Thứ Năm, 16/07/2009 11:49

Kinh tế hồi phục, mỗi ngành đều có cơ hội

Bước vào giai đoạn đầu hồi phục sau thời kỳ suy thoái, mỗi ngành sản xuất đều có thể tạo ra những cơ hội cho riêng mình, cùng với những thuận lợi được tạo ra từ sự khởi sắc của nền kinh tế. Từ ngành dệt may, dược phẩm, đồ gỗ đến sản xuất nguyên vật liệu…, các DN niêm yết đại diện cho các ngành hàng này đều tự tin khi nói về dự kiến hoạt động quý III, quý IV với những tín hiệu khả quan đã xuất hiện từ nửa đầu năm.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất May Sài Gòn (GMC)

Sáu tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của GMC tương đối khả quan. Cụ thể, tổng doanh thu 167 tỷ đồng, đạt 45,13% kế hoạch năm; lợi nhuận 17,8 tỷ đồng, đạt 53,94% kế hoạch năm. Hiện GMC đang lên kế hoạch cho việc sản xuất hàng quần áo thu đông và chuẩn bị kế hoạch sản xuất cho hàng quần áo xuân hè 2010. Nhìn chung, mọi việc vẫn diễn ra thuận lợi nên khả năng hoàn thành và vượt kế hoạch là rất cao. GMC đã đặt kế hoạch năm nay là doanh thu 370 tỷ đồng, lợi nhuận 33 tỷ đồng, cổ tức 12% trên vốn điều lệ 88 tỷ đồng.

Đồng thời, GMC đang hoàn chỉnh chương trình tái cơ cấu theo hướng tập trung hoá và nâng cao năng lực sản xuất để đạt doanh thu sản xuất hàng may mặc trên 600 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực sản xuất, GMC sẽ hình thành 3 đơn vị sản xuất với quy mô trên 10 chuyền may/đơn vị là: Công ty TNHH May Tân Mỹ (Vũng Tàu), Công ty TNHH May An Nhơn (Gò Vấp) và Công ty TNHH May An Phú (Hóc Môn).

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cao su Đồng Phú (DPR)

Tính đến hết tháng 6/2009, DPR đã khai thác được 5.300 tấn mủ cao su, hoàn thành 32% kế hoạch năm. Sản lượng chế biến đạt 6.186 tấn, doanh thu tiêu thụ đạt 173 tỷ đồng, hoàn thành 38% kế hoạch năm. Với lợi nhuận 48,4 tỷ đồng, DPR đã hoàn thành 53,5% kế hoạch lợi nhuận năm. Cổ đông Công ty cũng cần lưu ý là ngành cao su có tính chất mùa vụ, giai đoạn nửa đầu năm có sản lượng khai thác thấp điểm nhất trong năm.

DPR chỉ thực sự bước vào vụ khai thác năm 2009 từ đầu quý II. Trong quý II, bên cạnh việc khai thác và chế biến, DPR đã đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu, tạo đà phát triển cho những năm tới. Đầu tháng 6, Ban lãnh đạo DPR đã làm việc với Chính quyền Vương quốc Campuchia và được đồng ý về mặt nguyên tắc cấp thêm 8.000 héc-ta trong dự án Đồng Phú - Kratie, giúp DPR hình thành vùng nguyên liệu mới. Ngay trong năm 2009, Công ty sẽ trồng mới 1.000 héc-ta, năm 2010 trồng 3.000 héc-ta. Năm 2009, trong dự án Đồng Phú - Đắc Nông, Công ty phấn đấu trồng  500 héc-ta, đến nay đã thực hiện được 50%.

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Gỗ Trường Thành (TTF)

Tập đoàn Gỗ Trường Thành có nhiều công ty con nên báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng còn đang trong quá trình hợp nhất và soát xét. Xét tổng thể, tình hình sản xuất - kinh doanh trong 6 tháng đầu năm của TTF chưa thể gọi là tốt, nhưng đã khả quan hơn nhiều so với quý IV/2008.

TTF phát triển 3 dòng sản phẩm chính là đồ gỗ ngoại thất, ván sàn và đồ gỗ nội thất. 6 tháng đầu năm, dòng sản phẩm nội thất Công ty vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao tại cả thị trường nội địa và một số thị trường chiến lược như thị trường Mỹ. Doanh số của dòng sản phẩm đồ gỗ ngoại thất tại thị trường Nhật Bản vẫn được duy trì. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nên doanh số tại thị trường châu Âu đã giảm sút. Trong thời gian tới, xuất khẩu đồ gỗ vẫn gặp khó khăn do sức cầu và giá bán đều tụt giảm; nhưng với TTF, các tác động chỉ khiến hiệu quả sản xuất - kinh doanh giảm sút một phần. TTF hiện có đủ đơn hàng sản xuất đến tháng 4/2010.

TTF là đối tượng được hưởng gói lãi suất ưu đãi của chính phủ. Gói lãi suất này được giải ngân từ tháng 3, nhưng tới tận tháng 5, TTF mới hoàn trả hết các khoản vay với chi phí cao trước đây. Đến đầu tháng 6, Tập đoàn mới tận dụng được nguồn vốn vay với chi phí rẻ. Dự án phát triển vùng nguyên liệu của TTF vẫn đang được phát triển mạnh mẽ. Dự kiến, vào cuối năm 2009, TTF có thể khai thác một phần tại các dự án trên, giảm bớt áp lực về nhập khẩu nguyên liệu. Trong một vài năm tới, Công ty có thể hoàn toàn tự chủ về nguồn nguyên liệu.

Ông Nguyễn Quốc Định, Phó tổng giám đốc CTCP Imexpharm (IMP)

Báo cáo tài chính quý II của Công ty còn phải trải qua quá trình soát xét, nhưng mức lợi nhuận tạm ước tính là 37 - 38 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ, hoàn thành 52,8% kế hoạch năm.

Hiện tại, cơ cấu sản phẩm của IMP gồm hơn 200 sản phẩm, trong đó hơn 150 sản phẩm mang thương hiệu IMP, 50 sản phẩm còn lại là sản xuất nhượng quyền. Công ty đang đàm phán với các đối tác để có thêm nhiều sản phẩm mới. Kết quả kinh doanh của Công ty không bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng chịu tác động gián tiếp do sự biến động tỷ giá. Từ quý II/2009, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các NHTM tạm ngừng cung cấp các sản phẩm phái sinh về ngoại tệ nên IMP cũng như nhiều công ty nhập khẩu nguyên liệu khác gặp khó khăn.

Về các dự án đầu tư, cuối quý II Công ty đã chuyển đổi Chi nhánh CTCP Dược phẩm Imexpharm - Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười thành Công ty con Remedica. Công ty này sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới. Vào quý I/2009, IMP phải thay đổi một số thiết kế của Nhà máy Cephalosporine tại Khu công nghiệp Sóng Thần II, Bình Dương. Việc này nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn cao nhất về sản xuất và bảo quản sản phẩm. Tỷ giá biến động đã gây khó khăn cho việc nhập thiết bị. Tưởng chừng Nhà máy sẽ phải khánh thành chậm hơn dự kiến 4 tháng, nhưng diễn biến thuận lợi trên thị trường xây dựng gần đây khiến Công ty quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, Nhà máy sẽ đưa vào hoạt động ngay trong quý IV/2009, theo đúng kế hoạch ban đầu. Ước tính, sau khi hoạt động, Nhà máy sẽ mang lại 200 tỷ đồng doanh thu/năm và giúp Công ty duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 10%/năm.

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Ngành dược: Vững vàng! (16/07/2009)

>   Nên để thị trường định giá (16/07/2009)

>   Đi tìm cổ phiếu 7x (16/07/2009)

>   "Không cổ phiếu nào đủ sức kéo giá cổ phiếu khác" (16/07/2009)

>   VGP: LN quý 2 đạt 8.39 tỷ đồng, bằng 46.1% kế hoạch năm (16/07/2009)

>   SSI lợi nhuận quý 2 tăng hơn 5 lần quý 1 (16/07/2009)

>   Vì sao chuyên gia thua “thầy bói”? (16/07/2009)

>   LUT: Thay đổi mục đích sử dụng DSCĐ chốt ngày 15/04/2009 (15/07/2009)

>   6 tháng, Sông Đà 10.1 lãi hơn 9 tỷ đồng (15/07/2009)

>   TBC sẽ chuyển sang niêm yết tại HOSE vào tháng 9 (15/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật