"Đỉnh" lãi suất chưa mang tính đại diện
Thông tin về mức lãi suất huy động VND vượt mức 10%/năm khiến thị trường lo ngại. Một loạt câu hỏi đang được đặt ra: Lạm phát đã trở nên rõ ràng? Tình trạng thanh khoản của một số ngân hàng thương mại? Ảnh hưởng của lãi suất đến dòng tiền cầm cố, repo cổ phiếu?...
Mức LS trên 10% thực ra đã được đưa ra từ giữa tháng 6. Từ 17.6.2009, NHTMCP Việt Nam Tín Nghĩa điều chỉnh tăng LS huy động VND trong toàn hệ thống với mức điều chỉnh tăng trung bình 0,2%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Theo đó, tiền gửi VND kỳ hạn 36 tháng lên đến 10,2%/năm. Cùng kỳ hạn, NHTMCP Phát triển nhà TPHCM cũng công bố mức 10,1%/năm.
Theo thông tin từ NHNN, hiện nay lãi suất huy động bằng VND ổn định. Mức LS áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng từ 8,05%-8,53%/năm. Tuy nhiên, động thái điều chỉnh tăng LS của một số NHTMCP nhỏ từ mấy tuần nay, đẩy đỉnh của LS huy động VND lên gần mức trần LS cho vay (10,5%/năm) khiến thị trường khá lo lắng.
Một số NH nhỏ khát vốn
Dù tốc độ tăng dư nợ đến cuối tháng 6.2009 có cao hơn tốc độ tăng vốn huy động (0,8%), nhưng chắc chắn cân đối chung toàn ngành thì lượng vốn VND vẫn khá dồi dào. Bằng chứng rõ nhất là LS liên ngân hàng nội tệ trong 2 tuần nay vẫn tiếp tục có xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, gần đây có thông tin về một số khoản chào cho vay VND giữa các TCTD với nhau các khoản tiền rất lớn, thậm chí lên đến cả ngàn tỉ đồng với mức LS chỉ trên/dưới 8%/năm. Tuy nhiên, những khoản chào cho vay này thường kỳ hạn ngắn, tối đa 3 tháng. Hiện tượng này cho thấy hệ thống không thiếu tiền đồng.
Một điểm đáng chú ý nữa là gần đây nhất chưa thấy NHTM nhà nước nào, hay các NHTMCP quy mô lớn như ACB, STB, Techcombank... thông báo điều chỉnh tăng LS huy động VND. Các NH này xem ra vẫn khá bình tĩnh trước những diễn biến LS của thị trường.
Như vậy, có thể thấy có một số NHTMCP nhỏ hiện đang khá cần vốn và bản thân các NH có thể không đủ uy tín để vay mượn dễ dàng các khoản vay LS vừa phải trên thị trường liên NH. Từ trước đến nay, có NHTM nào thừa vốn đem cho vay trên thị trường liên NH cũng vẫn phải "trông giỏ bỏ thóc".
Bài học "thả gà ra đuổi" đã quá thấm thía với nhiều NH trong thời kỳ quý II/2008 khi hệ thống trục trặc thanh khoản. TGĐ một NH nước ngoài tại Việt Nam nhận xét rất đúng là tăng LS tiết kiệm của các NHTMCP trong nước chỉ mang tính cục bộ, phụ thuộc vào tình trạng thanh khoản của từng NH, chứ không phản ánh bức tranh chung của cả hệ thống.
LS tăng ảnh hưởng đến dòng tiền vào CK?
Tăng LS trước hết là ảnh hưởng đến các NH, vì LS càng cao thì chi phí cho các khoản vay càng đắt (NH phải trả LS cao hơn cho người gửi tiền). Với mức LS gần đến trần cho vay sản xuất - kinh doanh thế này thì các khoản tiền huy động được chủ yếu chỉ dành cho vay tiêu dùng (hiện LS cho vay thoả thuận đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng phổ biến từ 12-16,5%/năm).
Cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, hiện chủ yếu dùng để mua BĐS và khả năng trong lúc TTCK tăng điểm mạnh như thời điểm tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua thì một phần tiền vay tiêu dùng đã đổ vào thị trường này. Cả hai khả năng này đều khá rủi ro với NHTM. Cho vay BĐS thì kỳ hạn thường dài từ 3-12 năm và khó thu hồi vốn trước thời hạn nếu NH có vấn đề về thanh khoản. Vay để kinh doanh CK thì lại càng rủi ro, nhất là trong bối cảnh thị trường đang sụt giảm và chưa có dấu hiệu rõ ràng.
Mấy ngày này đã xuất hiện tâm lý lo lắng ở một số NĐT. Mọi người sợ rằng với mức LS huy động VND tăng cao như vậy, tất yếu sẽ dẫn đến tăng LS cho vay thoả thuận, đặc biệt là các khoản cho vay có mức rủi ro cao như cầm cố và repo CP. Với mức 12%/năm hiện nay thì các NĐT vẫn chịu được và sẵn sàng vay để kinh doanh CK, nhưng nếu bị đẩy lên cao hơn nhiều thì nhu cầu vay sẽ phải tính toán rất kỹ.
Lãi suất cơ bản sẽ được giữ ổn định
Ngày 30.6.2009, Thống đốc NHNN Việt Nam vẫn quyết định tiếp tục áp dụng mức LS cơ bản (LSCB) bằng VND là 7% năm. Theo tuyên bố gần đây nhất thì NHNN sẽ giữ ổn định LSCB và các mức LS điều hành khác trong những tháng cuối năm 2009. Khẳng định này là có cơ sở.
Hiện NHNN vẫn đang chú ý và theo dõi sát diễn biến LS tiền gửi VND của NHTM, nhất là các NH có mức LS huy động cao. Tuy nhiên, do mức LS huy động của các NH này chưa bằng trần, mới áp dụng cho kỳ hạn dài (3 năm) và cân đối cung - cầu vốn của hệ thống vẫn đảm bảo nên NHNN chưa lên tiếng về vấn đề này.
Để thực hiện mục tiêu của cơ chế cho vay hỗ trợ LS, NHNN sẽ phải có biện pháp để giữ ổn định mức LSCB 7%/năm cho đến cuối năm 2009. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn hệ thống, tránh cuộc đua tăng LS, tránh tâm lý gây áp lực lên lạm phát, NHNN cũng nên xem xét, nhắc nhở mức tăng trưởng tín dụng, nhất là tín dụng cho vay tiêu dùng nóng ở một số NHTMCP.
Mạnh Tuấn
Lao Động
|