Kích thích KT - giải pháp tích cực cho DN và nền KT
Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ phát sinh tiêu cực và thất thoát vốn của Chính phủ nếu công tác quản lý không chặt chẽ khi thực hiện đồng thời 2 gói kích thích kinh tế này.
Nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, ngay từ đầu năm, Chính phủ đề ra gói giải pháp kích thích kinh tế thứ nhất trị giá 17.000 tỷ đồng, thông qua việc bù lãi suất 4%/năm đối với khoản vay ngắn hạn (không quá 8 tháng) và gói kích thích kinh tế thứ hai, tập trung hỗ trợ cho vay các khoản vay trung và dài hạn (tối đa 24 tháng); cấp vốn ứng trước để đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, thực hiện chính sách; thực hiện chính sách miễn, giảm thuế và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, quy mô 2 gói kích thích kinh tế có thể lên tới 160.000 tỷ đồng (khoảng 9 tỷ USD), xấp xỉ bằng 10% GDP.
Theo báo cáo của các ngành chức năng, trong thời gian thực hiện gói kích thích thứ nhất, kinh tế Việt Nam trong quý 1 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này tuy thấp hơn nhiều so với trung bình các năm nhưng so với bình diện chung thì vẫn đáng mừng bởi trên thế giới chỉ có 12 nước tăng trưởng dương. Với sự góp sức của gói kích thích kinh tế thứ hai, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được cải thiện. GDP quý 2 tăng 3,8%. Giá trị sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm cũng tăng lên, ước tăng 3,7%, trong khi quý 1 mức tăng là 2,1%...
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nguy cơ phát sinh tiêu cực và thất thoát vốn của Chính phủ nếu công tác quản lý không chặt chẽ khi thực hiện đồng thời 2 gói kích thích kinh tế này. Trước việc một số ngân hàng thương mại đang điều chỉnh lãi suất cho vay tương ứng với việc tăng lãi suất huy động vốn nhằm đón đầu gói kích thích kinh tế mới, nhiều chuyên gia e ngại: Điều này sẽ đi ngược lại với chủ trương hỗ trợ lãi suất nhằm chống suy giảm kinh tế của Chính phủ./.
TTXVN
|