Thứ Năm, 09/07/2009 13:47

Chỉ cần làm tốt một thị trường là đủ

Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành may thiếu đơn hàng, giảm lao động do ảnh hưởng của khủng hoảng, thì Công ty Wec Saigon vẫn đủ đơn hàng cho công nhân làm cả năm không hết. Nay công ty đang tìm cách mở rộng phân xưởng về các tỉnh để tìm kiếm nguồn lao động, và cố gắng nâng thị phần của công ty tại thị trường Trung Đông ở mức 20% hiện nay lên 30% vào năm 2012.

Tận dụng cơ hội

Để có được như ngày hôm nay không hề đơn giản, ông Lâm Hoàng Lộc, Tổng giám đốc Công ty Wec Saigon, kể lại. Những năm đầu thập niên 1990, Việt Nam vẫn còn bị cấm vận, thị trường châu Âu bắt đầu áp hạn ngạch cho hàng dệt may. Lúc đó, Wec Saigon chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, chuyên sản xuất giày dép, quần áo thêu xuất khẩu 100% cho thị trường châu Âu. Mặc dù khách sẵn sàng giao nhiều đơn hàng nhưng do không đủ hạn ngạch nên Wec Saigon không thể tiếp nhận. Tìm cách mở rộng sang thị trường khác luôn là nỗi lo của ban lãnh đạo công ty vào dạo đó.

Đã có thời gian Wec Saigon nhắm đến một số nước Đông Âu như Ba Lan, Hungari… và tiếp nhận được công việc khá ổn từ các thị trường này. Nhưng sau đó, khối Đông Âu tan rã, thị trường dao động mạnh. Đang loay hoay thì một đối tác từ Trung Đông xuất hiện. Rõ ràng đây là cơ hội, nhưng làm thế nào để có thể nắm bắt được cơ hội mới là điều quan trọng. Ông Lộc kể: lúc bấy giờ công ty hoàn toàn không có thông tin gì về thị trường này nhưng nghe nói khách hàng đã tiếp xúc với một số nhà máy lớn ở TPHCM thì khả năng khách đặt hàng cho công ty là rất nhỏ. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm đến gặp đối tác đề nghị cung cấp một số vải mẫu để làm thử.

Để làm sản phẩm mẫu cho khách, các doanh nghiệp khác chỉ chọn một mẫu và giao cho khách xem, trong khi đó, Wec Saigon may tổng cộng 20 mẫu và đem tất cả cho khách hàng xem. Họ đã khá ấn tượng khi nghe công ty giải thích “nếu chỉ giao một sản phẩm mẫu, khách sẽ khó thấy hết được các các lỗi trên sản phẩm, qua 20 mẫu này, công ty muốn nghe khách chỉ ra hết lỗi để rút kinh nghiệm”. Chính điều này đã khiến phía đối tác chọn Wec Saigon mặc dù là doanh nghiệp nhỏ hơn nhiều so với các đơn vị mà khách tiếp xúc trước đó.

“Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ rằng đây là một khách hàng trung bình nhưng đến khi được khách đặt hàng, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu mới biết rằng đây là một nhãn hiệu hàng đầu về chất lượng tại Ảrập”, ông Lộc kể. Để bảo đảm được sự thành công bền vững, Wec Saigon đã đề xuất và được khách hàng chấp nhận là sẽ giao cho làm những sản phẩm đơn giản trước để làm quen với thị trường.

Trước đây, với thị trường châu Âu, công ty chủ yếu cung cấp quần áo trẻ em từ 1 tháng đến 16 tuổi và có đến 12 kích cỡ khác nhau trong một đơn hàng. Nay với mặt hàng áo Ảrập, công ty đã phải lập đến gần 150 bộ rập với kích cỡ khác nhau, chưa kể là có khá nhiều chi tiết của trang phục được thay đổi thường xuyên theo mùa như cổ, nẹp, túi, tay áo…

Tuy thận trọng, nhưng với đơn hàng đầu tiên sản xuất áo Ả rập, Wec Saigon phải mất gần sáu tháng mà vẫn không giao được hàng vì lượng mẫu mã, kích cỡ và yêu cầu đóng gói khá phức tạp, đặc biệt là khách không cho đóng gói khác với quy định (còn gọi là broken assortment). “Với đơn hàng cho mùa đông, mỗi thùng 12 áo phải đóng sáu màu, hai kiểu và mỗi đơn hàng 1.500 thùng đã có trên 50 kích cỡ khác nhau mà trình độ quản lý lúc bấy giờ chưa theo kịp yêu cầu, có lúc chúng tôi tưởng là phải đầu hàng rồi”, ông Lộc chia sẻ.

Công ty đã phải gửi một bức fax dài ba trang để giải thích về sự chậm trễ và xin lùi thời hạn giao hàng. Mãi đến sáu tháng sau lô hàng đầu tiên mới được xuất xưởng, người đại diện khách hàng đến và “đập” sâm-panh giống như hạ thủy tàu, cả xưởng may mừng rỡ!

Nhưng mọi người vẫn chưa yên tâm vì còn chờ phản ảnh của khách về chất lượng. Hai tháng sau đó, khách hàng phản hồi: hàng đã phân phối xong, yêu cầu lớn nhất là Wec Saigon phải kiểm soát được tiến độ! Một mở đầu vất vả nhưng thành công và từ đó đến nay, công ty liên tục sản xuất và mở rộng đến ba khách hàng mà hầu hết là những thương hiệu lớn tại thị trường Ảrập Saudi và Trung đông.

Hướng đến tỷ lệ 30%

Tính đến năm 2007, tức là sau 15 năm chính thức sản xuất, hầu hết mọi người trong công ty đều cho rằng năng suất của công ty đã đạt đỉnh và khó có thể tăng lên được. Tuy nhiên, năm 2008, áp lực của lạm phát trong nước khiến đời sống công nhân sút giảm. Sau nhiều lần làm việc với khách để đề nghị tăng giá và kết quả chỉ là một mức tăng không thể bù đắp được tốc độ trượt giá, công ty buộc phải tìm đến các giải pháp cải tiến.

Nhiều ý tưởng được đưa ra, một vài công nghệ được thử nghiệm, kể cả việc tham gia vào một số dự án về năng suất của các nhà nghiên cứu trong nước. Cuối cùng, công ty đã chọn giải pháp ứng dụng sản xuất tinh gọn (lean manufacturing) với sự hợp tác từ Trung tâm Đào tạo dệt may IGTC. Sau hơn sáu tháng áp dụng, kết quả đạt được khá khả quan, năng suất lao động tăng 8% và mức lương của người lao động tăng thêm 12%. Giải pháp này đã giúp doanh nghiệp có thể tồn tại trong điều kiện giá xuất khẩu không tăng, thậm chí có giai đoạn còn bị sụt giảm. Đã có nhiều đoàn doanh nghiệp đến Wec Saigon để chia sẻ, tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Ông Lộc cho biết hiện nay, công ty đang đặt ra yêu cầu cho đội ngũ quản lý là từ nay đến cuối năm phải triệt tiêu cho được mức lương dưới 2 triệu đồng. Ông Lộc giải thích mục tiêu này có thể chẳng là gì đối với nhiều doanh nghiệp khác tại TPHCM, tuy nhiên đối với một doanh nghiệp may đang trong thời kỳ khủng hoảng, và sản phẩm bị cạnh tranh một cách trực diện với Trung Quốc tại thị trường Trung Đông thì mục tiêu trên là một thách thức cho đội ngũ quản lý trong công ty.

Hiện mỗi năm Wec Saigon xuất cho thị trường ẢRập Saudi hơn 2 triệu sản phẩm so với con số cách đây năm năm chỉ khoảng 1 triệu sản phẩm/năm. Ngoài sản xuất tại chỗ, trong những năm qua, do sự khan hiếm lao động, chi phí tại thành phố ngày càng tăng, đồng thời với yêu cầu phát triển để đạt được những mục tiêu đã đề ra, công ty cũng đã triển khai thêm bốn nhà máy vệ tinh tại các tỉnh phía Nam như Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh. Hiện công ty có 1.500 công nhân, trong đó chỉ có 500 công nhân làm việc tại TPHCM.

Với năng lực hiện nay, khách hàng đánh giá chỉ riêng Wec Saigon đã chiếm khoảng 20% sản phẩm áo tại thị trường ẢRập Saudi, hiện công ty đang cố gắng xây dựng chiến lược riêng cho mình để phấn đấu nâng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2012. “Về lâu dài, cơ sở sản xuất chính của Wec Saigon sẽ tập trung tại một điểm ở đồng bằng sông Cửu Long, còn nhà máy sản xuất tại TPHCM chủ yếu đóng vai trò thử nghiệm công nghệ mới và tập trung cho những đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao”, ông Lộc cho biết.

Khôi Nguyên

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Giao dịch cổ phiếu sau IPO: Cần bám sát danh sách cổ đông (09/07/2009)

>   Quản trị nhà đầu tư: DN còn lơ là (09/07/2009)

>   ACBR dự định mở dịch vụ repo bất động sản (09/07/2009)

>   Phương thức giao dịch tại UPCoM linh động hơn (09/07/2009)

>   MB sẽ tăng vốn lên 5.300 tỉ đồng (09/07/2009)

>   Ngày mai Vietinbank sẽ công bố giá chào sàn (08/07/2009)

>   Cổ phiếu UPCoM giảm đều (08/07/2009)

>   VietinbankSC nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu tại HNX (08/07/2009)

>   6 tháng, VietABank thu về hơn 136 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (08/07/2009)

>   Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp công bố thông tin (08/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật