Thứ Tư, 29/07/2009 06:20

Kinh tế châu Á đang phục hồi nhưng rủi ro ngay trước mặt

Tờ “Thời báo Kinh tế Nhật Bản” số ra ngày 24/7 đăng bài phân tích của Jong-Wha Lee, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra quan điểm hoàn toàn khác so với nhiều chuyên gia kinh tế khác về vai trò của nền kinh tế châu Á đối với sự phục hồi kinh tế thế giới.

Theo bài phân tích, các chỉ số kinh tế được công bố gần đây cho thấy một bức tranh nhiều màu sắc về các nền kinh tế hàng đầu thế giới Trong khi đó, các thị trường ở châu Á đang hồi phục mạnh mẽ hơn những khu vực khác. Những tháng gần đây, sản lượng công nghiệp ở Hàn Quốc, Xinhgapo và Thái Lan liên tục tăng. Cho dù phần lớn các nền kinh tế châu Á vẫn trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, song các nền kinh tế này đã chạm đáy của chu kỳ suy thoái kinh tế.

ADB dự báo, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Á sẽ là 3% trong năm nay. Mặc dù so với tốc độ tăng trưởng 6,1% trong năm 2008, tốc độ tăng trưởng ở khu vực này thấp hơn, nhưng vẫn là tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Liệu châu Á sẽ dẫn dắt sự phục hồi kinh tế thế giới? Điều này có thể xảy ra. ADB dự báo sự phục hồi kinh tế của châu Á theo mô hình chữ V, với tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu lục này có thể đạt khoảng 6% trong năm tới, thấp hơn 2% so với tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực này trong giai đoạn 2003-2007. Trung Quốc đang dẫn đầu về sự phục hồi kinh tế ở đây. Chi tiêu của Chính phủ Trung Quốc chiếm hơn 7% GDP trong năm nay và 8% vào năm 2010. Điều này sẽ giúp các nền kinh tế khác ở châu Á phục hồi nhờ tăng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Xingapo tăng trưởng hết sức ngoạn mục: GDP tăng 20% trong quý II/2009. Tại Thái Lan, Indonexia, Malaixia và Việt Nam, tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng có nhiều dấu hiệu tích cực. Chỉ số lòng tin của người tiêu dùng ở Indonexia tăng trong 6 tháng đầu năm.

Theo nhận định của ADB, tăng trưởng giảm sút cộng thêm việc giá dầu và lương thực giảm, giúp làm chậm lại tốc độ lạm phát trong toàn khu vực và chính phủ các nước có thể tiếp tục nới lỏng các chính sách tài chính và tiền tệ. Ví dụ, trong nửa đầu năm 2009, giá cả ở Trung Quốc giảm trung bình 1,5%; tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam trong tháng 6 giảm xuống còn 3,9% so với mức đỉnh 28,3% hồi tháng 8/2008. Nhờ đó, ngân hàng trung ương các nước đã có thể áp dụng chính sách cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như áp dụng một loạt các biện pháp tài chính khác để làm tăng khả năng thanh toán bằng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng và khuyến khích các ngân hàng mở rộng cho vay. Đây là bước đi rất hợp lý với các ngân hàng trung ương châu Á nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu hơn, ảm đạm hơn. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, giờ đây quá nhiều tiền đang “chuyển động”. Nguồn tiền dễ dàng chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản, đẩy giá đi quá nhanh và quá xa so với những nguyên tắc kinh tế cơ bản.

Nếu đúng như vậy, không có gì mâu thuẫn khi nói rằng, cần phải hoài nghi những xu thế lạc quan ở châu Á. Giá tài sản cao hơn nghĩa là các gia đình đã cảm thấy vững vàng hơn về tài chính, và chi mạnh tay hơn cho tiêu dùng, qua đó tạo đà để kinh tế khu vực phục hồi trở lại.

Chính điều này, ở đây dẫn đến một rủi ro là, tình hình tài chính giờ đây có thể dẫn tới lạc quan quá mức hoặc đầu cơ làm tăng giá. Nếu điều đó xảy ra thực tế, châu lục này có thể lại tự mình chuốc lấy gánh nặng lớn với những thị trường tăng trưởng quá nóng - tương tự như thị trường nhà đất ở Mỹ vài năm trước đây và như vậy sẽ dẫn đến bờ vực sụp đổ có thể xảy ra. Nhà kinh tế học Frederic Neumann của HSBC nói trong một báo cáo gần đây: "Có những mầm mống đang được gieo rắc cho phát triển bong bóng của châu Á...” và “Thế giới không thay đổi, nó chỉ dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác”.

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu thường ảnh hưởng nhiều tới sản lượng của khu vực Đông Á. Bên cạnh đó, khả năng Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 8% trên cơ sở phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế thế giới. Như vậy, tăng trưởng kinh tế dựa vào các biện pháp kích thích sẽ không bền vững, trong khi Trung Quốc hoặc châu Á chưa thể đóng vai trò động lực tăng trưởng duy nhất của khu vực. Bởi sự phát triển của châu Á hiện vẫn đang cần hai động lực – Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Rõ ràng, những rủi ro kinh tế của châu Á đang ở ngay trước mặt.

Để tránh những rủi ro đó, châu Á còn rất cần đến người tiêu dùng ở các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới tăng cường sức mua hàng hóa của châu Á. Mỹ, Nhật Bản và châu Âu vẫn là những thị trường chủ chốt của các doanh nghiệp xuất khẩu ở châu Á. Mặc dù thương mại nội khối của châu Á tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu vẫn là linh kiện chứ không phải là thành phẩm.

Để cản trở con đường tăng trưởng kinh tế nhanh và đạt được sự bền vững lâu dài, châu Á cần phải cân bằng lại các động lực tăng trưởng và bảo vệ sự ổn định của thị trường tài chính. Về việc tái cân bằng các động lực tăng trưởng, mặc dù nhu cầu ở các nền kinh tế phát triển tăng lên bằng mức trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra, song điều này chưa đủ để đáp ứng số lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng tăng của châu Á. Nhân tố then chốt cho sự phục hồi kinh tế bền vững lâu dài ở châu Á là tăng nhu cầu trong nước và khu vực. Ngoài ra, để tránh lặp lại khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần hoàn thiện và tổ chức tốt hơn, các hệ thống điều tiết và giám sát, đồng thời tăng cường hợp tác khu vực và trên thế giới.

Đắc Hanh

công thương

Các tin tức khác

>   Mỹ: Giá nhà tăng, lòng tin tiêu dùng sụt giảm (29/07/2009)

>   Đô la Mỹ giảm giá (28/07/2009)

>   Trung Quốc sẽ có tàu điện ngầm dài nhất thế giới (28/07/2009)

>   Dow Jones và Nikkei vượt rào, lo ngại tăng cao (28/07/2009)

>   Nissan làm “nóng” cuộc chiến ôtô chạy điện (28/07/2009)

>   Thanh khoản cải thiện, thị trường Châu Á giữ nhịp tăng (28/07/2009)

>   Sắp xuất xưởng Rolls-Royce giá rẻ (28/07/2009)

>   Lo lắng lạm phát, Ấn Độ giữ nguyên lãi suất cơ bản 3.25%. (28/07/2009)

>   Tình hình trái ngược của kinh tế Mỹ và Trung Quốc (28/07/2009)

>   Nhà Trắng muốn bán cổ phần trong GM và Chrysler (28/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật