Đức phản đối đề xuất đánh thuế CO2 qua biên giới của Pháp
Đức đã chỉ trích đề xuất của Pháp về đánh thuế CO2 qua biên giới đối với những nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) không nhất trí với thoả thuận mới toàn cầu về biến đổi khí hậu, và coi đây là một hình thức mới của chủ nghĩa đế quốc về sinh thái.
Ý tưởng trên được Pháp đưa ra trong các cuộc thương lượng về kế hoạch khí hậu cả gói của EU đã được Nghị viện châu Âu thông qua hồi tháng 12/2008, và muốn việc đánh thuế CO2 qua biên giới được chấp nhận nếu các nước không đạt được thoả thuận mới về khí hậu tại Hội nghị Côpenhaghen (Đan Mạch) vào tháng 12 tới.
Phát biểu bên lề cuộc họp với những người đồng nhiệm châu Âu tại Aare, miền trung Thụy Điển, Bộ trưởng Môi trường Đức, Matthias Machnig, nói: " Chúng tôi biết vị thế của Pháp. Điều đó có nghĩa là mọi sản phẩm đặt chân vào EU đều phải trả tiền cho dấu chân CO2 của họ. Sẽ có tín hiệu và đó sẽ là những gì mà một số nước đang phát triển lo ngại. Đây là hình thức mới của chủ nghĩa thực dân về sinh thái và chúng ta sẽ đóng cửa thị trường đối với sản phẩm của họ. Chúng ta phải xây dựng lòng tin chứ không thể hiện công cụ kinh tế mà chúng ta có thể tạo dựng để gây sức ép lên họ".
Thuỵ Điển, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, đưa ra thuế CO2 từ năm 1990 với lập luận rằng đó là cách không tốn kém bảo vệ được môi trường mà không phải sử dụng tới công nghệ và hạ tầng mới tốn kém. Mức thuế qua biên giới giữa các nước khác nhau là do có sự khác biệt trong cách tính toán mà các nước sử dụng như Thụy Điển để đánh thuế CO2 nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Năm 2007, các nước thành viên EU đã cam kết đến năm 2020 giảm bớt 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990.
Hoàng Hà
TTXVN
|