Đồng tệ mộng đế vương
Từ ngày 6/7, các ngân hàng ở Trung Quốc và Hongkong đã bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán xuất nhập khẩu khi Chính phủ Trung Quốc tiến thêm một bước nhằm đưa đồng nhân dân tệ thành đồng tiền toàn cầu và cuối cùng sẽ thay thế vị trí quốc tế của đồng đô la Mỹ.
Tăng cường sức mạnh đồng nội tệ
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế mới nổi lớn nhất diễn ra ở Ý vào thứ Năm (9/7), Trung Quốc đột ngột làm dịu đi lời đề nghị mà họ đưa ra gần đây về việc dùng một đồng tiền dự trữ toàn cầu khác, ngoài đồng đô la Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi (He Yafei) hôm Chủ Nhật trước đó đã nói rằng, đồng đô la Mỹ vẫn sẽ là đồng tiền thống trị thế giới trong “nhiều năm tới”.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đang lặng lẽ thúc đẩy tiến trình làm cho đồng tiền của nước này được chuyển đổi sang các đồng tiền khác dễ dàng hơn và việc này trong dài hạn sẽ mang lại cho đồng nhân dân tệ khả năng được sử dụng rộng rãi trong thương mại và dự trữ quốc tế. Ngày mà đồng nhân dân tệ được chuyển đổi đầy đủ - phải mất một vài năm nữa nhưng chưa tới vài thập niên - sẽ đánh dấu một sự chuyển dịch trọng đại trong cơ cấu quyền lực kinh tế toàn cầu và là “ngày phán xử cuối cùng” không chỉ với Trung Quốc mà còn cả với Mỹ vì từ đó Mỹ sẽ không thể lún sâu trong nợ nần mà không phải hứng chịu hậu quả về kinh tế.
Mặc dù Trung Quốc đang tiến lên chậm rãi và thận trọng, vài chuyên gia về chính sách tiền tệ của nước này đã hoài nghi rằng, phương hướng dài hạn của chính sách này là tiến tới việc tăng cường sức mạnh của đồng nhân dân tệ nhằm thay thế đồng tiền của các nước công nghiệp phát triển.
“Ở Trung Quốc có rất nhiều bộ óc cho rằng thời đại của đồng đô la Mỹ đã kết thúc. Khu vực sử dụng đồng euro đang khốn khổ vì tình trạng tê liệt chính trị và một ngân hàng trung ương quá bảo thủ, trong khi hai thập niên kinh tế trì trệ và dân số suy giảm đã gây bất lợi cho đồng yên Nhật” - ông Stephen Green, một nhà kinh tế làm việc ở văn phòng Thượng Hải của ngân hàng Standard Chartered đã viết như vậy trong một báo cáo nghiên cứu vào hồi đầu tháng này. Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã che chắn đồng nhân dân tệ đằng sau nhiều rào cản. Chính quyền Trung Quốc ngăn không cho đồng tiền này được tích trữ với khối lượng lớn ở bên ngoài biên giới để họ có thể kiểm soát tỷ giá và quản lý chặt chẽ hệ thống tài chính trong nước.
Bằng việc duy trì tỷ giá thấp, Trung Quốc đã giữ cho hàng xuất khẩu luôn có tính cạnh tranh. Thế nhưng hậu quả là hầu hết các khoản thanh toán xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc và đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài đều được thực hiện bằng đô la Mỹ. Một số ít giao dịch nhỏ, dọc theo biên giới của Trung Quốc có sử dụng đồng euro và yên Nhật, nhưng hiếm khi sử dụng đồng nhân dân tệ.
Hiện nay, Trung Quốc đang bắt đầu tháo dỡ các bức tường này và thả nổi đồng nhân dân tệ. Quyết định này xuất phát một phần từ nhận thức về vai trò đang lên của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới và một phần từ sự vỡ mộng với hệ thống tiền tệ và tài chính của các nước công nghiệp phát triển trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Tuy nhiên, có ba nhân vật thường xuyên thảo luận vấn đề này với các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương Trung Quốc nhận xét, lãnh đạo Trung Quốc có khuynh hướng nhìn xa trông rộng và việc hoán đổi đồng nhân dân tệ có thể sẽ mất nhiều năm nữa. Cả ba người này đều cho rằng, mục tiêu mới được công bố gần đây của Trung Quốc biến Thượng Hải thành một trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2020 đồng nghĩa với việc Trung Quốc muốn đồng nhân dân tệ có tính chuyển đổi đầy đủ vào thời điểm ấy.
Tự do chuyển đổi và hệ quả
Tính chất tự do chuyển đổi sang các ngoại tệ khác là điều kiện cần để ngân hàng trung ương các nước khác có thể nắm giữ đồng nhân dân tệ thay thế đồng đô la Mỹ trong dự trữ ngoại hối của nước họ, nhưng chưa phải là điều kiện đủ. Trung Quốc cần thể hiện tính ổn định kinh tế và tài chính dài hạn - điều mà năm ngoái nước này từng thể hiện tốt hơn các nước khác. Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã nhiều lần kêu gọi mở rộng việc sử dụng SDR (special drawing right - quyền rút vốn đặc biệt) trong hệ thống tài chính toàn cầu. SDR là một loại tiền danh nghĩa do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tạo ra trên cơ sở giá trị của một số ngoại tệ mạnh. Thế nhưng, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Hà Á Phi lại cho rằng, những ý kiến như vậy chỉ là sự thảo luận trong giới học thuật mà thôi.
Eswar S. Prasad, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Brookings ở Washington, nguyên Giám đốc tại Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng đề nghị của ông Chu về sử dụng SDR làm một loại tiền tệ toàn cầu nhắm tới mục tiêu chính là tăng cường vai trò của đồng nhân dân tệ.
“Chính quyền Trung Quốc coi việc tự do chuyển đổi là mục tiêu dài hạn và là điều cần thiết để đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế” - ông Prasad nói.
Tính chất chuyển đổi đầy đủ của đồng nhân dân tệ không phải là lợi ích thuần của Trung Quốc vì Ngân hàng trung ương nước này sẽ khó khăn hơn, tuy không phải là không thể thực hiện, trong việc tiếp tục kiểm soát giá trị của đồng tiền trong tương quan với giá trị của đồng đô la Mỹ. Đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh so với đô la Mỹ có thể khiến hàng ngàn nhà máy xuất khẩu phải đóng cửa và gây ra tình trạng sa thải hàng loạt, điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc lo sợ là nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Một đồng tiền lên xuống thường xuyên hơn cũng đòi hỏi doanh nghiệp Trung Quốc phải nâng cao trình độ quản lý rủi ro và hầu hết các công ty ở nước này sẽ thua lỗ vì không làm được việc này.
Trong vài tháng qua, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu để cho ngân hàng trung ương các nước từ Argentina đến Malaysia thanh toán bằng đồng nhân dân tệ với Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Thứ Hai tuần trước nữa, chính phủ Trung Quốc đã thận trọng cho phép khu vực kinh tế tư nhân sử dụng đồng nhân dân tệ bên ngoài biên giới Trung Quốc.
Chương trình mới này chỉ áp dụng cho các công ty ở Thượng Hải và các thành phố lớn nhất của tỉnh Quảng Đông. Các công ty ở những thành phố này hiện đã được phép nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ với khách hàng và nhà cung cấp ở Hồng Kông, Macao và các nước Đông Nam Á.
Mỹ Hạnh (Theo New York Times)
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|