Kiểm soát tín dụng để ngăn lạm phát
Mức tăng trưởng tín dụng liên tục được điều chỉnh trong hai tháng qua, từ 21-22% lên 25%, lên 30% rồi lại xuống 25-27% cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu chuyển ưu tiên của chính sách tiền tệ sang mục tiêu ngăn chặn sự trở lại của lạm phát.
Kiểm soát tăng trưởng tín dụng
Giữa tháng 7-2009 trong một cuộc họp với đại diện các ngân hàng, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cổ phần báo cáo kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm trước ngày 20-7-2009, đồng thời chỉ đạo mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng quốc doanh năm nay không vượt quá 25%.
Trong sáu tháng đầu năm, hầu hết các ngân hàng cổ phần đều đạt mức tăng trưởng tín dụng 30-50% so với cuối năm ngoái, một số ngân hàng thậm chí tăng 70-100%. Theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng cao nhất sẽ chỉ dừng ở mức 27%. Nếu các ngân hàng quốc doanh dừng ở mức 25%, thì các ngân hàng cổ phần cũng chỉ có thể tăng trưởng tín dụng 30%. Như vậy, đa số các ngân hàng cổ phần không thể tăng trưởng thêm tín dụng, ngược lại phải điều chỉnh mức tăng nóng thời gian qua, đưa về mức 30%.
Nhiều ngân hàng cổ phần từ hơn một tháng qua đã giảm bớt cho vay tiêu dùng. Thời hạn cho vay chứng khoán từ sáu tháng đã hạ xuống tối đa ba tháng và trung bình chỉ còn 1- 1,5 tháng. Theo thống kê của NHNN, đến 30-6-2009 dư nợ cho vay chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư kinh doanh chứng khoán của ngân hàng tăng 28,31% so với cuối năm 2008.
Mức tăng này lớn hơn rất nhiều mức tăng trưởng tín dụng chung là 17%. Đấy là những khoản vay mà mục đích sử dụng vốn được ghi rõ ràng là kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên còn không ít những hợp đồng thế chấp giấy tờ có giá khác vay tiêu dùng, mà có thể đổ vào chứng khoán hoặc bất động sản mà các tổ chức tín dụng không thẩm định được.
Nhìn vào tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất, đã thấy những dấu hỏi cần phải làm rõ. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã được vay 249.656 tỉ đồng trong tổng số 377.694 tỉ đồng kích cầu tính đến ngày 16-7-2009. Thế nhưng theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm số tiền đầu tư vào các dự án mới của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ khoảng 100.000 tỉ đồng.
Tất nhiên vốn đầu tư cho dự án mới sản xuất kinh doanh không phải chỉ có từ nguồn kích cầu, mà còn từ các nguồn khác. Vậy phần lớn tiền vay kích cầu có thể đã được sử dụng ngắn hạn như mua nguyên vật liệu dự trữ, trả lương công nhân, giảm giá bán để “giải phóng” hàng tồn kho... hoặc đổ vào chứng khoán, bất động sản.
Trả lương công nhân không thể “tiêu hóa” hết một lượng vốn lớn. Nguyên vật liệu nhập khẩu và tiêu thụ hàng tồn kho những tháng vừa qua cũng không tăng đột biến. Vốn kích cầu đã được khối ngoài quốc doanh sử dụng vào đâu?
Những giải pháp đầu tiên
Trong thông cáo báo chí về hoạt động ngân hàng sáu tháng đầu năm, định hướng sáu tháng cuối năm, NHNN khẳng định sẽ “thực hiện các biện pháp kiểm soát cho vay đối với đầu tư kinh doanh chứng khoán và bất động sản”. Những giải pháp đầu tiên đã được tiến hành nhằm nâng cao chất lượng tín dụng.
Từ 1-8-2009 lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng giảm từ 3,6% xuống còn 1,2%/năm. Đây là đợt giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lần thứ hai. Lần đầu là cuối tháng 1-2009, từ 8,5% xuống 3,6%/năm. Cùng với động thái cắt giảm lãi suất này, giới ngân hàng phỏng đoán việc điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ sớm diễn ra.
Hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc khá thấp, đối với tiền gửi dưới 12 tháng là 3% và trên 12 tháng là 1% tổng vốn huy động. Giải pháp thứ hai đang được chuẩn bị. Nguồn tin của NHNN nói với TBKTSG rằng cơ quan quản lý ngành ngân hàng đã dự thảo giảm tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ 40% xuống 30%. Nhiều khả năng quyết định này sẽ được thực hiện trong tháng 8-2009.
Hiện nay phần lớn vốn huy động của ngân hàng là ngắn hạn, chủ yếu 3-9 tháng, mà sử dụng tới 40% của nguồn này để cho vay trung, dài hạn là vô cùng rủi ro. Một số ngân hàng đã “lách luật” bằng cách tung ra các sản phẩm tiết kiệm thả nổi ba tháng cho các kỳ hạn gửi 12 tháng. Thời hạn thực gửi của khách hàng chỉ là ba tháng, nhưng trên sổ kỳ hạn gửi được ghi là 12 tháng và khoản tiết kiệm như vậy được tính là vốn huy động trung, dài hạn.
Với hai “chốt chặn” kiểm soát tăng trưởng tín dụng và giữ nguyên lãi suất cơ bản 7%/năm, trong khi giảm lãi suất dự trữ bắt buộc cộng với giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, các ngân hàng buộc phải tính toán lại chi phí đầu vào - đầu ra của đồng vốn và cho vay có chọn lọc với điều kiện chặt chẽ hơn.
Để đảm bảo an toàn mà vẫn duy trì được lợi nhuận, những ngân hàng khôn ngoan sẽ giảm bớt hoạt động tín dụng, tăng cường mảng dịch vụ. Nhưng tăng cường dịch vụ (trong đó có kinh doanh vàng, ngoại hối) đòi hỏi phải có công nghệ và trình độ.
Lợi nhuận của những ngân hàng “bám” quá chặt vào tín dụng sẽ bị ảnh hưởng. Vietcombank và ACB đang đi theo hướng này khi đẩy mạnh kinh doanh ngoại hối, trái phiếu bằng ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng và thị trường quốc tế. Chẳng hạn lợi nhuận từ dịch vụ của ACB trong sáu tháng đầu năm lên tới 46%, từ kinh doanh trái phiếu và liên ngân hàng 22%, từ tín dụng chỉ còn 32%.
TBKTSG
|