Thứ Ba, 28/07/2009 09:29

Châu Á theo đuổi niềm tin bị phương Tây từ bỏ

Phân tích hai xu hướng đảo ngược đang diễn ra ở phương Tây và châu Á về tư tưởng cũng như thực tế phát triển kinh tế, Kishore Mahbubani và William Weld cho rằng kết quả của sự khác biệt này sẽ là hiện tượng châu Á hóa toàn cầu.

Tuần Việt Nam giới thiệu bài phân tích của hai tác giả này đăng trên tờ Thời báo Kinh tế (Financial Times) số ra ngày 21/7 vừa qua.

Trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, hầu hết các nhà hoạch định chính sách và trí thức châu Á đều tin rằng phương Tây là người hiểu rõ nhất nếu xảy ra khủng hoảng trong lý thuyết cũng như trong thực tế phát triển kinh tế. Suy nghĩ này đã được chứng minh là đúng.

Trong hai thế kỷ hoặc lâu hơn, các nền kinh tế phương Tây đã hoạt động tốt hơn nhiều khả năng của họ. Trong khi các nền kinh tế châu Á mới chỉ bắt đầu vận hành tốt khi được tiếp cận và thực hiện những học thuyết về kinh tế thị trường tự do của Adam Smith.

Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng này dẫn tới tình trạng suy thoái toàn cầu, đặc biệt nghiêm trọng ở các nền kinh tế lớn của phương Tây, nhiều người châu Á bắt đầu hoài nghi niềm tin của họ đối với khả năng của phương Tây. Có một sự khác biệt lớn, đó là dù vẫn tin vào các học thuyết kinh tế của phương Tây, người châu Á đang ngày càng mất dần lòng tin vào các hoạt động thực hành quản lý kinh tế ở các nước phía Tây bán cầu.

Ví dụ, nhiều người châu Á thật sự hoang mang khi một trí tuệ lớn như Alan Greenspan lại có thể tin rằng các thương nhân trên thị trường tài chính phái sinh không cần bất kỳ sự điều tiết nào.

Năm 2003, ông Alan Greenspan, khi đó là Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ, cho rằng: “Các thị trường tài chính phái sinh mua - bán thẳng mở rộng về quy mô là vì thị trường tự nhận thấy rằng loại thị trường phái sinh này là một phương tiện rất hữu ích. Và câu hỏi đặt ra là có cần điều tiết các thị trường này không?” Ông trả lời: nhà nước không nên vượt ra ngoài quy luật điều tiết ngân hàng thông thường do “những giao dịch tài chính phái sinh này là những giao dịch giữa các nhà chuyên nghiệp.”

Dù tin rằng các thị trường phương Tây hiểu rõ nhất, song các tư tưởng phát triển kinh tế của châu Á vẫn là sự kết hợp giữa các giá trị lỗi thời, như sự chăm chỉ làm việc và tiết kiệm cẩn thận, với một khu vực tư nhân năng động được cân bằng bởi sự can thiệp đúng đắn của chính phủ khi các thị trường đổ vỡ.

Cũng cần nhấn mạnh rằng châu Á khá đa dạng, Ấn Độ khác với Trung Quốc, cũng như Singapore khác với Việt Nam. Tuy nhiên, hầu như toàn bộ các nước châu Á đều tin rằng chính phủ đóng vai trò quan trọng trong quản lý nền kinh tế. Các chính phủ châu Á sẽ nhất trí với Amartya Sen, người đoạt giải Nobel kinh tế, khi ông phát biểu tại Khoa Chính sách công của trường Lý Quang Diệu, rằng bàn tay vô hình của thị trường phải được cân bằng bởi bàn tay hữu hình của nhà nước.

Một khác biệt đáng chú ý nữa mới xuất hiện trong quan điểm của người châu Á và phương Tây. Trong khi người phương Tây vẫn theo đuổi thị trường tự do dù trên thực tế, nhiều người trong số họ bắt đầu cảnh giác với thương mại tự do, thì ngược lại, lòng tin của người dân châu Á đối với thương mại tự do lại đang lớn dần.

Ví dụ Luật “Mua hàng Mỹ” được Quốc hội Mỹ thông qua gần đây là một đạo luật hoàn toàn bảo thủ. Văn bản này sẽ khiến các ngành công nghiệp Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn. Một thực tế chính trị hoàn toàn mới ở Mỹ là gần như Quốc hội không thể thông qua một thỏa thuận tự do thương mại (FTA) mới nào dù chúng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ. FTA giữa Mỹ và Colombia sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người Mỹ hơn người Colombia, nếu không muốn nói là văn bản này sẽ giết chết ngành dược phẩm của Colombia. Tuy nhiên, dường như thỏa thuận này đã chết ngay từ trong trứng nước.

Ngược lại, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang bùng nổ các FTA mới. Lớn nhất thế giới sẽ là thỏa thuận FTA giữa Trung Quốc 1,2 tỷ dân với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khu vực có 500 triệu người. Thỏa thuận này vừa được ký kết và thông qua, dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2010. Nhật Bản, Australia, Niu Zealand và Ấn Độ đang noi gương Trung Quốc tìm kiếm các thỏa thuận tương tự với ASEAN. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho thấy hiện có khoảng 20 FTA xuyên khu vực với các mức độ thực thi khác nhau. Châu Á đang bị cuốn vào luồng tự do hóa cạnh tranh, trong khi quan điểm bảo hộ dân túy vẫn thắng thế ở phương Tây.

Các phân tích gần đây về ảnh hưởng của khủng hoảng hiện nay đối với các nền kinh tế châu Á đã cho thấy rõ rằng sự sụp đổ của lĩnh vực xuất khẩu châu Á sang thị trường Mỹ đồng nghĩa với sự suy giảm trao đổi thương mại giữa các nước trong khu vực châu Á với nhau, bởi phần lớn các trao đổi nội khu vực này nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu và bao gồm các sản phẩm trung gian để cuối cùng xuất sang thị trường Mỹ.

Nếu các trao đổi này tạo ra toàn bộ tăng trưởng thương mại giữa các nước châu Á, thì các nước đều sẽ cảm thấy bi quan về tương lai. Tuy nhiên, nghiên cứu của ADB chỉ ra rằng tổng giá trị trao đổi hàng hóa giữa Đông Á và Nam Á tăng 8 lần trong thời gian 1990-2007, trong đó mỗi khu vực xuất khẩu theo lợi thế cạnh tranh của mình, chứ không phải toàn bộ trao đổi này tùy thuộc vào nhu cầu của Mỹ.

Sự khác biệt về quan điểm giữa châu Á và phương Tây có thể dẫn tới những thay đổi lớn. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Ví dụ, các nền kinh tế châu Á sẽ làm tốt hơn hẳn các đối tác phương Tây vào một thời điểm thuận lợi nào đó, bằng cách theo đuổi các tư tưởng phát triển kinh tế của phương Tây, trong khi trên thực tế các nước phương Tây quay lưng lại với những ý tưởng này dù công khai hay lén lút.

Cũng vậy, trong khi nhiều người dân phương Tây ngày càng thận trọng với toàn cầu hóa, hầu như không có dấu hiệu nào tương tự ở châu Á. Đúng là giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay là do phương Tây tạo ra, song hiện nay chúng ta có thể chứng kiến hiện tượng châu Á hóa toàn cầu. Điều dường như là nghịch lý này cũng sẽ là kết quả của sự khác biệt về quan điểm giữa châu Á và phương Tây.

Lịch sử đã tạo ra những diễn biến thú vị.

Thông tin về hai tác giả:

- Kishore Mahbubani là Chủ nhiệm Khoa Chính sách công của trường Lý Quang Diệu tại Singapore. Ông cũng là tác giả cuối “Bán cầu châu Á mới: Sự chuyển đổi không thể cưỡng lại của sức mạnh toàn cầu sang phía Đông”.

- William Weld là cựu Thống đốc bang Massachusetts, Mỹ.

Ngọc Thúy

tuần việt nam

Các tin tức khác

>   SEC cấm vĩnh viễn bán khống thông qua vay mượn tại Mỹ (28/07/2009)

>   Ấn Độ : Ngừng nhập khẩu chocolate từ Trung Quốc (28/07/2009)

>   Ukraine tăng giá khí đốt lên 20% từ ngày 1/9 (28/07/2009)

>   Các nhà kinh tế Anh xin lỗi Nữ hoàng vì dự đoán sai (28/07/2009)

>   BlackBerry có thể kháng án vụ đấu giá Nortel (28/07/2009)

>   Mỹ có tung ra gói kích cầu thứ hai? (28/07/2009)

>   Mỹ: Doanh số nhà mới Tháng 6 tăng mạnh nhất trong 9 năm (28/07/2009)

>   Trung Quốc đối mặt với vấn đề nợ chìm (27/07/2009)

>   Chứng khoán châu Á chưa giảm nhiệt (27/07/2009)

>   Ngân hàng 'biến mất' sau một đêm (27/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật