Trung Quốc "nhòm ngó" thép Pakistan?
Trong “cơn khát” tài nguyên, Trung Quốc tỏ ra khá “chịu chơi” khi tìm kiếm nguyên liệu thô ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong nước.
Tập đoàn xây dựng luyện kim Trung Quốc (MCC) đang khai thác một mỏ đồng ở tỉnh Balochistan của Pakistan đã bày tỏ quan tâm đến việc mở rộng và hiện đại hóa Công ty Thép Pakistan (PSM) - nhà máy chế biến thép sáp nhập duy nhất của nước này - với chi phí lên tới 2,2 tỷ USD.
Mối lo của ngành thép Pakistan
Trong giai đoạn đầu của dự án mở rộng trên, MCC lên kế hoạch xây dựng một nhà máy mới với chi phí 1,2 tỷ USD trong hai năm tới, có khả năng sản xuất 2 triệu tấn thép mỗi năm. Trong giai đoạn hai, MCC sẽ hiện đại hóa nhà máy PSM hiện có với chi phí 1 tỷ USD nữa trong hai năm tiếp theo.
Tại cuộc hội đàm hồi tuần trước với Bộ trưởng Công nghiệp và Sản xuất của Pakistan Mian Manzoor Ahmad Wattoo, một phái đoàn của MCC đến thăm nước này cho biết việc sửa sang lại PSM có thể giúp tăng sản lượng của công ty này lên tới 3 triệu tấn/năm, từ mức 1,1 triệu tấn hiện nay. Bộ trưởng Wattoo cũng đảm bảo với phía Trung Quốc rằng quyết định cuối cùng về dự án trên sẽ được sớm đưa ra sau một nghiên cứu sâu về các đề xuất của họ.
Tuy nhiên, các nhà kinh doanh Pakistan trong lĩnh vực sắt và thép tỏ ra lo lắng các dự án này có thể ảnh hướng xấu tới các hoạt động xây dựng trong nước, và kêu gọi chính phủ quan tâm đến tình trạng thiếu nghiêm trọng nguyên liệu để sản xuất thép. Trên thực tế, từ khi PSM không thể đáp ứng được nhu cầu thép trong nước, các nhà kinh doanh trong lĩnh vực này của Pakistan đã phải nhập khẩu sắt dạng thanh nhỏ và kim loại vụn có thể cán được.
MCC là công ty đa quốc gia và đa lĩnh vực hàng đầu của Trung Quốc nổi tiếng với kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật trong công nghiệp và khả năng buôn bán quốc tế. MCC là một lực lượng chính thúc đẩy tăng trưởng của ngành công nghiệp thép Trung Quốc, và đã tiến hành xây dựng nhiều cơ sở sản xuất thép chiến lược. Công ty này đã công bố một bản báo cáo dài 500 trang về kế hoạch mở rộng PSM từ năm 2005 sau khi một phái đoàn của Trung Quốc bày tỏ quan tâm đến việc mở rộng PSM vào năm 2004.
PSM, nằm cách thành phố cảng miền Nam Karachi của Pakistan chừng 30km về phía Đông Nam, đã được sáp nhập thành một công ty trách nhiệm hữu hạn vào năm 1968, và bắt đầu hoạt động thương mại đầy đủ từ năm 1984. Tổ hợp PSM bao gồm các lò luyện than nguyên gốc, một nhà máy đá túp, các lò nung dày, lò chuyển thép, máy đúc thép thanh và thép thỏi, máy cán thép nóng và nguội, bộ phận mạ kẽm và các bộ phận phát điện 165MW, cùng nhiều thiết bị liên quan khác.
Hình ảnh của công ty này đã bị hoen ố sau các vụ thua lỗ lớn, cùng nhiều vụ bê bối về tham nhũng và quản lý tồi. Việc tư nhân hóa công ty này năm 2007 đã gây ra vụ xì-căng-đan lớn vì nó được đấu giá với một mức giá rất thấp. Vụ này đã gây ra tác động chính trị không nhỏ đối với chính phủ của Tổng thống khi đó, Tướng Pervez Musharraf, đặc biệt sau khi Chánh án tòa án tối cao đưa ra phán quyết chống lại thương vụ này.
Cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc
Lĩnh vực sắt và thép của Pakistan bị chia nhỏ rất nhiều, với gần 600 đơn vị sản xuất, nhưng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu thô cho phát triển kinh tế và tạo vốn. Sự vượt trội của PSM so với các công ty thép khác đã “tụt dốc” trong nhiều năm liền trước khi công ty bị tư nhân hóa, giảm xuống còn 30% trong tài khóa tính đến tháng 6/2006, từ mức 69% vào tháng 6/2005 và 90% trong tài khóa 2003-2004.
Vai trò của ngành công nghiệp thép tăng cao trong bối cảnh Pakistan hiện đại hóa, các công trình xây dựng nhà máy sản xuất thép đã nhanh chóng thay thế các công trình xây dựng phòng làm việc hay sân bay. Điều này được thể hiện ở phần đóng góp ngày càng tăng của ngành công nghiệp này cho ngân khố quốc gia. Thu từ thuế gián tiếp đạt 23,7 tỷ rupee (gần 300 triệu USD) vào năm 2005-2006, từ mức 13,6 tỷ trong tài khóa 2003-2004. Thu thuế trực tiếp trong lĩnh vực này cũng tăng, tuy có thất thường hơn, từ mức chỉ có 326 triệu rupee trong tài khóa tính đến giữa năm 2004, đã đạt tới gần 4 tỷ rupee trong tài khóa 2004-2005, trước khi lại bị giảm xuống còn 748 triệu vào năm tiếp theo.
Các công ty của Trung Quốc đang nhòm ngó ra nước ngoài trong khi Chính phủ của họ nỗ lực củng cố ngành công nghiệp thép, vốn trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu. Trung Quốc chỉ sản xuất được 37,5 triệu tấn thép trong năm 2007, quá ít cho với mục tiêu 55 triệu tấn của họ.
MCC không phải là công ty duy nhất của Trung Quốc bày tỏ quan tâm đến Pakistan. Năm 2007, Shanghai Baosteel Group Corporation (SBGC) cũng đã tính đến việc đầu tư xây dựng một nhà máy cán thép nguội có công suất 300.000 tấn tại nước này sau khi cùng 11 bên khác đề nghị mua 51-74% cổ phần của PSM vào năm 2006. Tháng Giêng cùng năm, một phái đoàn của Baosteel đã đến thăm một số cơ sở của PSM.
Pakistan có nguồn cung lớn sắt quặng (hơn 780 triệu tấn) - nguyên liệu thô quan trọng trong ngành sản xuất thép, và nước này dự định nhập khẩu nhà máy và các máy móc của Trung Quốc để khai thác quặng sắt. Tỉnh Balochistan có chất lượng sắt quặng tương đối tốt. Các quặng tại Chigendik và Pachinkoh, thuộc quận Chagai, được xác nhận là có trữ lượng khoảng 50 triệu tấn. Sắt quặng cũng được tìm thấy ở Dilband, thuộc quận Mastung của Balochistan, được cho là quặng có thể khai thác kinh tế lớn nhất đất nước, với trữ lượng hơn 200 triệu tấn.
MCC còn thỏa thuận với PSM tách sắt quặng từ đất sét tại mỏ đồng Saindak ở Balochistan thuộc quyền khai thác của công ty Trung Quốc. Theo một đánh giá, có thể khai thác được 50.000 – 60.000 tấn sắt quặng mỗi năm và PSM có thể thu về được 120 triệu rupee.
Quốc Thái
tuần việt nam, Asia Times
|