Thứ Năm, 30/07/2009 08:46

Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan nhất châu Á

Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, đa số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng kinh tế cũng như kế hoạch kinh doanh của chính mình.

Hai cuộc khảo sát tiến hành độc lập cùng lấy đối tượng là các doanh nghiệp đã cho cùng kết quả: chỉ số niềm tin đã tăng lên. Các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho những kế hoạch đầu tư mới.

Những tín hiệu tích cực

Công ty Dịch vụ Thông tin Tài chính World Vest Base Việt Nam (WVB FISL) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC Invest) vừa công bố kết quả điều tra tại 192 doanh nghiệp đứng đầu cả nước về thương hiệu, tổng tài sản, tổng doanh thu và số lượng nhân viên, thuộc 11 lĩnh vực ngành nghề chủ chốt của Việt Nam (gần một nửa trong số đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa). Theo đó, chỉ số niềm tin kinh doanh quý 2/2009 trong nước đạt 130 điểm, tăng 31 điểm so với quý trước đó. Có 53% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, nền kinh tế chung của Việt Nam hiện nay đã tốt hơn so với 12 tháng trước. Trong khi tại cuộc điều tra vào quý trước, chỉ có 22% doanh nghiệp có cùng suy nghĩ như vậy.

Việt Nam tiếp tục là quốc gia lạc quan nhất châu Á với 62% doanh nghiệp nhỏ và vừa kỳ vọng GDP sẽ tăng trưởng tốt hơn

Cùng tâm lý lạc quan, có 75% số doanh nghiệp được điều tra tin rằng, trong vòng 12 tháng tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn (quý trước tỷ lệ này là 51%). Chỉ có 7% lo lắng về một tương lai kinh tế ảm đạm trong năm tới.

Còn cuộc khảo sát thường kỳ mỗi 6 tháng/lần với sự tham gia của hơn 3.400 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 12 thị trường mới nổi ở châu Á, châu Mỹ La tinh và Trung Đông, do Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) mới công bố cũng đưa ra một kết quả đáng chú ý. Trong khi chỉ số lạc quan toàn khu vực tăng 15 điểm, từ 92 điểm trong quý 4 năm 2008 lên 107 điểm trong quý 2 năm 2009, chỉ số tương ứng tại Việt Nam tăng tới 19 điểm và đạt 150 (điểm số cao nhất là 200). Đây cũng là chỉ số lạc quan cao nhất trong số các quốc gia thuộc khu vực châu Á.

Chưa hết, Việt Nam tiếp tục là quốc gia lạc quan nhất châu Á với 62% doanh nghiệp vừa và nhỏ kỳ vọng GDP sẽ tăng trưởng tốt hơn. 22% cho rằng tốc độ tăng trưởng sẽ giảm trong sáu tháng tới và 27% dự đoán nền kinh tế vẫn giữ nguyên tốc độ tăng trưởng.

Cách hành động của DN

Chỉ số niềm tin và sự lạc quan tăng lên đã phản ánh trong chính những quyết định kinh doanh của các doanh nghiệp.

Kết quả điều tra của cuộc khảo sát thứ nhất cho thấy, về kế hoạch sử dụng nhân viên, có tới 59% số doanh nghiệp dự tính sẽ tuyển dụng thêm số nhân viên trong vòng 12 tháng tới (kết quả điều tra của quý 1/2009 chỉ đạt 32%). Trong khi đó chỉ có 7% số doanh nghiệp định cắt giảm số lượng nhân viên của doanh nghiệp mình (quý trước là 17%). Chỉ có 34% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự định giữ nguyên chi phí đầu tư cho tài sản cố định, có đến 60% doanh nghiệp đã có kế hoạch đầu tư tăng thêm trong vòng 12 tháng tới. Đặc biệt, có tới 81% số doanh nghiệp tham gia khảo sát tự tin rằng doanh thu của doanh nghiệp họ sẽ tăng lên trong vòng 12 tháng tới (quý trước chỉ đạt 50%); 72% doanh nghiệp tin rằng lợi nhuận của họ sẽ tăng lên trong năm tới. Con số tương ứng của quý trước là 4% và 45%.

