Thứ Sáu, 24/07/2009 11:35

Châu Á - Thị trường bia rượu béo bở

Chỉ cần nhìn những đám đông đang tụ tập uống bia ở những hàng quán ồn ào tại thành phố Mumbai (Ấn Độ) và Thượng Hải (Trung Quốc) là người ta có thể hình dung được ngành sản xuất bia rượu đang ăn nên làm ra thế nào tại châu Á.

Ngành bia rượu đón tiềm năng lớn

Thị trường bia rượu tại châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng như những thị trường nhỏ hơn ở Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Việt Nam, uống bia đang trở thành một thói quen phổ biến do thu nhập ngày càng tăng và giới trẻ đang có xu hướng thích không khí tiệc tùng.

Edward Chia, giám đốc điều hành của quán Timbre (Singapore) nói: "Tôi tin chắc vào sự tăng trưởng của ngành bia rượu tại châu Á và khi có nhu cầu thì tiêu thụ sẽ tăng. Theo tôi, xu hướng sẽ là: Lúc đầu, mọi người bắt đầu uống bia rồi sau đó chuyển sang rượu vang và rượu mạnh".

Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International cũng cho rằng châu Á là khu vực tiêu thụ nhiều bia nhất trên toàn cầu, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 8% trong giai đoạn năm 2003 đến năm 2008.

Giới phân tích cho rằng có một sự tương quan mạnh mẽ giữa tiêu thụ rượu bia và tăng trưởng sản lượng đầu ra của ngành này, báo trước một tương lai đầy triển vọng cho các tập đoàn giải khát khi nền kinh tế đang hồi phục.

Trung Quốc là thị trường bia lớn nhất thế giới, trong khi thị trường này ở Ấn Độ tăng trưởng từ 12 đến 15%/năm. Mức tiêu thụ bia rượu tính theo đầu người ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ 37,8 lít năm 2008 lên hơn 53 lít vào năm 2013.

Tổng giám đốc tập đoàn nước giải khát Trung Quốc Kingway Brewery, thị trường bia ở Trung Quốc sẽ tăng trưởng hai con số trong những năm tới và mức tăng trưởng sẽ lớn hơn nhiều so với các loại rượu khác.

Ông Marlous Kuiper thuộc tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho biết: "Thị trường bia rượu ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm một số lượng khổng lồ nhờ tăng trưởng dân số. Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn ở các thị trường khác như Việt Nam và Thái Lan".

Cùng với Singapore và Philippines, Việt Nam và Thái Lan đều có doanh số bán bia tăng năm 2008. Euromonitor International dự báo, tăng trưởng khối lượng ở các thị trường bia châu Á-Thái Bình Dương sẽ vượt tăng trưởng của cả thị trường bia thế giới trong những năm tới.

Vì thế, cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi các tập đoàn giải khát chịu cảnh doanh số tụt giảm ở châu Âu, Nhật Bản, Mỹ lại tăng cường hoạt động ở châu Á trong vài tháng qua, đặc biệt là khi tiêu thụ bia rượu ngày càng tăng trên toàn châu Á. Các tập đoàn này đang đặc biệt chú trọng vào hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ do thu nhập ở hai quốc gia này đang tăng lên.

Đổ bộ vào châu Á

Những tên tuổi lớn như Diageo - tập đoàn rượu mạnh lớn nhất thế giới - và Tập đoàn Kirin của Nhật Bản đang áp dụng những chiến lược đa chiều, trong đó có hoạt động mua bán, sáp nhập và lập quan hệ đối tác với các tập đoàn sở tại ở nhiều nước châu Á.

Tập đoàn Diageo cho biết trong tháng 6 đã hợp tác với nhà sản xuất rượu mạnh Shui Jing Fang của Trung Quốc để ra mắt một loại votka thượng hạng ở Trung Quốc. Diageo còn đang thương thảo mua cổ phần trong Tập đoàn United Spirits của Ấn Độ.

Ấn Độ hiện là thị trường lớn thứ hai của Ciroc - một loại votka "siêu sang" của tập đoàn Diageo. Còn loại rượu Black Label của tập đoàn đã trở thành một "thương hiệu biểu tượng" ở nước này.

Trong khi đó, tập đoàn giải khát lớn thứ ba thế giới, Heineken, đã đạt được thỏa thuận với hãng giải khát lớn nhất Ấn Độ là United Breweries để đóng chai và phân phối các thương hiệu của mình ở nước này. Trong thực tế, 8 trong tổng số 10 nhà sản xuất giải khát hàng đầu Trung Quốc đã có sở hữu nước ngoài ở một mức độ nào đó.

Hãng Kirin (Nhật Bản), nhà sản xuất bia Lager, đang nhắm khu vực Đông Nam Á để phát triển trong tương lai. Hãng này đang đàm phán với công ty mẹ của Tập đoàn San Miguel (Philippines) để mua lại mảng kinh doanh bia ở nước ngoài. Đầu năm nay Kirin đã mua 48% cổ phần của San Miguel.

Giám đốc bộ phận quan hệ nhà đầu tư của Kirin Makoto Ando, nói: "Chúng tôi gặt hái nhiều thành công ở châu Đại Dương vì thế mục tiêu tiếp theo là Đông Nam Á và Trung Quốc đại lục. Thị trường Đông Nam Á có tiềm năng tăng trưởng rất lớn".

Hiện Tập đoàn Suntory của Nhật Bản đang cân nhắc sáp nhập với Kirin và nếu thành công, một trong những tập đoàn giải khát lớn nhất thế giới sẽ ra đời.

Các thương hiệu bia, rượu ngoại đang cạnh tranh mạnh với các thương hiệu nội địa tại các thị trường châu Á, do người tiêu dùng ưa thích các thương hiệu cao cấp. Ở Ấn Độ cũng như nhiều nơi khác ở châu Á, người dân thích hàng hiệu đến mức họ đổ cả núi tiền mua túi xách tay, quần áo hàng hiệu và giờ đây là "bia hiệu" với các thương hiệu cao cấp.

Ông Vijay Rekhi, Giám đốc điều hành hãng United Spirits, cho rằng, người tiêu dùng Ấn Độ gần đây mới để ý đến nhãn hiệu các loại bia. Theo ông, ý thức về thương hiệu bia rượu cuối cùng cũng đã ngấm vào người tiêu dùng.

Thương hiệu bia Tiger của Singapore cũng đang mất dần chỗ đứng trong giới trẻ trong nước vì họ chuyển sang các loại bia ngoại có thương hiệu lớn. Edward Chia, quản lý quán bia Tibre, nhận xét: "Giới trẻ Singapore không uống nhiều bia Tiger và tìm đến các loại bia như Heineken, Erdinger hay Kilkenny".

Tin Tức/TTXVN

Các tin tức khác

>   Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng nhanh nhất trong 5,5 năm (24/07/2009)

>   Đột phá trong tư duy kinh tế ở châu Á (24/07/2009)

>   Kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 8% (24/07/2009)

>   Thép thế giới tăng nhẹ (24/07/2009)

>   IMF hoan nghênh chính sách tiền tệ của Trung Quốc (24/07/2009)

>   Để thắng thế ở những thị trường mới nổi (24/07/2009)

>   Fiat lỗ quý thứ hai trong năm 2009 (23/07/2009)

>   Cổ đông khuyên ngân hàng CIT phá sản! (23/07/2009)

>   Doanh số bán thuốc chống cúm tăng 200% (23/07/2009)

>   Các công ty chứng khoán New York có thể tránh lỗ (23/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật