ACBR dự định mở dịch vụ repo bất động sản
Công ty cổ phần địa ốc ACB (ACBR) đang có ý định đưa vào áp dụng một dịch vụ tài chính gọi là repo bất động sản. Tuy nhiên, việc này chưa được triển khai vì cần có thời gian để huy động vốn từ các cổ đông.
Ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty ACBR, cho biết dịch vụ này không mới, xuất phát từ một số ý tưởng từ chứng khoán, nhưng đang cho thấy nhiều tiềm năng ở thị trường bất động sản hiện nay.
Thuật ngữ repo (repossession of merchandise or property) là mua lại hàng hóa hoặc bất động sản mà người sở hữu đang gặp khó khăn về tài chính để thanh toán cho bên bán. Việc thỏa thuận mua bán thường có thời hạn nhất định. Dịch vụ repo bất động sản vốn còn khá mới lạ ở thị trường, cũng sẽ được áp dụng trên tinh thần đó.
Theo giải thích của ông Hải, dịch vụ repo bất động sản nhắm vào đối tượng sở hữu nhà, căn hộ đang muốn có tiền làm ăn nhưng lại không thể vay ngân hàng mà cũng không muốn bán căn nhà hoăc căn hộ mà mình ưng ý. Công ty cung cấp dịch vụ repo sẽ mua lại bất động sản đó và cho phép người bán có thể mua lại căn nhà hoặc căn hộ mà mình thích trong khoảng thời gian nhất định, thường thì từ 3 - 6 tháng.
Nói cách khác, đây là giao dịch mua bán bất động sản có điều kiện thỏa thuận. Theo đó, công ty sẽ mua với giá thỏa thuận, thanh toán đủ tiền cho người bán, sang tên và nhận nhà. Người bán có quyền mua lại căn nhà của mình khi có nhu cầu theo giá đã bán, bất chấp giá bất động sản tại thời điểm sau này lên hoặc xuống.
Tương tự như vậy với dịch vụ mà ACBR dự định triển khai, khách hàng sẽ mua lại bất động sản đó bằng với giá đã bán cho ACBR, cộng thêm chi phí chênh lệch, thường luôn cao hơn lãi suất của các ngân hàng.
Giả sử một căn nhà được định giá khoảng 2 tỉ đồng, và chi phí khoảng 2%/tháng. Nếu sau ba tháng người bán muốn mua lại căn nhà đó thì phải trả số tiền là 2 tỉ đồng, cộng thêm 120 triệu đồng tiền chênh lệch (2 tỉ đồng x 2% x 3 tháng).
Theo thỏa thuận thì trong thời gian đó công ty repo bất động sản không được bán cho bên thứ ba, nhưng được quyền khai thác kinh doanh, chẳng hạn như cho thuê lại. Sau thời gian thỏa thuận, người sử dụng dịch vu repo không muốn mua lại bất động sản thì bất động sản đó sẽ thuộc về công ty này. Lúc đó công ty mới có quyền bán cho bên thứ ba.
Ông Hải cho biết, đây không phải là hình thức "giải cứu" các nhà đầu tư bất động sản kẹt vốn và phải trả lãi suất ngân hàng cao, mà đơn thuần chỉ là dịch vụ kinh doanh bất động sản. Trong đó, công ty vừa kiếm được lợi nhuận, vừa đáp ứng được nhu cầu khách hàng muốn mua lại bất động sản mà họ không muốn bán đứt.
Theo ông Hải, một khi thực hiện thì công ty này sẽ chỉ chọn lọc nhà, căn hộ của các dự án bất động sản có khả năng mua bán được mới tham gia để tránh rủi ro.
Thông thường, các công ty dịch vụ repo bất động sản luôn định giá thấp hơn giá thị trường, vì ngoài khả năng mua được nhà giá rẻ cũng có khả năng sẽ phải "ôm" luôn bất động sản đó một khi định giá sai.
Đình Dũng
TBKTSG ONLINE
|