Chủ Nhật, 19/07/2009 22:07

Bảo hiểm nhân thọ: Sân chơi không chỉ của doanh nghiệp ngoại

Thị trường bảo hiểm hiện có gần 50 thành viên đang hoạt động, trong đó có 11 DN bảo hiểm nhân thọ, 27 phi nhân thọ, 1 tái bảo hiểm và 10 DN môi giới với tổng vốn chủ sở hữu gần 18.000 tỷ đồng. Nếu DN trong nước chiếm số lượng áp đảo ở lĩnh vực phi nhân thọ thì trong lĩnh vực nhân thọ lại chỉ có Bảo Việt nhân thọ. Mới đây, liên doanh bảo hiểm Vietcombank-Cardif ra đời, tỷ lệ vốn phía Việt Nam lớn hơn nên có thể ghi nhận đây là DN thứ 2 của Việt Nam trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. DN bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam sẽ làm gì trong môi trường bảo hiểm nhân thọ cạnh tranh khốc liệt?

Sự dè dặt khi đầu tư vốn vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cho thấy tính chất khó khăn khi tham gia thị trường này. Ngoài mức vốn điều lệ cao, theo quy định tại Nghị định số 46/2007/NĐ-CP, DN bảo hiểm nhân thọ phải có vốn tối thiểu 600 tỷ đồng, trong khi phi nhân thọ chỉ là 300 tỷ đồng, thì sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khá phức tạp nên không phải DN nào cũng có thể tham gia. Trước đây, đã có DN thể hiện tham vọng bành trướng sang lĩnh vực này là Bảo Minh. Được thành lập từ năm 1999, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Bảo Minh CMG là liên doanh bảo hiểm duy nhất giữa Bảo Minh (Việt Nam) và Tập đoàn CMG (Úc) tính đến thời điểm cuối năm 2007. Bảo Minh CMG đã đạt được sự tăng trưởng mạnh và là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ 5 trên thị trường tính theo doanh thu phí bảo hiểm với hơn 50 văn phòng kinh doanh được xây dựng trên khắp cả nước tính đến thời điểm đó. Việc bán cổ phần cho Tập đoàn Bảo hiểm Daiichi (Nhật Bản) do Bảo Minh xác định thế mạnh trọng tâm của mình là bảo hiểm phi nhân thọ. Việc kinh doanh bảo hiểm nhân thọ không thực sự thuận lợi dẫn đến tình trạng lỗ kỹ thuật kéo dài trong liên doanh này.

Thương vụ bán cổ phần trong liên doanh Bảo Minh CMG diễn ra từ năm 2007, nhưng dư âm đến nay như một lời thách thức các DN trong nước trong lĩnh vực này. Chính vì thế, khi liên doanh Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI) chính thức đi vào hoạt động mới đây đã gây sự chú ý của các DN bảo hiểm cả trong và ngoài nước. Với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng, VCLI được ghi nhận như là thành quả của thiện chí và mong muốn hợp tác lâu dài của ba đối tác: Vietcombank (góp 45% vốn), BNP Paribas (43%) và SeABank (12%).

Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch HĐQT VCLI cho biết, kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vẫn nhiều tiềm năng, song có không ít thách thức khó khăn. Với lợi thế mới thành lập, VCLI sẽ xây dựng mô hình tổ chức DN hết sức gọn nhẹ, không đi theo cách truyền thống của các DN khác. Nhân sự của VCLI chủ yếu tập trung vào thiết kế sản phẩm, tính phí bảo hiểm... Việc bán hàng sẽ thông qua mạng lưới của các ngân hàng (trước mắt là VCB và SeABank), công ty tài chính, chứ không phải là đội ngũ đại lý đồ sộ như nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ hiện nay. Mục tiêu của VCLI là đưa ra các sản phẩm bảo hiểm gắn kết với đời sống như các khoản vay tiêu dùng, các trách nhiệm trả nợ trong sinh hoạt (tiền điện, điện thoại, gas…). Đây là mảng dịch vụ mới mẻ, nhiều DN trong nước chưa triển khai.

Tìm cách đi riêng có lẽ là cách tốt nhất để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Tại Bảo Việt nhân thọ (thành viên của Tập đoàn Bảo Việt), trong 6 tháng đầu năm, Công ty khai thác được xấp xỉ 78.500 hợp đồng với tổng doanh thu khai thác mới khoảng 300 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt gần 19.000 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong 6 tháng đầu năm, Bảo Việt nhân thọ giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khoảng 50.000 lượt khách hàng, với tổng số tiền chi trả 400 tỷ đồng.

Sở dĩ đạt được kết quả trên, theo đại diện Bảo Việt nhân thọ, là do DN này đã nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần. Với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược HSBC Insurance, một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về tài chính - bảo hiểm, Bảo Việt nhân thọ đang xây dựng mô hình kinh doanh tiên tiến, hiệu quả, công nghệ quản lý hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế, liên tục đưa ra thị trường những dòng sản phẩm ưu việt.

"Chúng tôi cũng rất coi trọng vấn đề mở rộng thị trường mới, trong đó có nhiệm vụ phổ biến những hiểu biết đúng đắn về bảo hiểm nhân thọ. Nếu thành công trong công tác "đặt móng" này, thì việc xây dựng một ngôi nhà to đẹp, vững chãi qua cơn bão khủng hoảng không còn là việc khó khăn", ông Nguyễn Đức Tuấn, Tổng giám đốc Bảo Việt nhân thọ nói.

Theo các chuyên gia tài chính, khủng hoảng tăng không có nghĩa là rủi ro trong cuộc sống giảm, nhu cầu bảo hiểm vẫn còn đó và cơ hội chia đều cho các DN bảo hiểm nhân thọ trong và ngoài nước. Với lợi thế sân nhà, hiểu tâm lý khách hàng, nhưng các DN bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn chịu sức ép về thiết kế sản phẩm tiện ích và tiềm lực tài chính trong cạnh tranh.

Đông Hải

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Sẽ kiểm toán thường xuyên toàn bộ ngân sách địa phương (19/07/2009)

>   Lãnh đạo NHTM phải chịu trách nhiệm đối với các quyết định khi đương nhiệm (19/07/2009)

>   Lãi suất huy động VND và USD tiếp tục ổn định (19/07/2009)

>   An toàn bảo mật ngân hàng: Không dễ ! (19/07/2009)

>   Ngành ngân hàng: Khó khăn nhiều, tiềm năng lớn (18/07/2009)

>   Giao dịch trái phiếu trầm lắng, vì sao? (18/07/2009)

>   NHNN chủ động giải pháp phù hợp ngăn ngừa tái diễn lạm phát (18/07/2009)

>   Giảm lãi suất dự trữ bắt buộc VND (18/07/2009)

>   Băn khoăn về khả năng hấp thụ vốn trái phiếu Chính phủ (18/07/2009)

>   Sacombank và Prudential: Gói sản phẩm kết hợp cho khách hàng (17/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật