Thứ Năm, 09/07/2009 22:10

Điều kiện kinh tế thay đổi, cách kích cầu cũng cần thay đổi

Năm tháng sau khi các gói kích cầu của Chính phủ được thực hiện, có một số ý kiến cho rằng đã đến lúc xem xét lại liều lượng và cách thức thực hiện gói kích cầu, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trao đổi với quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên về vấn đề này.

Đánh giá của ông như thế nào về hiệu quả của các gói kích cầu mà Chính phủ đưa ra, sau khi các gói kích cầu đã thực hiện được nửa chặng đường?

 Theo tôi thì bước đầu cũng đã có tác dụng. Nhìn chung, tổng thể các giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong khái niệm kích cầu đã tháo gỡ cho khu vực doanh nghiệp và ngân hàng khỏi vướng về nợ để khai thông được sự lưu thông về vốn. Còn các yếu tố khác như thuế và khu vực nông thôn, tuy chưa có gì cụ thể, nhưng trong bối cảnh hiện nay nó cũng ít nhất có tác động về mặt tâm lý.

Nếu đánh giá các gói khác như đầu tư lớn của Nhà nước hay giải pháp có tính chất lâu dài thì vẫn phải chờ tiếp, nhưng các biện pháp mạnh của Chính phủ đã tạo được niềm tin, và phải ghi nhận về tính kịp thời và quyết liệt của các biện pháp này.

Trong gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ lãi suất trung dài hạn được giải ngân rất thấp so với gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Theo ông nguyên nhân từ đâu?

- Gói này vừa được triển khai nên dư nợ sẽ thấp hơn so với gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Lúc đang tập trung làm gói ngắn hạn, tung tiếp gói thứ hai thì chắc chắn nó sẽ bị chi phối và có độ trễ so với gói thứ nhất đang được thực hiện một cách quyết liệt. Thêm nữa, khi nền kinh tế có dấu hiệu bình tĩnh trở lại và do các khoản vay trung dài hạn có độ rủi ro cao hơn, ngân hàng lẫn doanh nghiệp cũng đều phải cẩn trọng hơn và chủ trương của Chính phủ đối với các gói kích cầu sau cũng là phải giám sát chặt chẽ hơn.

Dư luận gần đây e ngại việc kích cầu đặc biệt vào các dự án sẽ gây ra nguy cơ tái lạm phát mà Thủ tướng yêu cầu phải kiềm chế dưới 10%. Theo ông, có cần thiết thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ của các gói kích cầu đang thực hiện?

- Đây là nhận định tôi cho là cần thiết, theo nghĩa là tình hình thay đổi thì mình cũng cần xem xét lại gói kích cầu nên được triển khai tiếp như thế nào để phù hợp với tình hình mới. Việc kích cầu đúng là có chứa đựng nguy cơ làm cho lạm phát quay trở lại, đặc biệt khi các gói kích cầu có liên quan đến chi tiêu của ngân sách nhà nước. Vấn đề ở đây không chỉ xét đến yếu tố lạm phát mà nên tính đến việc thâm hụt ngân sách, cả hai cái đi liền với nhau và hậu quả về mặt dài hạn là khá lớn. Cho nên, việc tính đến giải pháp điều chỉnh kịp thời là cần thiết.

Lạm phát trong năm nay có lẽ chưa khủng khiếp lắm, nhưng lạm phát trong năm sau có thể sẽ lớn. Và kịp thời ở đây là xem xét ảnh hưởng trong năm sau để điều chỉnh ngay từ năm nay. Về câu hỏi giải pháp phải như thế nào, thì cần xem xét đến khả năng có cần kích mạnh như lúc đưa ra chương trình kích cầu hay không vì điều kiện kinh tế đã thay đổi. Ta nên cân nhắc lại và theo tôi, Việt Nam hiện nay không cần phải dốc sức kích cầu quá mạnh.

Cần phải tính đến việc lạm phát bùng lên trở lại vì dư địa để sử dụng các công cụ về chính sách tiền tệ là rất ít, trong khi kích cầu chủ yếu thuộc về chính sách tài khóa. Cần phải có sự kết hợp đúng đắn giữa hai biện pháp để bơm tiền ra, chứ đừng để rơi vào tình cảnh một bên thì cứ bơm tiền, còn một bên thì việc sử dụng các công cụ điều tiết bị thu hẹp lại.

Tôi cho là điều kiện của nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi và kinh tế thế giới cũng có những dấu hiệu khởi sắc nên chúng ta cũng cần có sự rà soát lại.

Theo ông, việc giám sát các gói kích cầu hiện nay đã đủ chặt chưa?

- Theo nghĩa nào đó, Chính phủ đang tăng cường giám sát chặt chẽ các gói kích cầu, nhưng chặt theo như mong muốn thì có lẽ còn phải cố gắng nhiều, bởi vì tung ra một lượng tiền lớn cho các dự án lớn với mục đích giải vây cho doanh nghiệp trong thời gian ngắn thì dĩ nhiên điều kiện xét cho vay không thể chặt chẽ được. Tới đây, gói hỗ trợ lãi suất trung dài hạn cũng nên tăng cường rà soát các điều kiện để thực hiện khoản vay.

Xin cảm ơn ông!

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Tăng 3% kim ngạch xuất khẩu cũng rất khó (09/07/2009)

>   Tìm mô hình tăng trưởng mới cho thời kỳ “hậu khủng hoảng” (09/07/2009)

>   Thu mua trữ cà phê - thời điểm nào? (09/07/2009)

>   TPHCM chi 9 tỉ đồng xúc tiến du lịch (09/07/2009)

>   Sản lượng máy nông nghiệp tăng trưởng đột biến (09/07/2009)

>   Đầu tư nhà máy nhiệt điện tận dụng nguồn phế thải (09/07/2009)

>   Thị trường địa ốc làm quen với nghiệp vụ repo (09/07/2009)

>   Xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh tại Việt Nam (09/07/2009)

>   WB hỗ trợ 300 triệu USD điện khí hóa nông thôn và giảm nghèo (09/07/2009)

>   Hỗ trợ các nhà xuất khẩu VN tuân thủ quy định TBT và SPS của EU (09/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật