Thứ Sáu, 24/07/2009 15:49

Bong bóng mới từ việc nới lỏng tiền tệ châu Á

Với sự lạc quan quá mức, châu Á đang tự mình chuốc lấy gánh nặng lớn với những thị trường tăng trưởng quá nóng, tương tự như thị trường nhà đất Mỹ vài năm trước đây – và bờ vực sụp đổ, một lần nữa, có thể xảy ra.

Chưa đầy 10 tháng trước đây, lo ngại lớn ở châu Á là khu vực sẽ trải qua một cơn sốt xây dựng từng có ở Mỹ. Và điều đó cũng là một nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng tài chính

Các thị trường chứng khoán lao dốc, xuất khẩu sụt mạnh, tăng trưởng kinh tế giảm. Giá bất động sản ở Trung Quốc và một số nơi khác giảm mạnh khi tín dụng bị thắt chặt, người mua quay lưng. Thị trường châu Á đứng bên bờ vực hoảng loạn.

Nhưng giờ đây, với tốc độ đáng ngạc nhiên, lo ngại ở châu Á lại là sự trở lại của tầng lớp đầu tư muốn kiếm lời nhanh chóng khi khu vực có các dấu hiệu phục hồi kinh tế. Thậm chí, một số nhà kinh tế học cảnh báo, cơn sốt giá nhà đất lại xảy ra.

Giá bất động sản và chứng khoán đang tăng mạnh ở rất nhiều vùng châu Á. Ví dụ, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng hơn 80% trong năm nay, chứng khoán Indonesia tăng 57%. Mặc dù các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 3, nhưng tới nay chỉ số S&P 500 chỉ tăng chưa đầy 6% kể từ 1/1.

Có vẻ mâu thuẫn khi nói rằng, cần phải hoài nghi những xu thế lạc quan ở châu Á. Giá tài sản cao hơn nghĩa là các gia đình đã cảm thấy vững vàng hơn về tài chính, và chi mạnh tay hơn cho tiêu dùng, qua đó tạo đà để kinh tế khu vực phục hồi trở lại.

Nhưng, ở đây tiềm ẩn một rủi ro là, tình hình tài chính giờ đây có thể dẫn tới lạc quan quá mức hay đầu cơ làm tăng giá. Nếu nó xảy ra ở thực tế, châu lục này có thể lại tự mình chuốc lấy gánh nặng lớn với những thị trường tăng trưởng quá nóng, tương tự như thị trường nhà đất Mỹ vài năm trước đây – và bờ vực sụp đổ, một lần nữa, có thể xảy ra.

"Có những mầm mống đang được gieo rắc cho phát triển bong bóng của châu Á", nhà kinh tế học Frederic Neumann của HSBC nói trong một báo cáo gần đây. "Thế giới không thay đổi, nó chỉ dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác”.

"Rất dễ tìm thấy tiền ở Trung Quốc"

Nguồn gốc của phát triển bóng bóng, có lẽ phần nào được tạo ra bởi chính sách của các chính phủ châu Á. Để phản ứng với cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu năm 2008, các nhà hoạch định chính sách từ New Delhi đến Tokyo đã nhanh chóng cắt giảm mạnh lãi suất, bơm lượng tiền lớn vào lĩnh vực tài chính với nỗ lực giữ vững dòng chảy vay nợ và tăng trưởng kinh tế.

Đây là những bước đi rất hợp lý với các ngân hàng trung ương châu Á nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu hơn, ảm đạm hơn. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, giờ đây quá nhiều tiền đang “chuyển động”. Nguồn tiền dễ dàng chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản, đẩy giá đi quá nhanh và quá xa so với những nguyên tắc kinh tế cơ bản.

Lo lắng nhiều nhất tập trung vào Trung Quốc, khi nỗ lực kích cầu của trung ương bắt đầu có hiệu quả. Rất dễ tìm thấy tiền ở Trung Quốc. Tính tổng thể, lượng tiền cho vay mới từ ngân hàng tăng 201% trong nửa đầu năm 2009 so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1,1 nghìn tỉ USD. Trong lúc đó, sự phục hồi nhanh chóng - với tốc độ đáng ngạc nhiên là 7,9% tăng trưởng GDP ở quý hai - lại trông chờ vào tâm lý nhà đầu tư.

Thực tế phản ánh không chỉ ở sự thăng hoa của thị trường chứng khoán. Giá nhà đất tại những thành phố lớn của Trung Quốc – sau một giai đoạn ảm đạm – đang gia tăng trở lại, một phần nhờ chính sách cắt giảm thuế trong giao dịch nhà đất của chính phủ. Theo thống kê chính thức, giá nhà mới ở 36 thành phố Trung Quốc tăng 6,3% trong tháng 6 so với một năm trước đây - thời điểm thị trường bất động sản Trung Quốc tụt dốc.

Lĩnh vực đất đai hiện nay tại đại lục đang có những dấu hiệu của phát triển bong bóng. Tại Nam Kinh vào giữa tháng 7, 3.000 người đã chen chúc chờ tích kê giành quyền mua một căn hộ trong dự án phát triển mới chỉ có 600 nhà. Sau một giờ mở cửa, người mua đã đặt trước được 100 căn hộ trong số này.

Manh nha cơn sốt chứng khoán, nhà đất

Cảm tính có thể lan rộng trong cộng đồng. Nhà thầu xây dựng lớn nhất Trung Quốc - China State Construction Engineering – tháng này tuyên bố có kế hoạch tăng khoảng 7,3 tỉ USD giá trị khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Thượng Hải. Đây sẽ là lần IPO lớn nhất thế giới trong hơn một năm nay.

Nhu cầu cổ phiếu dường như sẽ vượt quá nguồn cung. Một số IPO quy mô nhỏ hơn ở Trung Quốc năm nay đều được nhà đầu tư đăng ký mua quá mức. "Chúng ta chưa hoàn toàn ở trong một sự phát triển bong bóng”, David Cui, nhà chiến lược của Merrill Lynch tại Thượng Hải nói. "Nhưng rủi ro là ở đó, nó giống như sự chuyển hướng đột ngột, đặc biệt kể từ khi được tiếp sức từ nguồn tiền cho vay một cách dễ dàng”.

Tình hình tương tự cũng diễn ra ở nhiều nơi châu Á. Tại Singapore, giá nhà đất gia tăng bất chấp sự suy thoái của đất nước. Trong khi GDP quý hai có thể giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, thì chỉ số mua bán - chỉ số chính thể hiện tình hình thị trường nhà đất địa phương mà Cơ quan Nhà ở và Phát triển Singapore đưa ra lại tăng 5% trong quý hai - một trong những mức cao nhất mọi thời đại.

Theo HSBC, tại Hong Kong, thành phố nổi tiếng vì sự bùng nổ và phá sản trong thị trường nhà đất, giá cả đã tăng trở lại từ “mức sàn” năm ngoái và đang trên đường lấy lại “đỉnh cao” thiết lập vào giữa 2008.

Các nhà hoạch định chính sách có thể bắt đầu lo lắng khi giá tài sản đẩy lên quá nhanh. Ví dụ, ngân hàng trung ương Trung Quốc trong tháng 7 đã bán trái phiếu ở mức lãi suất cao nhất năm nay - một dấu hiệu cho thấy chính phủ có thể bắt đầu thắt chặt tín dụng. Nhưng rất nhiều nhà kinh tế tin rằng, các nhà hoạch định sẽ không “mạnh tay” kiểm soát chính sách tiền tệ và biện pháp kích cầu, phần vì sợ ảnh hưởng tới sự hồi phục mới bắt đầu của châu Á trong khi nền kinh tế toàn cầu còn yếu.

"Nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ không làm gì trong năm nay để thắt chặt tiền tệ”, Andy Rothman, một nhà kinh tế của hãng môi giới CLSA có trụ sở ở Thượng Hải nhận định. "Phục hồi mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu”.

Rothman tin là giá cả ở Trung Quốc chỉ là dấu thể hiện giai đoạn đầu của phục hồi kinh tế, và không tiến gần tới rủi ro. Bất chấp sự tăng tốc ấn tượng của thị trường chứng khoán Thượng Hải, ông chỉ ra rằng, chỉ số vẫn chỉ bằng một nửa so với thời kỷ đỉnh trước đây vào cuối năm 2007. "Còn quá xa để vội vã nói về một sự phát triển bong bóng”, ông khẳng định.

Không có sự thay đổi lớn về chính sách, tình hình nới lỏng tiền tệ vẫn tồn tại, và làm cho khả năng phát triển không bền vững trở thành sự thực. Trong nền kinh tế toàn cầu lúc thăng, lúc trầm hơn bất kỳ ước đoán của người nào suốt hai năm qua, châu Á có thể đang hướng về một mối nguy khác.

Kỳ Thư (Theo TIME)

VIETNAMNET

Các tin tức khác

>   Tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị Trung Quốc chạm 4.3% (24/07/2009)

>   Nga tiến vào thị trường năng lượng châu Á-TBD (24/07/2009)

>   Trung Quốc "nhòm ngó" thép Pakistan? (24/07/2009)

>   Ford: Hoạt động kinh doanh có dấu hiệu tích cực (24/07/2009)

>   Lãi ròng của Amazon giảm 10% trong quý II/09 (24/07/2009)

>   Anh chi 1,1 tỷ bảng điện hóa hệ thống đường sắt (24/07/2009)

>   Braxin: CNI dọa kiện Áchentina lên WTO (24/07/2009)

>   Áp lực chồng chất trên vai Microsoft (24/07/2009)

>   HSBC bị phạt vì làm lộ thông tin của khách hàng (24/07/2009)

>   Châu Á - Thị trường bia rượu béo bở (24/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật