Cơ chế hỗ trợ lãi suất đáp ứng mục tiêu kích cầu
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, theo ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, cơ chế hỗ trợ lãi suất trong thời gian vừa qua có tác động tích cực, phù hợp với chủ trương kích cầu.
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã triển khai kịp thời, quyết liệt cơ chế hỗ trợ lãi suất, xử lý các vấn đề phát sinh phù hợp với tình hình thực tế. Cơ chế hỗ trợ lãi suất được phổ biến công khai, rõ ràng, minh bạch và có tính giám sát cao đối với các ngân hàng thương mại và đối tượng thụ hưởng.
Qua khảo sát một số địa phương, việc hỗ trợ lãi suất đã làm giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp là 36,6% ở Thành phố Hồ Chí Minh, giảm 30% ở Thừa Thiên-Huế...
Theo báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam đến ngày 16/7 là gần 377.695 tỷ đồng.
Trong số đó, dư nợ của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 266.107,09 tỷ đồng; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần 88.896,31 tỷ đồng; nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 18.696,96 tỷ đồng; công ty tài chính là 3.974,25 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất theo đối tượng khách hàng vay vốn là doanh nghiệp Nhà nước: 58.429,36 tỷ đồng; doanh nghiệp ngoài nhà nước là 249.656,14 tỷ đồng; hộ sản xuất: 69.609,11 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai tích cực chính sách hỗ trợ lãi suất theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Hệ thống ngân hàng cũng sẽ tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra các khoản cho vay hỗ trợ lãi suất để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu hỗ trợ./.
VIETNAM+
|