Giao dịch cổ phiếu sau IPO: Cần bám sát danh sách cổ đông
Sau khi đấu giá cổ phần, bao giờ NĐT cũng phải mất một khoảng thời gian chờ đợi công ty chuyển đổi mô hình hoạt động, thay đổi giấy phép kinh doanh, chốt danh sách cổ đông và tổ chức ĐHCĐ thành lập. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó nhiều NĐT phát sinh nhu cầu chuyển nhượng cổ phiếu và trên thực tế điều này đã diễn ra khá nhiều.
Trước đây, khi thị trường tăng nóng còn xuất hiện cả việc giao dịch quyền mua cổ phiếu trúng đấu giá. Làm thế nào để quản lý các giao dịch này, hạn chế rủi ro cho NĐT? ĐTCK ghi nhận một số ý kiến thành viên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX)
Việc giao dịch các giấy tờ liên quan đến đấu giá thì về cơ sở pháp lý hiện chưa có. Giả sử các DN vẫn cho chuyển nhượng thì đấy là việc làm giữa NĐT và DN đó. Theo Luật Chứng khoán thì công ty đại chúng phải lưu ký số chứng khoán mới được giao dịch. Hiện bên ngoài thị trường, sau khi đã chốt danh sách cổ đông NĐT vẫn làm việc trực tiếp với DN để chuyển nhượng như trường hợp của MB, Eximbank.
Các CTCK quản lý sổ cổ đông trước đây được làm xác nhận chuyển nhượng, nhưng bây giờ thì phải qua lưu ký mới được giao dịch. Theo lộ trình thực hiện lưu ký và đăng ký giao dịch của công ty đại chúng thì chỉ sau khi đưa vào lưu ký tại Trung tâm Lưu ký và đăng ký giao dịch mới được chuyển nhượng.
Ông Nguyễn Thọ Phùng, Phó giám đốc CTCK Công thương (Vietinbank SC)
Vấn đề nằm ở chỗ cách thức tổ chức như thế nào cho hợp lý, phòng ngừa rủi ro. Thủ tục chuyển nhượng phải chứng minh được người bán là người sở hữu hợp pháp số cổ phiếu đó. Trong trường hợp có sổ cổ đông rồi thì đơn giản, nhưng nếu chưa có sổ thì thủ tục này sẽ tùy theo mỗi CTCK quản lý cổ đông quy định. Với thủ tục chuyển nhượng ở CTCK Vietinbank SC, người có nhu cầu chuyển nhượng phải mang chứng minh thư, giấy thông báo kết quả đấu giá, phiếu nộp tiền đúng tên của mình đi cùng người nhận chuyển nhượng đến CTCK quản lý sổ cổ đông. Sau đó, CTCK sẽ làm một hợp đồng 3 bên chuyển nhượng cổ phiếu, có bên mua, bên bán và cơ quan quản lý sổ cổ đông ký xác nhận. Trên phiếu thông báo kết quả đấu giá, CTCK sẽ ghi ngày, tên người chuyển nhượng cho người nhận chuyển nhượng và ký, đóng dấu. Nếu chuyển nhượng hết, CTCK sẽ thu lại toàn bộ thông báo kết quả trúng đấu giá. Người nhận chuyển nhượng sẽ được giao một bản hợp đồng chuyển nhượng và cơ quan làm thủ tục đã thay đổi tên trên danh sách sổ cổ đông, người nhận chuyển nhượng sẽ giữ hợp đồng để chứng minh tính hợp pháp của việc sở hữu cổ phiếu. Nếu người chuyển nhượng vẫn còn một phần cổ phiếu thì CTCK chỉ cho phép chuyển nhượng phần còn lại ghi trên giấy thông báo kết quả và đối chiếu trên danh sách sổ cổ đông.
Theo tôi, để đảm bảo an toàn, khi nhận chuyển nhượng, NĐT phải đến CTCK quản lý sổ cổ đông để làm thủ tục trên sổ cổ đông. Nhiều NĐT không hiểu điều đó dẫn đến bị lừa đảo.
Ông Lê Hải Trà, Uỷ viên thường trực HĐQT Sở GDCK TP. HCM (HOSE)
Những giao dịch mua - bán suất trúng đấu giá cổ phần từng khá phổ biến trước đây và đó là giao dịch thỏa thuận dân sự, thật khó mà đảm bảo an toàn cho những giao dịch đó khi bản thân những người tham gia giao dịch dù nhận thức được rủi ro song vẫn tham gia. Nếu chừng nào thủ tục hậu đấu giá cổ phần còn kéo dài, thì rủi ro trong mua - bán giấy viết tay còn xảy ra. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản chất của vấn đề thì có thể thấy đây là tính hạn chế của cả hệ thống chứ không phải chỉ có trách nhiệm của tổ chức phát hành, bản thân DN thực hiện IPO cũng muốn nhanh chóng hoàn tất thủ tục chuyển đổi hoạt động sang mô hình CTCP để có danh sách cổ đông, song có thể vì những lý do nào đó, thủ tục này bị chậm lại và kéo dài.
Để khắc phục hạn chế trên, nên chăng nhìn nhận ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, trước khi tiến hành đấu giá cổ phần, mọi thủ tục liên quan đến việc chuyển đổi DNNN, công ty TNHH sang hình thức cổ phần nên được hoàn tất. Sau khi IPO hoàn tất, DN chỉ mất khoảng thời gian ngắn để chuyển hình thức hoạt động, để có thể cấp sổ cổ đông và xác thực cho những cổ đông có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần. Thứ hai, cần đề cao tính công khai, minh bạch bằng cách gắn IPO với niêm yết. Ở các TTCK khác, đây là yêu cầu bắt buộc, song ở Việt Nam, vấn đề này chưa mấy được chú trọng. Sớm niêm yết cổ phần sẽ giúp giao dịch của NĐT bớt rủi ro hơn, những hành vi vi phạm pháp luật do vậy được giảm thiểu.
Ông Phạm Linh, Tổng giám đốc CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS)
Giao dịch mua - bán cổ phần trong khoảng thời gian chờ sổ cổ đông hàm chứa nhiều rủi ro, tương tự như giao dịch mua - bán đất đai viết tay một thời xảy ra nhiều vụ lộn xộn, lừa đảo. Với VIS, nếu mua cổ phần hoặc thực hiện repo cổ phiếu sau IPO, chúng tôi chỉ xem xét những trường hợp NĐT đấu giá thông qua VIS. Nắm được thông tin gốc, giấy tờ gốc của NĐT mới có thể đảm bảo tính an toàn. Theo các quy định hiện hành, trong thời gian chờ sổ cổ đông sau IPO, NĐT không được mua - bán suất mua trúng đấu giá, nhưng trên thực tế các giao dịch vẫn diễn ra. Người ta mua - bán dựa trên niềm tin với nhau là chủ yếu, nên bên mua phải chấp nhận rủi ro cao. Cá nhân tôi thì cho rằng, trong những thương vụ như vậy NĐT nên cân nhắc và tốt nhất là không tham gia.
Nhóm PV
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|