Tình hình trái ngược của kinh tế Mỹ và Trung Quốc
Tình hình kinh tế của Mỹ và Trung Quốc hiện hoàn toàn trái ngược nhau, khi Mỹ vẫn phải "ngụp lặn" trong suy thoái thì Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại. Sự hợp tác kinh tế chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ 3 thế giới này là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự giữa các quan chức hàng đầu hai nước trong cuộc họp 2 ngày 27-28/7 tại Oasinhtơn.
Trung Quốc, dự kiến sẽ vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào cuối năm nay, mới đây cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ đã tăng hơn 7,1% trong quý I/09. Kết quả này đã giúp Trung Quốc trở thành nước duy nhất trong số 10 nền kinh tế lớn của thế giới đạt được tăng trưởng trong vài tháng gần đây và là nước lớn đầu tiên thoát khỏi cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ thập niên 1930. Nhiều nhà phân tích dự đoán Trung Quốc có thể góp phần kéo phần còn lại của thế giới thoát khỏi tình cảnh yếu kém hiện nay.
Trong khi đó, Trung Quốc hy vọng nền kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây khác cũng sẽ hồi phục và khôi phục nhu cầu mạnh mẽ của họ đối với hàng hóa Trung Quốc để tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế của quốc gia châu Á này.
Hiện các tổ chức, cơ quan đang coi Trung Quốc đang nghiên cách thức hoạt động của gói kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc. Theo giới phân tích, một trong những lý do giúp gói kích thích kinh tế của Trung Quốc hoạt động khá hiệu quả là nước này có nhiều chương trình, trong đó có các dự án công, với thời gian hoạt động dự kiến trong 2-3 năm.
Trong khi đó, tại Mỹ, hiện có những tranh cãi gay gắt về việc liệu gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD của chính phủ có mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực hay không khi mà tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và kinh tế trong nước tiếp tục suy giảm.
Anh Quân (Theo AP)
TTXVN
|