Doanh nghiệp VN và những “thị trường ngách”
Nếu nền kinh tế hồi phục tốt, rất có thể trong 5 đến 10 năm nữa, hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ “bùng nổ”. Đây cũng là một trong những cách thức đa dạng hóa đầu tư, chia sẻ rủi ro của các doanh nghiệp. Đó là nhận định từ các nhà quản lý đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam đã tự tin đầu tư
Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính gộp cho đến hết tháng 5 vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang 48 nước và vùng lãnh thổ gần 370 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,161 tỷ USD.
Lĩnh vực thu hút nhiều vốn từ Việt Nam nhất là công nghiệp và xây dựng (155 dự án, vốn đăng ký gần 4,2 tỷ USD); tiếp đến là nông lâm nghiệp và dịch vụ.
Còn xét theo vị trí địa lý thì thị trường Lào thu hút được nhiều vốn của các doanh nghiệp Việt Nam hơn cả. Malaysia, Algieria, Campuchia, Madagascar đang giữ các vị trí tiếp theo.
Hiện nay, hầu như ở tất cả các châu lục đều đã có các khoản đầu tư của doanh nghiệp Việt. Thậm chí, chính những quốc gia và vùng lãnh thổ vốn là các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc)... cũng là “điểm đến”.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng, từ năm 2008 trở lại đây, đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) đã trở thành một xu thế khá mạnh mẽ, cho thấy tầm nhìn xa trông rộng và sự trưởng thành đáng kể của các doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược kinh doanh. Dự báo trong một vài năm tới, ĐTRNN của doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 500 triệu USD và nếu nền kinh tế hồi phục tốt, rất có thể trong 5 đến 10 năm nữa, hoạt động ĐTRNN sẽ “bùng nổ” ở Việt Nam.
ĐTRNN không chỉ giới hạn trong các ngành nghề đơn giản (mở nhà hàng ăn uống, kinh doanh sản phẩm chè, cà phê Việt Nam…) mà đã vươn sang cả những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao, vốn lớn như thăm dò khai thác dầu khí, sản xuất điện năng...
Ông Thắng nhận định: “Doanh nghiệp Việt Nam đã khá năng động trong việc tìm ra các “thị trường ngách” ở các nước và vùng lãnh thổ lớn; khéo tìm ra những thị trường mới nổi, khéo huy động nhiều nguồn vốn đầu tư”.
Giải đáp mối băn khoăn, trong khi nhiệm vụ ngăn chặn suy giảm kinh tế trong nước còn rất nặng nề thì hoạt động ĐTRNN có thể làm phân tán nguồn lực ra bên ngoài, người đứng đầu Cục Đầu tư nước ngoài đưa ra cách nhìn khác: trong nhiều trường hợp, ĐTRNN chính là cách tạo tiền đề, cơ sở cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu ở trong nước.
“Có dự án đầu tư sang Hoa Kỳ xây dựng Trung tâm Thương mại dù quy mô chưa phải là lớn nhưng đã tạo nền tảng cơ sở rất tốt để doanh nghiệp thâm nhập thị trường, mở rộng sản xuất, xuất khẩu”, ông Thắng cho biết. Quá trình ĐTRNN còn giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam “trưởng thành” lên rất nhiều, nắm bắt được những cơ hội tốt; đồng thời đa dạng hóa đầu tư, chia sẻ bớt rủi ro.
Tuy nhiên, các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết mới chỉ bước qua giai đoạn thăm dò thị trường. Bên cạnh đó, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp ta cũng còn hạn chế; các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài chưa hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp; công tác dự báo thị trường thế giới còn yếu, chưa giúp được doanh nghiệp định hướng đầu tư…
Hoàn thiện môi trường pháp lý và hỗ trợ thiết thực
Môi trường pháp lý cho hoạt động ĐTRNN hiện nay cơ bản là thuận lợi, một đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - nhà đầu tư lớn nhất ĐTRNN của VN hiện nay - cho biết. Hơn nữa, gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung NĐ 78 theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường quản lý dòng vốn, hiệu quả vốn ĐTRNN.
“Việc sửa đổi lần này chưa đặt ra vấn đề phân cấp, nhưng sẽ theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép ĐTRNN. Quan hệ phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thương vụ Việt Nam sẽ được củng cố chặt chẽ hơn, giúp doanh nghiệp có đầy đủ thông tin về thị trường bạn để có chiến lược đầu tư lâu dài và sớm được tháo gỡ sớm những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động”, Cục trưởng Phan Hữu Thắng cho biết.
Một số quy định về quản lý ngoại hối cũng được đề nghị xem xét sửa đổi để dòng tiền ra, tiền vào thuận lợi. Theo đó, một số dự án đầu tư để thực hiện mục tiêu quan trọng có tác động tích cực tới phát triển kinh tế của nước ta như sản xuất điện nhập khẩu về Việt Nam, khai thác một số khoáng sản thay thế nhập khẩu phục vụ sản xuất chế biến trong nước... sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Chính sách ưu đãi về thuế cũng sẽ được áp dụng đối với các doanh nghiệp đầu tư trong một số lĩnh vực đặc thù.
Anh Phương
Sài gòn giải phóng
|