Giới thiệu CTCP Khách sạn Sài Gòn (SGH)
Ngày 30/07/2009, cổ phiếu CTCP Khách sạn Sài Gòn (Mã CK: SGH) chính thức được giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội, trở thành cổ phiếu thứ 209 hiện đang niêm yết tại Sở. Với khối lượng 1.766.300 cổ phiếu, SGH góp phần nâng tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội lên 2.906,8 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 29.068 tỷ đồng.
Khách sạn Sài Gòn là một trong những khách sạn lâu đời của Tp. Hồ Chí Minh, được khánh thành từ năm 1968 với tên gọi ban đầu là Peninsula Hotel. Khách sạn nằm tại khu trung tâm thương mại, du lịch của thành phố. Sau ngày giải phóng, khách sạn tiếp tục hoạt động dưới sự quản lý của Nhà nước. Quyết định số 992/TTG của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành ngày 31/12/96, đã phê duyệt phương án cổ phần hoá Khách sạn Sài Gòn và đến ngày 15/1/1997 UBND TP đã ra Quyết định số 213/QĐ-UB-KT đồng ý chuyển thể Khách sạn Sài Gòn từ doanh nghiệp nhà Nước thành CTCP Khách sạn Sài Gòn. Ngày 15/2/1997, Đại hội cổ đông của CTCP Khách sạn Sài Gòn đã khai mạc, kể từ đây Công ty chính thức đi vào hoạt động.
Tại thời điểm 09/03/2009, cơ cấu cổ đông của công ty gồm có: cổ đông Nhà nước - 38,86%, cổ đông nước ngoài - 36,86% (trong đó có 3 cổ đông là tổ chức nước ngoài nắm giữ trên 5% là Blach Horse Enhanced VN INC, Merill Lynch International, Citigroup Global Market LTD), cổ đông là cán bộ-CNV công ty - 3,24%, còn lại là cổ đông khác ngoài công ty.
Các lĩnh vực hoạt động chính của khách sạn gồm: Kinh doanh phòng nghỉ, văn phòng cho thuê; Kinh doanh ăn uống và vũ trường; Thu đổi ngoại tệ cho khách (theo giấy phép của cơ quan chức năng); Dịch vụ du lịch, lữ hành trong nước; Dịch vụ vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm, phòng họp;.... Khách sạn có 100 phòng ngủ tiện nghi, tiêu chuẩn 3 sao; nhà hàng Saigon-Paris 300 chỗ, tọa lạc tại lầu 9 của khách sạn; phòng họp 250 chổ ngồi, rất thuận tiện cho các hội thảo, hội nghị khách hàng;...
Khách sạn Sài Gòn có một số thuận lợi như: địa thế nằm ở vị trí trung tâm thành phố, phòng ngủ rộng rãi, 80% phòng ngủ có cửa sổ và ban công, 60% phòng có mặt hướng ra sông Sài Gòn hoặc mặt tiền đường lớn hai chiều xe lưu thông; dịch vụ khách hàng tương đối đầy đủ gồm: nhà hàng, phòng họp, business center, massage & sauna, quầy vé máy bay, quầy bán hàng lưu niệm,... Tuy nhiên, Khách sạn cũng đối diện với những khó khăn như: toà nhà khách sạn có kết cấu xây dựng quá cũ (trên 45 năm), tiền sảnh thấp, ngột ngạt, rất khó trang trí nội thất, mặt tiền khách sạn không gây ấn tượng và thu hút khách về mặt mỹ quan. Chưa phát triển được mạng lưới phục vụ khách du lịch một cách tương đối hoàn chỉnh vì mặt bằng bị hạn chế (thiếu phòng tập thể dục, hồ bơi, vũ trường, bar, bãi đỗ xe,...). Thiếu sự quảng bá, chưa thực sự gây được thương hiệu mạnh, chưa gây được ấn tượng tốt nơi khách du lịch, khách trở lại khách sạn lần 2 chiếm không đến 2%....
Để giải quyết những khó khăn và đưa khách sạn phát triển, Khách sạn Sài Gòn đã đưa ra các giải pháp: chú trọng đầu tư và chất lượng sản phẩm, quan tâm đến hoạt động quảng cáo tiếp thị; tập trung nâng cao sản phẩm hiện có bằng cách sửa chữa nâng cấp toàn bộ phòng ngủ đẹp, đồng bộ để định vị sản phẩm của mình. Luôn thực hiện đúng cam kết đem đến cho khách hàng những ấn tượng bền vững mà thương hiệu là thông điệp nhất quán với khách hàng không thể thiếu....
Một số chỉ tiêu tài chính của CTCP Khách sạn Sài Gòn:
Đơn vị: VND
Chỉ tiêu |
Năm 2008 |
Quý I/2009 |
Quý II/2009 |
Tổng tài sản |
30.456.927.303 |
31.334.126.541 |
33.468.467.426 |
Vốn chủ sở hữu |
26.794.982.135 |
28.805.626.008 |
30.261.442.904 |
Doanh thu thuần |
29.496.910.082 |
7.350.018.834 |
5.751.671.509 |
LN trước thuê |
10.278.150.078 |
3.890.900.543 |
2.099.892.104 |
LNST |
7.684.849.187 |
3.306.643.873 |
1.699.060.264 |
EPS |
4.351 |
1.872 |
962 |
HNX
|