Đổi hướng để bứt phá
Áp lực với những người điều hành không chỉ nặng nề khi thị trường ảm đạm, thậm chí còn gia tăng lúc thị trường khởi sắc.
Dù kinh tế vẫn còn nhiều điểm bất định, nhưng TTCK đã sôi động hơn với khối lượng giao dịch chứng khoán nửa đầu năm 2009 bằng hơn 70% khối lượng giao dịch của cả năm ngoái. Cùng với biến động rất nhanh của thị trường, một bộ phận CTCK đang thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ để chờ cơ hội bứt phá.
Tháng 5/2009, CTCK Dầu khí (PSI) thay đổi Tổng giám đốc và điều chỉnh chiến lược phát triển. Ông Bùi Ngọc Thắng, tân Tổng giám đốc PSI cho biết, Công ty sẽ tập trung vào mảng tư vấn, dịch vụ, lấy Petro Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên làm nền tảng để phát triển. Hiện tại, Công ty đang làm việc với chuyên gia nước ngoài đánh giá toàn bộ hoạt động của PSI, để cùng ban lãnh đạo Công ty đưa ra thay đổi phù hợp. Ông Thắng cho hay, trong những năm qua, PVN luôn là đơn vị đi đầu trong công tác cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới DN của cả nước. Hàng loạt DN của Tập đoàn đã được niêm yết cổ phiếu, nhiều công ty nằm trong tốp đầu thị trường về giá trị vốn hóa, lợi nhuận và tính thanh khoản như PVD, DPM, PVI, PTSC, PVFC... Trong thời gian tới, cùng với nhu cầu huy động thêm vốn để phát triển và mở rộng thương hiệu, mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới, PVN sẽ đưa cổ phiếu của các DN này niêm yết tại nước ngoài. Bên cạnh đó, Tập đoàn đang tiếp tục cổ phần hóa nhiều DN mạnh, vốn điều lệ lớn như Tổng công ty Khí, Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Công ty TNHH Lọc dầu Bình Sơn... Nhiều công ty thành viên hoặc các công ty có vốn góp của các công ty thành viên thuộc PVN sẽ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Đây là cơ hội để PSI khẳng định vị thế của mình. Tuy nhiên, với sức ép cạnh tranh hiện nay, Công ty không thể phát triển nếu chất lượng dịch vụ không đảm bảo.
So với các CTCK khác, đầu tư vào công nghệ của PSI còn khá khiêm tốn, vì vậy PSI đã tiếp cận với 10 nhà cung cấp dịch vụ và quyết định chọn mua phần mềm lõi của Tập đoàn Tong Yang (tập đoàn chứng khoán hàng đầu Hàn Quốc), dự kiến cuối tháng 9, PSI sẽ chính thức kết nối trực tuyến với HOSE. Với phần mềm này, giai đoạn đầu, Công ty sẽ tiến hành kết nối trực tuyến với 3 ngân hàng hàng đầu Việt Nam, giai đoạn 2 sẽ lựa chọn và kết nối với 3 ngân hàng khác, khách hàng có thể mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng, sử dụng các dịch vụ trực tuyến và không nhất thiết phải đến sàn. Trong chiến lược phát triển, PSI đặt kế hoạch tăng vốn từ 300 tỷ đồng hiện nay lên 1.000 tỷ đồng. Tới đây, PVN sẽ chuyển nhượng phần lớn vốn sở hữu tại PSI sang Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí (PVI) nhằm tăng tỷ lệ sở hữu của PVI tại PSI lên 80%. Với lợi thế dòng tiền lớn của ngành bảo hiểm, đây sẽ là cơ hội tốt nếu PSI tận dụng được tiềm lực tài chính của PVI.
Thay tướng, đổi cách điều hành cũng là giải pháp được CTCK Sao Việt thực hiện từ tháng 6/2009. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sao Việt cho hay, ngay từ khi mới thành lập vào năm 2006, Sao Việt là một trong số rất ít CTCK có chiến lược xây dựng hệ thống môi giới theo mô hình tư vấn đầu tư, đồng thời đưa ra dịch vụ tư vấn tài chính trọn gói cho DN. Cùng chiến lược như vậy, một số CTCK đã có bước bứt phá mạnh mẽ, song cũng có công ty thất bại, cùng với sự thay đổi nhân sự cấp cao lần này, Sao Việt quyết định sẽ có những cải tiến mới. Tập trung khai thác thế mạnh sẵn có, tạo thêm sự đa dạng về sản phẩm để gia tăng thị phần môi giới, tận dụng sức mạnh của hệ thống công nghệ thông tin..., theo ông Tuấn là “không dễ nhưng vẫn phải làm”.
Tái cấu trúc không chỉ được thực hiện ở những CTCK có tiềm lực trung bình, ngay những CTCK lớn cũng quyết định sẽ thay đổi. Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho hay, mảng tự doanh có đóng góp lớn nhất trong kết quả kinh doanh của Công ty, tỷ trọng doanh thu của HSC hiện là 70:30 (tự doanh - dịch vụ), song HSC định hướng sẽ giảm nguồn thu từ tự doanh, tăng thu từ dịch vụ (môi giới, tư vấn tài chính) với tỷ lệ 60:40 hoặc 50:50. Nguồn vốn dùng để tự doanh sẽ được chuyển một phần lớn sang mảng hoạt động nhằm gia tăng đòn bẩy tài chính cho NĐT. HSC cũng dự kiến đầu tư mạnh cho hệ thống chuyên gia phân tích để cải tiến mảng dịch vụ tư vấn khách hàng.
Mỗi lần thay đổi là một lần tự đấu tranh với chính mình, song với một thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt khi có tới hơn 100 CTCK hoạt động như Việt Nam, sự thay đổi là cần thiết bởi chỉ cần đứng yên là tụt hậu. “Đã có thời điểm Công ty xây dựng chiến lược phát triển quá ôm đồm, song tới đây sẽ khác. Điều quan trọng không phải ở sự thay đổi mà quan trọng là ban điều hành Công ty đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu đặt ra cho từng giai đoạn, xác định đúng nguyên nhân thất bại để có điều chỉnh”, ông Thắng chia sẻ. Quả thật, nếu điểm lại thì có thể thấy trong 3 tháng trở lại đây chứng khoán dường như là lĩnh vực có nhiều sự thay đổi về nhân sự cấp cao nhất. Áp lực với những người điều hành không chỉ nặng nề khi thị trường ảm đạm, thậm chí còn gia tăng lúc thị trường khởi sắc.
Anh Việt
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|