quan hệ giữa SCIC và người đại diện

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 807 công ty cổ phần.

Với số lượng doanh nghiệp lớn, khá đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động, để thực hiện tốt chức năng đại diện chủ sở hữu của mình, đòi hỏi SCIC và người đại diện phải có những thay đổi lớn trong cách thức tham gia quản lý vốn tại doanh nghiệp.

Hiện nay gần 1.100 người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (trong đó khoảng gần 800 người là lãnh đạo các công ty cổ phần, xấp xỉ 300 người là công chức hành chính kiêm nhiệm) đang phối hợp với SCIC thực hiện quyền và nghĩa vụ cổ đông tại các công ty cổ phần.

Sau hơn hai năm áp dụng Quy chế người đại diện vốn của SCIC được ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐ/HĐQT ngày 15/1/2007 của Hội đồng Quản trị SCIC, hàng lọat những vướng mắc đã phát sinh trong quá trình phối hợp giữa Nguời đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC.

Liệu có cần thiết phải cử người đại diện ở tất cả các doanh nghiệp? Cơ chế khuyến khích người đại diện như thế nào? Cơ chế giám sát ra sao? Có thể thuê công ty quản lý doanh nghiệp được không?

Theo lãnh đạo SCIC, điều quan trọng nhất khi sửa đổi Quy chế là quy định rõ hơn mối quan hệ phối hợp giữa SCIC và người đại diện, trong đó SCIC là cổ  đông thực sự tại doanh nghiệp, thông qua người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ cổ đông Nhà nước và quan hệ giữa SCIC và người đại diện là quan hệ hợp tác. SCIC không phải là một cơ quan chủ quản cấp trên của doanh nghiệp như trước đây, mà là đối tác của doanh nghiệp.

Phối hợp chưa tốt

Một trong những tồn tại được xem là khá phổ biến trong phối hợp giữa SCIC và người đại diện đó là sự phối hợp thực hiện quyền cổ đông Nhà nước ở một số doanh nghiệp chưa tốt. Mặc dù theo quy định, một số nội dung mà người đại diện phải báo cáo và lấy ý kiến SCIC trước khi biểu quyết.

Nhưng trên thực tế, một số người đại diện chưa tuân thủ đầy đủ, không báo cáo, lấy ý kiến của SCIC trước khi biểu quyết tại hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông. Một số người đại diện khác thì nhận thức rằng đã được Bộ, được ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cử làm đại diện thì có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến quyền cổ đông Nhà nước, không cần xin ý kiến cơ quan chủ sở hữu.

Có những trường hợp người đại diện biểu quyết mà không xin ý kiến của SCIC hoặc biểu quyết khác ý kiến của SCIC, không đảm bảo quyền lợi của SCIC như: phát hành cho cổ đông hiện hữu nhưng không phát hành cho SCIC, trả cổ tức bằng cổ phiếu nhưng trả cho SCIC bằng tiền mặt, phát hành cổ phần cho đối tượng khác theo giá thấp, pha loãng cổ phần Nhà nước, quyết định đầu tư lớn không đúng thủ tục...

Cá biệt, có trường hợp người đại diện không thực hiện ý kiến của SCIC vì lợi ích cá nhân (Công ty Cổ phần Giầy Đông Anh, Công ty Thương mại Hà  Giang, Công ty Xuất nhập khẩu Việt Lào), lạm dụng quyền hạn trục lợi riêng, gây mâu thuẫn nội bộ làm ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và quyền lợi cổ đông.

Những người đại diện kiêm nhiệm là cán bộ của các bộ, ngành, địa phương nên không nắm rõ tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Có những trường hợp, người đại diện tại một số doanh nghiệp vẫn coi SCIC là một cơ quan chủ quản hơn là một cổ đông thực sự mà cho rằng SCIC chịu trách nhiệm xử lý cả các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ, người lao động, giải quyết khiếu nại, tố cáo và họ chuyển về SCIC để xử lý.

Phía SCIC cũng thừa nhận, công tác quản lý, phối hợp với người đại diện dù được chú trọng nhưng SCIC chưa thực sự  chủ động. Trong nhiều trường hợp, chỉ khi doanh nghiệp có phát sinh vấn đề cần giải quyết thì  SCIC mới tích cực phối hợp với người đại diện, còn lại thì thụ động có ít thông tin và các mối quan hệ qua lại. Với số lượng doanh nghiệp nhiều, lực lượng cán bộ còn mỏng nên SCIC chưa cử cán bộ tới doanh nghiệp. 

Cách nào hoàn thiện cơ chế?

Theo SCIC, một trong những nguyên nhân của những tồn tại trên là do các quy định của pháp luật xác lập quyền và nghĩa vụ của người đại diện chưa đầy đủ, chưa cụ thể. Tại một doanh nghiệp có nhiều người đại diện vốn Nhà nước nên trách nhiệm không rõ ràng.

Một nguyên nhân khác nữa là do bản thân SCIC cũng mới thành lập đi vào hoạt động, SCIC là mô hình mới với nhiều hoạt động khá đặc thù nên nhận thức ở một số người đại diện về vai trò, chức năng của SCIC còn chưa thực sự đầy đủ.

Do vậy sự phối hợp giữa hai bên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền đôi khi còn chưa chặt chẽ. Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước bàn giao về SCIC có quy mô khác nhau, ngành nghề đa dạng, trình độ phát triển, cách thức quản trị cũng hết sức khác biệt, mất rất nhiều thời gian cho việc xử lý hậu bàn giao, đặc biệt là giải quyết những vấn đề mang tính chất sự vụ.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý có hiệu quả hàng chục ngàn tỷ  đồng của Nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp, SCIC coi việc phối hợp tốt với người đại diện là giải pháp cơ bản. Đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, vốn Nhà nước nhiều, SCIC cử người trực tiếp phối hợp với người đại diện (là lãnh đạo doanh nghiệp) để quản lý vốn Nhà nước.

Đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, phần vốn Nhà nước không nhiều, thuộc các lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước không cần nắm giữ vốn, SCIC dự kiến giảm dần số lượng người đại diện tại một doanh nghiệp.

Tại một số doanh nghiệp, SCIC trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước thông qua phương thức: doanh nghiệp cung cấp thông tin, báo cáo dành cho cổ đông theo đúng quy định. Đối với người đại diện kiêm nhiệm, việc phối hợp sẽ từng bước và theo cách thức, điều kiện phù hợp.

Ngoài ra, với tư  cách là cổ đông có tiếng nói quan trọng tại doanh nghiệp, SCIC sẽ tiếp tục ủng hộ và đề cử người đại diện xứng đáng vào nắm giữ  các chức vụ quản lý, điều hành, qua đó Người đại diện tiếp tục hưởng các chế độ tương ứng với các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp.

Và đặc biệt, gần đây nhất, SCIC đã có phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc lựa chọn đề cử người đại diện tại các doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc đối tượng bàn giao về SCIC theo quy định tại Nghị định 109/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ, đặc biệt là đối với các tổng công ty, doanh nghiệp quan trọng.

Hoàng Xuân

TBKTVN

Các tin tức khác

>   UPCoM chưa hấp dẫn nhà đầu tư (08/07/2009)

>   OTC: Tích lũy tiền (08/07/2009)

>   Kiểm tra các dự án của Tập đoàn Nam Cường (08/07/2009)

>   Ngân hàng và UPCoM: Duyên chưa bén (08/07/2009)

>   Techcombank lãi 1.031 tỷ đồng 6 tháng đầu năm (07/07/2009)

>   Quý 3-2009 đưa 200 doanh nghiệp lên sàn UPCoM (07/07/2009)

>   UPCoM-Index chấm dứt 2 phiên tăng điểm (07/07/2009)

>   Eximbank công bố lãi trên 800 tỷ đồng sau 6 tháng (07/07/2009)

>   DongA Bank đạt 51% kế hoạch năm 2009 trong 6 tháng (07/07/2009)

>   Kido đoạt giải nhất Doanh nghiệp Xanh lần 2 - 2009 (07/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật