EU hạn chế mức hỗ trợ đối với ngành sữa
Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định hạn chế mức hỗ trợ cho nông dân sản xuất sữa đang gặp khó khăn trong 2 năm tới, nhưng sẽ điều tra các siêu thị lớn xem có sử dụng "con bài" sức mua yếu một cách không công bằng.
Quyết định trên của EU được đưa ra trong bối cảnh các nước EU, nhất là Đức, Pháp, Bỉ và Luxembourg, trong mấy tháng qua đã vấp phải làn sóng phản đối từ người nông dân về tình trạng giá sữa thấp.
Trong một báo cáo về ngành sữa được công bố ngày 22/7, Ủy ban châu Âu (EC) cho hay họ đang xem xét liệu có hành vi chống cạnh tranh trong chuỗi cung cấp lương thực-thực phẩm, bao gồm cả sức mua của các nhà bán lẻ để ép hạ giá, nhất là trong lĩnh vực sữa.
EC cũng nhấn mạnh khả năng cấp tài chính cho các biện pháp hỗ trợ mới trong ngành sữa tài khoá 2010 sẽ bị hạn chế và xu thế này có thể tiếp tục trong tài khoá 2011.
Chủ tịch Ủy ban các nhà sản xuất sữa Hà Lan, Sieta van Keimpema, cho rằng lẽ ra các siêu thị lớn cần phải bị điều tra từ lâu.
Theo bà Keimpema, người nông dân sản xuất sữa hầu như không có lãi, trong khi lợi nhuận của các siêu thị có thể lên tới 40-60% giá trị các sản phẩm sữa. Bà nói EU có thể đưa ra các quy định nhằm đem lại lợi nhuận công bằng trong ngành sữa, nhất là giữa nhà sản xuất và các siêu thị.
Các thị trường sữa EU đã suy giảm mạnh trong 12 tháng qua. Sau khi tăng trong năm 2007, giá sữa đã không ngừng đi xuống, tạo ra những hiệu ứng nghiêm trọng đối với lợi nhuận của nông dân sản xuất sữa.
EC cho biết mặc dù các quỹ của EU rất hạn chế, nhưng các nước trong khối sẽ được phép mở rộng các khoản hỗ trợ tài chính cho nông dân sản xuất sữa trong bối cảnh khủng hoảng tài chính-kinh tế hiện nay, đồng thời cho rằng khoản hỗ trợ 15.000 euro cho mỗi trang trại sẽ là mức hợp lý.
Báo cáo của EC còn cho biết, EC sẽ từ bỏ ý định cắt giảm hạn ngạch sữa, bất chấp yêu cầu từ Đức và Pháp cũng như các nông dân bị ảnh hưởng do giá sữa giảm sút.
Tháng 11/08, các bộ trưởng nông nghiệp EU nhất trí giảm 1% hạn ngạch sữa mỗi năm và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn vào năm 2014 hoặc 2015. Tuy nhiên, trong mấy tháng qua, người nông dân châu Âu đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ để tìm kiếm sự hỗ trợ thông qua các khoản trợ giúp tài chính hoặc bằng cách hạn chế nguồn cung, do giá các sản phẩm sữa giảm mạnh trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu./.
VIETNAM+
|