Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Italy
Các nhà lãnh đạo G8 sẽ đưa ra một tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh nền kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu hồi phục.
Ngày 8/7, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) sẽ khai mạc tại Italy.
Hội nghị thượng đỉnh G8 năm nay sẽ tập trung bàn về 3 chủ đề chính. Thứ nhất, liên quan đến đối sách của G8 đối với 4 vấn đề quốc tế nổi cộm là: khủng hoảng tài chính toàn cầu; chống chủ nghĩa bảo hộ; biến đổi khí hậu và vấn đề tên lửa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Chủ đề thứ hai là tăng cường quan hệ giữa các thành viên G8 với các nền kinh tế mới nổi nhằm giải quyết vấn đề vệ sinh và nguồn nước tại quốc gia nghèo ở châu Phi. Và chủ đề cuối cùng là cùng nhau đặt kế hoạch cụ thể cho tầm nhìn trung kỳ nhằm phát huy kết qủa đạt được tại hội nghị G8 ở Hockaido vào tháng 7/2008.
Tại hội nghị năm nay, các nhà lãnh đạo G8 sẽ đưa ra một Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh nền kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu hồi phục. Biện pháp hiện nay là sử dụng chiến lược tài chính cửa ra nhằm quay lại các chính sách tài chính đã thực hiện trước đây.
Hướng tới hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP 15 ) tổ chức tại Đan Mạch vào tháng 12/2009, nhằm xây dựng khung mới cho nghị thư Kyouto giai đoạn từ 2013 - 2050, sẽ cắt giảm một nửa lượng khí khải CO2 gây hiệu ứng nhà kính trên phạm vi toàn cầu, các thành viên trong G8 sẽ tự nguyện cắt giảm 80% lượng khí thải CO2.
Liên quan đến vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng như việc nước này đã tiến hành liên tiếp các vụ thử tên lửa làm cho dư luận thế giới lo ngại về nền hòa bình và an ninh tại khu vực châu Á. Các nhà lãnh đạo G8 sẽ lên án vụ phóng tên lửa trên, đồng thời thảo luận biện pháp thuyết phục CHDCND Triều Tiên thực hiện nghiêm túc nghị quyết của HĐBA LHQ.
Về mục tiêu của G8 trong giai đoạn trung kỳ, hội nghị sẽ thảo luận sáng kiến đầu tư ngành nông nghiệp quốc tế, đối phó tình trạng chiếm dụng đất nông nghiệp tại các quốc gia đang phát triển, kế hoạch viện trợ cho châu Phi, châu Á, giải quyết các vấn đề dịch bệnh và bảo vệ đa dạng hóa sinh vật quí hiếm.
Về việc khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kế hoạch viện trợ của G8 trong có sự đóng góp của quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) và Nhật Bản đưa ra là trong vòng 5 tới sẽ viện trợ 20 tỷ USD cho sự nghiệp nâng cấp cơ sở hạ tầng tại châu Á, viện trợ 5 tỷ USD cho các dự án cải thiện môi trường tại các quốc gia đang phát triển.
Ngoài ra, G8 sẽ tiếp tục thực hiện cải cách một số cơ quan tài chính quốc tế, tăng cường giám sát cơ chế tài chinh. Quĩ Tiền tệ Quốc tế là cơ quan đi đầu trong sự nghiệp cải cách này./.
Nguyễn Thu Hà
VOV
|