Đua lãi suất tìm điểm dừng
Lãi suất huy động VND của ngân hàng thương mại từ đầu tháng 5 tới nay liên tục bị phá “đỉnh”. Liệu tình trạng các ngân hàng thì ứ vốn, còn doanh nghiệp ngậm ngùi không thể vay có lặp lại?
Ngôi vị quán quân trong cuộc đua lãi suất huy động này hiện đang được ngân hàng HDbank tạm thời nắm giữ với mức 10,1%/năm. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, với diễn biến trên thị trường tiền tệ như hiện nay, khả năng lãi suất huy động sẽ còn tăng là điều chắc chắn xảy ra.
Ẩn chứa rủi ro
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu kịch bản này xảy ra, thị trường sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro: vốn chảy không đúng chỗ và nguy cơ tái lạm phát sẽ diễn ra.
Ông Hoàng Xuân Quyến - Giám đốc phân tích đầu tư, Công ty chứng khoán Tân Việt nhận xét rằng, việc các ngân hàng đua tăng lãi suất là điều tất yếu bởi sức ép từ việc thiếu vốn trên thị trường.“Thị trường chứng khoán đang tăng mạnh với lợi nhuận của nhiều cổ phiếu lên tới 100 - 300% trong hơn 2 tháng qua khiến các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền gửi ngân hàng để tham gia. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng nhu cầu vay tiền (theo hình thức tín dụng tiêu dùng, nhưng thực chất là để đổ vào các thị trường đang có lợi nhuận hấp dẫn như chứng khoán, vàng, bất động sản) tại các ngân hàng cũng tăng mạnh mẽ. Sức cầu này hút một nguồn tiền không nhỏ, buộc các ngân hàng phải tìm mọi cách huy động đầu vào”. Ông Quyến cho rằng, khả năng lãi suất không dừng ở mức 10% là điều chắc chắn xảy ra. Bên cạnh đó, một lãnh đạo của Ngân hàng Quân đội cũng cho biết, gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn của Chính phủ đang ở thời điểm được triển khai trên diện rộng cũng “hút” một lượng tiền không nhỏ của các ngân hàng.
Với mức 10,1%/năm hiện nay, lãi suất huy động VND chỉ còn cách trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước có 0,4%. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng có rất nhiều cách để lách quy định này: tăng thời hạn, trả lãi trước, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, thậm chí là những bản thỏa thuận riêng với khách hàng. Và tất nhiên, những chi phí “phụ” này sẽ lại được đẩy về phía khách hàng một cách khéo léo. Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 cho thấy các ngân hàng đều tuyên bố lãi, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn báo cáo lỗ. Điều này gợi ý rằng vốn chưa thực sự chảy đến chỗ cần đến. Hơn nữa, điều này còn thể hiện sự mất cân đối về thu nhập giữa các khu vực, và nếu điều này tiếp tục xảy ra thì chưa thể gọi là hồi phục kinh tế, vị chuyên gia này nhận xét.
Tại cuộc toạ đàm “Triển vọng kinh tế và những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp năm 2009 - 2010” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tuần qua, nhiều chuyên gia đã lo ngại đến khả năng tái lạm phát. Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cần sớm có nghiên cứu nghiêm túc đánh giá kết quả của gói hỗ trợ lãi suất thứ hai. Lúc này, doanh nghiệp đã qua giai đoạn cần “cấp cứu” mà cần những hỗ trợ lâu dài, chiến lược. Ông Thành lưu ý, chính sách tiền tệ cần cẩn trọng hơn với gói kích cầu nhất là trong bối cảnh năng lực giám sát của Việt Nam chưa cải thiện được bao nhiêu nhưng thị trường tài chính đã tăng trưởng mạnh. Còn ông Bùi Quang Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì nhìn nhận, sức ép phá giá đồng nội tệ đang ngày một lớn trong khi dư địa để áp dụng chính sách tiền tệ còn ít và tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Ông Tuấn cũng đồng quan điểm, sức ép lạm phát đang gia tăng xuất phát từ chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng tạo nên sức ép lên cán cân thanh toán, thâm hụt ngân sách lớn…
Điểm dừng nào là hợp lý?
Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ vẫn thích vay tiền ngân hàng theo kênh thương mại. Nguyên nhân là hiện doanh nghiệp và ngân hàng có thể thỏa thuận lãi suất cho vay và việc tiếp cận được vốn cũng dễ hơn so với kênh hỗ trợ lãi suất. Bản thân các ngân hàng cũng thu lợi nhuận chính từ kênh này. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thường dao động trong khoảng 15 - 16%/năm.
Theo ông Quyến, điểm dừng của cuộc đua lãi suất có lẽ sẽ ở mức 12%. Ông Quyến phân tích, việc xem xét điểm dừng của cuộc đua lãi suất phụ thuộc vào một số yếu tố như chính sách tỷ giá. Người dân sẽ cân nhắc đến việc giữ đồng USD hay đồng nội tệ. Thứ hai, lạm phát được dự báo ở mức 6 - 8%, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 4 - 5%, thì xét về lý thuyết, mức lãi suất 12%/năm là mức cân bằng. Người gửi tiền cũng cảm thấy hài lòng, còn ngân hàng vẫn trong khả năng có lãi khi đầu ra ở mức 15% - 16%/năm.
Ông Quyến khuyên rằng khi mặt bằng lãi suất ở mức này, doanh nghiệp nên chọn các dự án dài hạn để đàm phán vay vốn và chờ cơ hội tăng trưởng. Ngược lại, những dự án ngắn hạn thì nên có bài toán khác.
Trả lời câu hỏi liệu có khả năng các ngân hàng sẽ bị ứ vốn khi đẩy cao lãi suất huy động, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành một lần nữa nhắc lại rằng việc thực thi gói kích cầu, đặc biệt là gói thứ hai cần phải được giám sát cụ thể để lượng tiền được bơm ra chảy về với doanh nghiệp chứ không thông sang các “trò chơi” tài chính khác. Ông Thành cũng nhấn mạnh, các ngân hàng nên linh hoạt trong cho vay, không chỉ chờ vào thực hiện vốn hỗ trợ lãi suất mà cần phải chủ động tìm những dự án khả thi của doanh nghiệp để cho vay, thậm chí là ưu đãi với thời hạn dài hơi theo nhu cầu dự án chứ không phải khống chế 24 tháng… Các điều kiện đi kèm cũng cần thể hiện tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp. Có như vậy , ngân hàng mới thực sự phát huy vai trò của mình trong nền kinh tế.
Có dự báo, điểm dừng của các cuộc đua lãi suất sẽ ở mức 12%/năm
Hải Nam
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|