Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội của khủng hoảng
Hàng loạt cảnh báo, phân tích về tình hình kinh tế của Việt Nam sau khủng hoảng đã được các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đưa ra. Theo nhận định Việt Nam đã chưa tận dụng được cơ hội của khủng hoảng để vươn lên.
Bỏ lỡ cơ hội vươn lên sau khủng hoảng ?
Nhấn mạnh tới những tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng “trăm năm mới có một lần” có sức mạnh xoay chuyển cả một thời đại đối với kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng để chuẩn bị cho sau khủng hoảng, Việt Nam phải xây dựng chiến lược phát triển kinh tế căn cứ trên sự dịch chuyển của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn tới.
Một trong những yêu cầu quan trọng bậc nhất là làm sao nền kinh tế Việt Nam không được phép rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Một số nền kinh tế Đông Á - Hàn Quốc, Đài Loan - đã nỗ lực vượt lên bằng con đường phát triển hướng tới công nghệ cao trên nền tảng không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhờ đó, đã không bị rơi vào cái bẫy này.
Và một khi không bị rơi vào "bẫy" thì không gian tiến về phía trước là rộng mở. Trung Quốc cũng đang theo đuổi cách phát triển này và triển vọng là rất sáng sủa.
Đưa ra khá nhiều nhận định về tình hình kinh tế đất nước sau khủng hoảng, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng điều các nhà quản lý cũng như nhiều nhà kinh tế, người dân quan tâm là kinh tế thế giới sẽ thế nào và Việt Nam sẽ ra sao sau khủng hoảng.
Theo tôi sẽ có phân hóa thành hai nhóm nước sau khi khủng hoảng kết thúc. Nhóm đầu tiên là những nước tận dụng được cơ hội khủng hoảng để phát triển mạnh mẽ như Hàn Quốc, Singapore.... Còn một nhóm nước trước và sau khủng hoảng vẫn thế không có sự thay đổi.
“Việt Nam theo dự đoán của tôi sẽ ở nhóm thứ hai. Chúng ta không có đủ các điều kiện để tận dụng cơ hội của khủng hoảng để phát triển. Trên thực tế chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội do không có cơ sở hạ tầng tốt, không có nền tảng khoa học công nghệ trong khi chất lượng nguồn nhân lực và thể chế quản lý chưa đủ mạnh để tận dụng cơ hội vươn lên”- Ông Nghĩa cho biết.
Nên thay đầu tư trực tiếp bằng gián tiếp
Ông Nghĩa cho rằng một việc quan trọng nữa cần chú ý là Việt Nam cần có chiến lược thu hút đầu tư mới. Đừng nghĩ rằng sau khủng hoảng mọi việc sẽ như cũ. Sau khủng hoảng cầu tiêu dùng hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục yếu đi. Đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ bị chia sẻ, giảm đi do cơ hội đầu tư vào các nước tương đối rộng.
“Về tăng trưởng kinh tế chúng tôi dự đoán chỉ đạt mức 4,8 đến 5 phần trăm. Còn trong năm 2010 chúng ta chỉ có thể duy trì mức tăng trưởng ở 6 – 7 phần trăm. Trong những năm tới chúng ta khó có thể lấy lại mức tăng trưởng 8 phần trăm như những năm trước đây”- Ông nói.
TS Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng bên cạnh những ảnh hưởng đối với xuất khẩu, tăng trưởng GDP giảm sút, cuộc khủng hoảng tài chính cũng có thể khiến nước ta rơi vào tình trạng thiếu vốn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Điều này do có chênh lệch tiết kiệm trong nước - đầu tư tương đối lớn (khoảng 10 phần trăm GDP), nước ta thường phải dựa vào các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu vốn cho quá trình tăng trưởng.
Trong những năm trước đây, môi trường kinh tế thế giới không quá khó khăn, nguồn vốn đầu tư tương đối dư dả trong khi tỷ suất lợi nhuận ở các thị trường phát triển đã gần như bão hòa, nên các nguồn vốn FDI đã đổ vào nước ta khá nhiều nhằm tìm kiếm cơ hội sinh lời.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã khiến các nhà đầu tư quốc tế cũng có xu hướng rút vốn về các nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ, nhằm bảo toàn vốn.
Cùng chia sẻ về vấn đề thu hút FDI, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng cần thay đổi cách nhìn và chiến lược đối với đầu tư nước ngoài. Thay vì thúc đẩy kêu gọi đầu tư trực tiếp, cần nên nhanh chóng tổ chức hệ thống các quỹ đầu tư gián tiếp, tại các thị trường tài chính quốc tế lớn, huy động vốn với số lượng lớn, có thể là 5 đến 10 tỷ USD mỗi năm, 50 đến 100 tỷ USD trong 10 năm sắp tới, để đưa về đầu tư phát triển những dự án tốt mà do ta quản lý.
“Theo ước tính trên, trong 10 năm tới Việt Nam cần khoảng 750 đến 1.000 tỷ USD để phát triển. Thực tế, trong tổng số vốn đầu tư cho một dự án khoảng 70 đến 80 phần trăm là vốn vay, phần vốn tự có thường chỉ chiếm từ 20 đến 30 phần trăm. Vậy trong số vốn đầu tư nước ngoài nói trên, phần vốn tự có trong nước ước tính khoảng 150 tỷ USD. Nếu Việt Nam tự huy động được 50 đến 100 tỷ USD vốn tự có, tự xây dựng và phát triển dự án, thì lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giảm xuống đến một mức tương đối an toàn.
Như vậy Việt Nam có nhất thiết phải phát triển theo mô hình kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như hiện nay hay không?” - Ông Thành đặt vấn đề.
Phạm Tuyên
Tiền Phong
|