62% doanh nghiệp đã có kế hoạch tăng đầu tư trong vòng 12 tháng tới

Cuộc khảo sát thứ hai cũng cho những kết quả tương tự. Nhóm điều tra của HSBC cho biết, trả lời câu hỏi yếu tố nào khiến các doanh nghiệp Việt Nam tin tưởng sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, 40% doanh nghiệp cho rằng đó là do “các chính sách, biện pháp của Chính phủ”; 28% tin vào “sự phục hồi của nền kinh tế khu vực và thế giới”. So sánh với 12 thị trường châu Á - hầu hết các doanh nghiệp không dự định thay đổi kế hoạch đầu tư vốn, 58% các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết họ có kế hoạch tăng vốn đầu tư. Chỉ có 3% doanh nghiệp có kế hoạch giảm vốn đầu tư, 38% dự định không thay đổi kế hoạch so với năm ngoái.

Một tín hiệu tích cực khác, Việt Nam đứng đầu với 49% các doanh nghiệp dự định tăng nhân công, 47% không có sự thay đổi về lao động và chỉ 4% có kế hoạch cắt giảm nhân sự.

Vẫn còn nỗi lo

Kết quả khảo sát trên dẫu sao cũng chỉ ra những tín hiệu tích cực về bức tranh của doanh nghiệp Việt trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, sự lạc quan này chỉ nên là liều thuốc kích thích phát triển chứ chưa thể chủ quan vào thực lực của doanh nghiệp. TS. Phạm Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) vẫn rất quan ngại về nhiều nhược điểm của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa được khắc phục. Chẳng hạn như, doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào một số đại lý thương mại ở khu vực Đông Á và hầu như chưa có sự chuyển động lên mắt xích cao hơn trong “chuỗi giá trị”. Rất ít doanh nghiệp đưa ra các lựa chọn chiến lược khác biệt hoặc những sản phẩm hoàn toàn mới… Nhắc đến yếu tố các doanh nghiệp đã tăng tỷ lệ tuyển dụng lao động như một tín hiệu vui, nhưng bà Hằng không quên chỉ ra rằng, cách thức sử dụng lao động hiện nay của doanh nghiệp là không bền vững, dễ gây ra tình trạng không giữ được lao động hay phải đối diện với đình công.

Bà Hằng khuyến nghị, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo được sức mạnh của chính doanh nghiệp cần mở rộng nội hàm của khái niệm “năng lực cạnh tranh”. Doanh nghiệp phải đưa ra các lựa chọn chiến lược khác biệt hoặc đưa ra những sản phẩm hoàn toàn mới. Dành ưu tiên hàng đầu cho đầu tư công nghệ, đổi mới sản phẩm, tăng cường mối liên kết với các tổ chức nghiên cứu. Xây dựng chiến lược phát triển dựa trên sự liên kết trong chuỗi giá trị và cung ứng…

Để kết thúc bài viết, xin dẫn ra một số chia sẻ của GS Tom Cannon - người từng được tôn vinh là “nhà hoạch định chiến lược phát triển hàng đầu của thế giới” với cộng đồng doanh nghiệp Việt. Ông cho rằng, tốc độ và nhịp điệu hiện nay biến đổi nhanh đến nỗi các nền kinh tế, các doanh nghiệp và doanh nhân không thể đợi đến khi tình hình an bài và ổn định hơn. Cần phải định hình sự phát triển bằng nhiều cách. “Cơn bão kinh tế hôm nay là cơ hội tốt cho các doanh nhân Việt Nam thể hiện sức mạnh và sự ổn định của mình. Việc đổi mới, tìm ra phương cách mới là để giành những cơ hội và lợi thế trong cạnh tranh. Doanh nghiệp phải sẵn sàng thay đổi và nắm bắt phương pháp tư duy mới”, ông Tom Canon lưu ý.

Lam Hạ

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Thị trường bất động sản:Sôi động nhưng không sốt nóng (30/07/2009)

>   Ra biển lớn bằng tâm thế hào sảng (30/07/2009)

>   Sẽ có chi hội bất động sản du lịch VN (30/07/2009)

>   Doanh nghiệp Việt Nam mạnh tay đầu tư vào Campuchia (30/07/2009)

>   Giá nông sản xuất khẩu vẫn chưa phục hồi (30/07/2009)

>   DOC điều chỉnh thuế chống bán phá giá cá tra, basa (30/07/2009)

>   ĐBSCL: Đồng loạt nói không với tôm chứa tạp chất (30/07/2009)

>   Doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục cho thông quan điện tử (30/07/2009)

>   Xu thế “bay riêng” (30/07/2009)

>   Ngành dệt may tìm giải pháp: Giảm phụ thuộc vào lao động (30/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật