Thứ Năm, 30/07/2009 10:43

Chế tài nào khi DN chậm nộp BCTC quý II?

Việc chậm công bố thông tin của DN niêm yết rõ ràng đã tạo ra sự bất cân bằng thông tin giữa những người bên trong và bên ngoài DN. Và cũng sẽ là không công bằng giữa DN thực hiện nghiêm quy định và những DN thường xuyên chậm công bố BCTC.

Theo số liệu của Sở GDCK TP. HCM (HOSE), tính đến hết ngày 27/7 mới có khoảng 50 trên tổng số 166 DN niêm yết tại sàn này công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý II. Tại sàn Hà Nội (HNX), chưa có con số thống kê chính xác nhưng cũng có nhiều DN chậm công bố BCTC quý, dù đã qua thời hạn cuối cùng phải công bố BCTC quý II (ngày 25/7). Một trong nhiều nguyên nhân tái diễn tình trạng kể trên là việc xử phạt chậm nộp BCTC chưa đủ sức răn đe.

Trong công văn xin gia hạn nộp BCTC gửi HNX, CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng nêu lý do Công ty chưa nhận được đầy đủ BCTC từ các công ty con nên chưa thể hoàn thành việc lập BCTC hợp nhất trong thời gian quy định và xin khất đến ngày 4/8. Cũng lý do có nhiều công ty con, CTCP Nam Vang xin gia hạn nộp BCTC đến ngày 31/7. Liên quan đến vấn đề nhân sự, CTCP Sữa Hà Nội cũng xin nộp chậm BCTC quý với thời hạn là 25 ngày.

Tại HOSE, với lý do đang soát xét báo cáo 6 tháng đầu năm 2009, CTCP Nhựa Tân Đại Hưng đã xin gia hạn thời gian nộp BCTC quý II/2009 đến ngày 30/8. Cũng với lý do tương tự, CTCP Hàng hải Đông Đô đã xin gia hạn nộp BCTC quý II/2009 đến ngày 15/8...

Có 2 nguyên nhân phổ biến các DN đưa ra là do DN có nhiều công ty con và trong năm 2009 phát sinh thêm việc phải thực hiện soát xét BCTC bán niên. Có không ít đơn vị chậm nộp nhưng cũng không xin gia hạn và không giải trình lý do. Có đơn vị gia hạn 20 đến 25 ngày nhưng có đơn vị chỉ vài ngày. Có thể thấy, việc công bố BCTC quý đang diễn ra khá lộn xộn, trong khi hai Sở GDCK và cơ quan quản lý vẫn chưa thấy lên tiếng. 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính cho biết, mặc dù chưa bắt buộc nhưng việc các công ty thực hiện soát xét BCTC là tín hiệu rất tốt nhằm tăng chất lượng báo cáo. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể về thời gian hoàn tất việc thực hiện soát xét này.

NĐT Bạch Hưng Hùng tại CTCK Thăng Long cho rằng, việc chậm công bố BCTC không chỉ làm các NĐT mất đi cơ hội đầu tư mà còn dễ gây nghi ngờ cho NĐT về mức độ minh bạch và tính chính xác của các số liệu.

Ông Trần Nam Sơn, Giám đốc pháp chế, CTCK An Bình cho rằng, đối với NĐT chứng khoán thì thông tin chính là tiền. Vì thế, việc các DN chậm công bố BCTC quý như hiện nay là một bất hợp lý lớn. Theo quy định hiện tại, các DN niêm yết phải thực hiện công bố BCTC quý II hạn cuối cùng vào 25/7. Nhưng với các DN thực hiện soát xét thì lại được phép lùi lại nhiều ngày hơn nếu đối chiếu theo các văn bản hướng dẫn kế toán, kiểm toán.

Đại diện Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cũng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo UBCK, HOSE và HNX để quy định và triển khai các quy định về công khai BCTC giữa kỳ của DN niêm yết như cần có BCTC quý, 6 tháng được soát xét bởi công ty kiểm toán, nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường vốn của Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 32 về Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về công bố thông tin tại Nghị định 36/2007/NĐ-CP, công ty niêm yết sẽ bị phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức phát hành, công ty đại chúng, tổ chức niêm yết công bố thông tin không đầy đủ, kịp thời, đúng hạn theo quy định của pháp luật. Như vậy, quy định về xử phạt hành chính khi chậm công bố thông tin (trong đó có BCTC quý) đã có, nhưng theo ghi nhận của ĐTCK, đến nay chưa có trường hợp nào bị xử phạt vì chậm công bố BCTC quý. Với mức phạt như trên thì theo một chuyên gia kiểm toán là vẫn còn rất nhẹ, do đó chưa đủ sức buộc DN phải công bố đúng hạn.

Đối với DN thực hiện soát xét báo cáo bán niên có nên thực hiện công bố BCTC của bản thân công ty trước và báo cáo soát xét sau? Một giám đốc DN niêm yết trên sàn HOSE cho biết, giữa hai báo cáo bao giờ cũng có sự sai lệch số liệu dù ít dù nhiều, vì thế việc công bố hai lần có thể gây hiểu lầm cho NĐT. Theo quy định cũng tại Nghị định 36, công ty niêm yết sẽ bị phạt tiền 30 - 50 triệu đồng nếu công bố thông tin nhưng trong đó có chứa đựng những thông tin sai sự thật, gây biến động giá nghiêm trọng trên thị trường. Điều này cũng khiến không ít DN chọn cách xin gia hạn nộp BCTC hơn là đưa ra hai BCTC có số liệu khác nhau.

Việc chậm công bố thông tin của DN niêm yết rõ ràng đã tạo ra sự bất cân bằng thông tin giữa những người bên trong và bên ngoài DN. Và cũng sẽ là không công bằng giữa DN thực hiện nghiêm quy định và những DN thường xuyên chậm công bố BCTC.

Hiền Linh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Cò kè bớt một thêm hai (30/07/2009)

>   DPM và REE chốt danh sách trả cổ tức đợt 1/2009 (30/07/2009)

>   STL: Khai trương Trung tâm nhà mẫu dự án U Silk City (30/07/2009)

>   Thêm 12 doanh nghiệp "họ" Sông Đà báo cáo tài chính (30/07/2009)

>   Làm giá cổ phiếu ngân hàng (30/07/2009)

>   Để khách hàng bán khống cổ phiếu, một công ty bị phạt (30/07/2009)

>   Sắp khởi công thuỷ điện lớn nhất Kon Tum (29/07/2009)

>   SEAF đầu tư 30 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Hòa Bình (29/07/2009)

>   Tin giao dịch cp STL, DTC, SCJ, NVC, KKC, HUT, VC3, NPS (30/07/2009)

>   Giới thiệu CTCP Khách sạn Sài Gòn (SGH) (29/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật