Thứ Hai, 06/07/2009 20:00

Thất nghiệp khiến lợi nhuận DN quý 2 toàn cầu sụt giảm

(Vietstock) – Lợi nhuận một số doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Tập đoàn ôtô lớn thứ hai của Mỹ Ford hay Tập đoàn thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal có thể tiếp tục sụt giảm trong quý 3. Nguyên nhân sâu xa là do người tiêu dùng càng thắt chặt hầu bao hơn khi tỷ lệ thất nghiệp leo thang lên mức cao kỷ lục.

Theo các số liệu được S&P and Bloomberg công bố, tỷ lệ sụt giảm lợi nhuận của các công ty thành viên chỉ số S&P 500 trong quý 3 có thể thu hẹp còn 21%, thấp hơn rất nhiều so với mức ước tính 34% trong quý 2 và mức 60% trong quý 1. Dự đoán, lợi nhuận trong quý cuối năm sẽ tăng trở lại so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự tan băng trên thị trường tài chính.

Theo các chuyên viên phân tích và nhà đầu tư, vấn đề việc làm vẫn là mối bận tâm của người tiêu dùng Mỹ sau khi tỷ lệ thất nghiệp trong Tháng 6 chạm mức cao 26 năm. Chỉ đến khi dân chúng Mỹ mở rộng hầu bao chi tiêu đối với một số mặt hàng xa xỉ như xe hơi, điện thoại và quần áo thì các công ty tại Mỹ, Châu Á và Châu Âu mới tăng trưởng trở lại.

Lòng tin tiêu dùng

Trong tháng qua, lòng tin tiêu dùng người Mỹ cũng giảm đột biến do tỷ lệ thất nghiệp chạm mức cao kỷ lục 9.5% - mức cao nhất kể từ Tháng 8/1983 - và giá bất động sản rớt thảm hại. Cùng thời điểm, các nhà tuyển dụng cắt giảm 467,000 việc làm và kể từ khi suy thoái bắt đầu có khoảng 6 triệu việc làm đã biến mất khỏi thị trường lao động Mỹ.

Các số liệu của Bloomberg cho thấy, sau khi cắt giảm bớt việc làm và đóng cửa các nhà máy, lợi nhuận quý 1 của gần 67% công ty thành viên S&P 500 đều vượt mong đợi của giới phân tích. Nhờ đó, trong quý 2 vừa qua chỉ số S&P 500 tăng 15% và ghi nhận mức phục hồi mạnh nhất kể từ năm 1998.

Cũng trong quý vừa rồi, chỉ số MSCI Châu Á-Thái Bình Dương tăng vọt 28%, mức gia tăng mạnh nhất kể từ khi chỉ số này ra đời. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones Stoxx 600 cũng tiến thêm tới 17%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1999.

Mùa công bố lợi nhuận kinh doanh ở Mỹ sẽ bắt đầu vào ngày 8/7 với việc “mở hàng” của thành viên Dow Jones có trụ sở tại New York, Alcoa.

“Tiềm năng của bạn là gì?”

Theo ông Charles Smith, Giám đốc đầu tư Tập đoàn Tài chính Fort Pitt có trụ sở tại Cleveland, tổ chức đang quản lý khoảng 800 triệu USD, cho biết: “Một lần nữa lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể vượt mức đánh giá thấp của giới phân tích. Nếu một giáo viên nghĩ người sinh viên chỉ được điểm C- nhưng sinh viên đó lại đạt điểm C. Vậy nếu bạn là người sinh viên đó thì tiềm năng của bạn là gì?”

Số liệu từ ngành đường sắt và vận tải biển của Mỹ chỉ cho thấy tia hy vọng mong manh rằng các nhà sản xuất đang xúc tiến hoạt động kinh doanh của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Đó là nhận định của Giám đốc đầu tư Mark Demos, người đang giúp giám sát khoảng 21 tỷ USD tại Công ty Quản lý Quỹ Fifth Third. Theo đó, ngành vận tải đường biển giảm 19% từ đầu năm tới nay và giảm 18% trong tuần kết thúc ngày 20/6.

Trong bản báo cáo của mình được đưa ra vào tháng trước, ông Andrew Bartels, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Forrester, có trụ sở tại Massachusetts dự đoán sức mua các mặt hàng công nghệ trong năm nay sẽ giảm 5.1% và trở lại phục hồi nhẹ vào quý 4.

Tăng trưởng lợi nhuận chậm chạp

Gã tìm kiếm khổng lồ Google, tập đoàn có trụ sở tại Mountain View, California cho biết có thể đây là lần thứ 2 lợi nhuận của hãng tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ khi phát hành cổ phiếu ra công chúng. Hôm 30/6, Giám đốc điều hành Eric Schmidt của Google cho biết nền kinh tế đang chạm đáy và sẽ trở nên khả quan hơn trong tháng tới.

Theo khảo sát đối của Bloomberg với 22 nhà phân tích, doanh thu của Tập đoàn Microsoft, có trụ sở tại Redmond, Washington cũng có thể sụt giảm. Trước khi quý 1 kết thúc, doanh thu của tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới này chưa bao giờ sụt giảm.

Các nhà phân tích ước tính lợi nhuận ròng của Nokia có thể cũng có thể sụt giảm tới 67% do người tiêu dùng trì hoãn việc đổi điện thoại trước lo sợ về khả năng mất việc của mình.

Sau khi dự đoán số việc làm bị cắt giảm trong lĩnh vực dịch vụ ở vào khoảng 450,000 việc làm, ông Roger Kubarych cho biết: “Các công ty đang cho công nhân nghỉ việc và sẽ không thuê họ trở lại. Điều này sẽ khiến quá trình phục hồi trở nên yếu ớt và không bền vững.”

Ông Simon van Veen, người đang giúp quản lý khoảng 2.2 tỷ EUR Quỹ Đầu tư Fortis Global cho biết tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng ở Châu Âu đã làm doanh thu ngành công nghiệp giảm tới 10%.

Chi tiêu tiêu dùng “mờ mịt”

Ông Tetsuro Ii, Chủ tịch của công ty Quản lý tài sản Commons ở Tokyo cho biết: “Triển vọng của các công ty điện tử không có gì sáng sủa. Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ và các nước khác tiếp tục ảm đạm, từ đó gây áp lực lên giá cả.”

Theo giám đốc điều hành Michael Williams của công ty Quản lý tài sản Genesis ở New York, doanh thu toàn cầu sẽ thúc đẩy kết quả của các công ty đa quốc gia ở Mỹ. Ông nói: “Người tiêu dùng Mỹ sẽ được cân bằng hơn với lượng người tiêu dùng khổng lồ ở Trung Quốc, Brazil, Nga và Ấn Độ.”

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

Trong Tháng 6 vừa qua, PMI của Trung Quốc đã leo lên mức cao 4 tháng. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy gói kích cầu 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 585 tỷ USD) đang giúp nền kinh tế nước này hồi sinh. Kết quả cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7.8% trong năm nay. Trong khi đó kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 2.7% và kinh tế 16 quốc gia khu vực eurozone sụt giảm 4.3%.

Theo ông Gordon Kwan, trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng của Công ty Chứng khoán Mirae Asset ở Hồng Kông cho biết, Công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới về giá trị PetroChina và Công ty Hóa chất Dầu khí Trung Quốc (gọi tắt là Sinopec) có thể công bố lợi nhuận quý 2 tăng sau khi giá dầu phục hồi và thoát khỏi mức thấp Tháng 12/2007. Ông còn cho biết thêm nền kinh tế Trung Quốc đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Tuy nhiên, lợi nhuận của các tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ Exxon Mobil, Chevron và ConocoPhillips sẽ giảm do sụt giảm trong nhu cầu năng lượng bắt nguồn từ suy thoái. Kéo theo đó là sự trượt dốc hơn một nửa của giá dầu khỏi mức cao kỷ lục xác lập vào Tháng 7 năm ngoái.

Cụ thể, theo thăm dò của Bloomberg đối với các nhà phân tích, lợi nhuận của Exxon Mobil sẽ giảm  64%, xuống chỉ còn 4.21 tỷ USD so với cách đây một năm. Đây là mức lợi nhuận hàng quý ít nhất của công ty này kể từ năm 2003.

“Sản lượng dư thừa”

“Sản lượng đang dư thừa trong khi nhu cầu yếu ớt”. Đó là nhận xét của Barry R. James, người đang nắm giữ cổ phiếu của Exxon Mobil, Chevron và ConocoPhillips trong số 2 tỷ USD vốn đầu tư mà ông đang quản lý tại Quỹ James Advantage Funds ở Dayton, bang Ohio. “Tôi thấy cơ hội phục hồi là rất hạn hẹp.”

Theo khảo sát của Bloomberg, ba nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản  Toyota , Honda và Nissan cũng có khả năng thua lỗ khi trong 3 tháng kết thúc ngày 30/6 do nhu cầu ảm đạm từ Mỹ, thị trường được cho là đem lại lợi nhuận cao cho các công ty này.

“Các con số thực sự thảm hại.” Ông Mamoru Kato, chuyên viên phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Tokai Tokyo ở Nagoya đã nói như vậy và dự đoán rằng Toyota sẽ thua lỗ tới 766 tỷ JPY (tương đương 8 tỷ USD) trong quý 1.

Ông Brian Johnson, chuyên gia phân tích trong lĩnh vực ô tô của Công ty Barclays Capital cho biết Ford Motor, công ty ô tô duy nhất của Mỹ chưa nộp đơn phá sản đang cố gắng giành thị phần từ hãng đối thủ đang gặp khó khăn của mình.

Không còn ai “chế nhạo nữa”

Hãng xe Ford, có trụ sở chính tại Dearborn, Michigan, đang đẩy mạnh sản lượng thêm 16% trong quý 3 năm 2009 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường. Tập đoàn ô tô Mỹ General Motors có trụ sở tại Detroit, hãng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 của Luật phá sản Mỹ ngày 1/6 đang bán quyền kiểm soát điều hành chi nhánh tại Châu Âu. Chrysler LLC, Tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ 3 của Mỹ nộp đơn bảo hộ phá sản vào ngày 30/4 đang nổi lên nhờ liên doanh với hãng xe Fiat SpA (Ý) để thành lập Tập đoàn Chrysler Group LLC, trong đó Fiat nắm giữ 20%.

Bernie McGinn, Chủ tịch công ty quản lý đầu tư Alexandria tại Virgini, người đang sở hữu 300,000 cổ phiếu Ford cho biết: “Có người đã từng chế nhạo tôi về việc sở hữu cổ phiếu Ford nhưng giờ thì không còn nữa. Thị trường đang dành những lợi khen ngợi cho Ford vì đã không cần thêm tiền hỗ trợ của Chính phủ.”

Theo khảo sát của Bloomberg tiến hành trên 4 nhà phân tích, do doanh thu ôtô Tháng 6 tại Mỹ sụt giảm 33%, Ford có thể gánh chịu thua lỗ lên đến 718.3 triệu USD trong quý 2. Con số này có phần được cải thiện so với mức thua lỗ năm ngoái là 8.7 tỷ USD.

Các hãng hàng không Mỹ

Theo ước tính của Michael Derchin, chuyên gia phân tích chứng khoán của FTN Equity Capital tại New York, trong số 9 hãng hàng không lớn nhất tại Mỹ thì Delta Air Lines, công ty mẹ của American Airlines (AMR) và UAL, công ty mẹ của United Airlines có thể sẽ gạnh chịu mức thua lỗ tổng cộng 1 tỷ USD, trong khi mức dự đoán trước đây của ông chỉ khoảng 600 triệu USD.

Theo kế hoạch, cả hai hãng hàng không Delta và American Airlines sẽ cắt giảm thêm các chuyên bay khi mùa du lịch kết thúc sau ngày Quốc Lao động của Mỹ. Các hãng hàng không Hoa Kỳ cắt giảm 31,700 việc làm và 500 máy bay phản lực kể từ đầu năm 2008 do tình hình du lịch hàng không sụt giảm trong bối cảnh thất nghiệp và chính sách tín dụng thắt chặt.

Thông thường, các ngân hàng lớn sẽ báo cáo doanh thu thấp hơn trong quý 1 năm 2009 mặc dù theo các nhà phân tích, các công ty như Charlotte, Bank of America, Goldman Sachs. vẫn sẽ công bố có tăng trưởng về lợi nhuận. Theo Richard Bove, chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Rochdale, tình trạng thua lỗ tín dụng sẽ lấy bớt thành quả đạt được trong hoat động kinh doanh và bảo lãnh chứng khoán.

“Khó dự đoán”

Bove nhận xét: “Thật khó dự đoán được diễn biến của mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2 này. Nếu nhìn vào lợi nhuận kinh doanh, mọi người sẽ cảm thấy hài lòng với mọi thứ liên quan đến thị trường vốn, tuy nhiên bạn cũng sẽ thấy mức thua lỗ trong hoạt đông ngân hàng bán lẻ.”

Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) sẽ giảm do các ngân hàng bán ra cổ phần, bao gồm cổ phần của Bank of Amecica với tổng trị giá 13.5 tỷ USD sau khi cuộc kiểm tra sức khỏe ngành ngân hàng của Chính phủ Mỹ cho thấy 10 ngân hàng lớn nhất nước này cần thêm vốn để chống lại suy thoái kéo dài. Được biết, 19 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã công bố kế hoạch tăng hơn 100 tỷ USD kể từ sau cuộc sát hạch sức khỏe ngân hàng kết thúc.

Trong lĩnh vực bán lẻ, các đại gia như Wal-Mart Stores đã đẩy mạnh hoạt động chiết khấu hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Sarah Henry, nhà phân tích tại Công ty quản lý đầu tư toàn cầu MFC cho biết, các nhà bán lẻ hàng xa xỉ, tiêu biểu như Saks và Nordstrom lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc sụt giảm chi tiêu tiêu dùng. Bà Henry nhận xét: “Mọi người đang mua sắm theo giá trị, và thông điệp của Wal-Mart rất thích hợp trong thời điểm hiện tại”.

Nguyên liệu thô

Sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng từ lĩnh vực bán lẻ đến các hoạt động sản xuất đã tác động đến các nhà cung cấp nguyên liệu thô. Hệ quả là các nhà sản xuất hàng hóa như ngành nhôm và hóa chất đang nỗ lực để duy trì lợi nhuận.

Cụ thể, các nhà sản xuất thép đang vật lộn với việc giá cả chưa phục hồi trở lại sau khi nhu cầu sụt giảm mạnh nhất kể từ Thế chiến II. Các nhà phân tích dự đoán, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal có thể công bố mức thua lỗ thứ 3 liên tiếp trước khi phục hồi lợi nhuận vào quý thứ 3 này.

Theo dự đoán của các nhà phân tích, lần đầu tiên trong 9 năm qua, Công ty khai mỏ lớn nhất thế giới BHP Billiton sẽ công bố lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái do giá cả hàng hóa suy yếu. Chỉ số Reuters/Jefferies CRB của 19 loại vật liệu cơ bản lao dốc tới 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty hóa chất lớn nhất Mỹ, Dow Chemical cũng có thể công bố làm ăn thua lỗ trong quý 2 và đưa ra dự đoán lợi nhuận trong quý hiện tại sẽ sụt giảm tới 94%. Nguyên nhân là do nhu cầu sơn và nhựa suy yếu xuất phát từ sự đóng cửa của các nhà máy. Công ty có trụ sở tại Michigan, Midland này cũng thông báo đóng cửa 3 nhà máy và cắt giảm 2,500 việc làm vào ngày 1/7 vừa rồi.

“Không hề có sức định giá đối với mặt hàng hóa chất. Ngành này đang rơi vào thảm họa.”, nhận xét của Giám đốc Fifth Third, Mark Demos.

Khánh Hà - Bội Mẫn (Theo Bloomberg)

Các tin tức khác

>   Hồi hộp đợi lợi nhuận, CK Châu Á chìm trong sắc đỏ (06/07/2009)

>   Tòa án phê chuẩn kế hoạch bán tài sản của GM (06/07/2009)

>   Trung Quốc rục rịch dùng Nhân dân tệ cho xuất nhập khẩu (06/07/2009)

>   Trung Quốc nhảy vào cuộc đua thôn tính Opel (06/07/2009)

>   G-8 sẽ đánh giá lại vai trò toàn cầu của USD (06/07/2009)

>   ABB thăng trầm một thương hiệu (06/07/2009)

>   Trung Quốc tăng nhanh tốc độ tập trung tài sản (06/07/2009)

>   Chrysler bổ nhiệm 5 giám đốc mới (06/07/2009)

>   Doanh nghiệp Pháp trở lại thị trường Iraq (06/07/2009)

>   Opel có thể được bán cho Magna (06/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật