Wall St. tuần tới: Trông chờ số liệu nhà ở, CPI và PPI
(Vietstock) – Trong tuần tới, nhà đầu tư Phố Wall sẽ dõi theo số liệu nhà mới khởi công, CPI và các số liệu khác để có thêm nhiều bằng chứng cho thấy niềm tin phục hồi kinh tế là có cơ sở.
Nếu hoạt động trong các tuần vừa qua được xem là một trong những dấu hiệu đó thì chứng khoán đã di chuyển trong một biên độ giao dịch hẹp. Khi đó niềm tin phục hồi phải chạm trán với mối quan ngại về sự bất ổn trên thị trường lao động, giá xăng dầu và chi phí vay mượn tăng cao.
Mặc dù lần đầu tiên kể từ Tháng 1, chỉ số Dow Jones đã bước qua được ranh giới tích cực trong năm nay nhưng cả ba chỉ số chính của Mỹ chỉ tăng rất nhẹ trong tuần này.
Theo ông Fred Dickson, chuyên viên chiến lược thị trường tại Công ty D.A. Davidson ở Lake Oswego, Oregon thì: “Thị trường di chuyển lên trong phạm vi giao dịch hẹp. Giới đầu tư sẽ quan sát để biết được những ‘mầm xanh’ của nền kinh tế có tăng trưởng thêm chút nào không hay đang tàn lụi, hoặc đang chờ đợi thêm một số thông tin tốt nữa.”
Hiện chỉ số S&P 500 đang cao hơn mức thấp 12 năm ngày 9/3 39.86% và nhà đầu tư rất háo hức trông chờ thêm các dấu hiệu đảm bảo rằng sức phục hồi sẽ đủ mạnh để duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Và điều này chắc chắn sẽ giúp thị trường phục hồi rất mạnh.
Bên cạnh một trong những lĩnh vực yếu kém nhất trong nền kinh tế là các số liệu về số nhà mới khởi công, nhà đầu tư còn theo dõi rất kỹ báo cáo lạm phát ở cả cấp độ người tiêu dùng và doanh nghiệp. Được biết vào tháng trước, Chỉ số giá sản xuất (PPI) và Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều sụt giảm. Chưa hết, giới tài chính Phố Wall cũng sẽ để mắt tới sản lượng công nghiệp và mức sử dụng năng lực sản xuất cũng như số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên trong tuần.
Giá dầu quay trở lại trên mốc 70 USD/thùng, những lo lắng về lạm phát sẽ ngăn cản những nỗ lực chấm dứt suy thoái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và làm chậm lại quá trình phục hồi.
Kết thúc phiên giao dịch ngày Thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 28.34 điểm, tức 0.32%, đóng cửa tại 8,799.26 điểm. Chỉ số Standard & Poor's 500 tăng 1.32 điểm, bằng 0.14%, lên 946.21 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite giảm 57 điểm, tương đương 0.19%, xuống 1,858.80 điểm.
Tính cả tuần, Dow tăng 0.4%, S&P 500 tiến 0.7% và Nasdaq có thêm 0.5%.
Tính từ đầu năm đến nay, Dow đã nhích được 0.26%.
Thị trường sẽ biến động mạnh hơn
Trong tuần này, lo lắng về sự gia tăng của chi phí vay mượn đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ngày càng dâng cao khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã có lúc chạm mức 4% trong cuộc đấu giá hôm Thứ Tư vừa rồi.
Ông Marc Pado, chiến lược gia thị trường tại Công ty Cantor Fitzgerald ở San Francisco cho biết: “Lợi suất trái phiếu đang ở mức rất cao nếu không muốn nói là đỉnh trong đợt đi lên này. Rõ ràng là mọi việc đang chuyển hướng rất chậm.”
Yếu tố làm cho triển vọng trong tuần tới càng thêm phức tạp chính là sự hết hạn theo quý của 4 loại hợp đồng tương lai và hợp đồng tùy chọn khác nhau của Tháng 6.
Theo các nhà phân tích, sự kiện này sẽ khiến thị trường biến động mạnh hơn và khối lượng giao dịch tăng cao khi nhà đầu tư chấm dứt các hợp đồng này.
Ông Paul Mendelsohn, chiến lược gia đầu tư tại Công ty Dịch vụ Tài chính ở Charlotte, Vermont cho biết: “Đây sẽ là một tuần khá bận rộn của các thông tin kinh tế khi các hợp đồng này hết hạn. Dự đoán điều này sẽ khiến thị trường biến động dữ dội.”
Nếu như vậy, thị trường có thể phá vỡ phạm vi giao dịch gần đây. Ông cho biết thêm.
“Câu hỏi đặt ra lúc này là ‘Liệu thị trường có thể vượt qua được rào cản này mà vẫn giữ được đà tăng và có thể đi lên tiếp hay không? Tôi nghĩ giá cổ phiếu đã lên quá cao.”
Trong đợt tăng điểm vừa rồi, các cổ phiếu tài nguyên và công nghệ đã luôn giành vị trí dẫn đầu. Bất chấp mối quan ngại về lạm phát, việc giá dầu tăng cao đã giúp cổ phiếu ngành năng lượng tăng vọt.
Trong ngày Thứ Sáu, giá dầu thô tại Mỹ xác lập mốc 72.04 USD/thùng sau khi giảm mất 64 cent/thùng. Tuy nhiên, so với mức thấp 32.40 USD/thùng xác lập vào Tháng 12 năm ngoái thì giá dầu đã tăng rất mạnh.
Lạm phát được kiềm chế, thị trường nhà ỏ tiến triển chậm
Nhà đầu tư sẽ có được cái nhìn rõ nét về bức tranh lạm phát khi các số liệu sản xuất được công bố trong ngày Thứ Ba và các số liệu về giá tiêu dùng trong ngày Thứ Tư. Riêng trong ngày Thứ Ba còn có thêm số liệu về sản lượng công nghiệp.
Dự đoán, PPI Tháng Năm sẽ tăng 0.6%. Được biết trong Tháng Tư con số này tăng 0.3%.
Theo cuộc thăm dò ý kiến từ các nhà kinh tế học của Reuters, nếu không tính giá cả năng lượng và thực phẩm thì PPI trong Tháng 5 dự đoán sẽ tăng 0.1%, bằng với mức tăng của Tháng Tư.
Dự đoán CPI Tháng 5 tăng 0.3% so với Tháng Tư. Con số này trong Tháng Tư là không thay đổi. Nếu không tính giá cả năng lượng và thực phẩm, CPI Tháng 5 dự kiến tăng 0.1% sau khi đã tăng 0.3% trong Tháng Tư.
Cũng theo dự kiến, số nhà khởi công trong Tháng 5 tăng lên 490,000 đơn vị theo tỷ lệ hàng năm đã được điều chỉnh bởi yếu tố thời vụ. Còn số nhà đã được cấp phép xây dựng dự đoán sẽ tăng lên mức 500,000 đơn vị. Trong tháng trước hai số liệu này lần lượt là 458,000 đơn vị và 498,000 đơn vị.
Ông Mendelsohn cho biết thêm: “Đây sẽ là các số liệu hết sức quan trọng, giúp chúng ta biết được sự ổn định và cải thiện trong thị trường nhà đất.’
Cuối cùng, theo kết quả cuộc thăm dò của Reuters, dự kiến sản lượng công nghiệp trong Tháng 5 giảm 0.9% so với tháng trước. Còn mức sử dụng năng lực sản xuất hay tỷ lệ hoạt động của các nhà máy tại Mỹ, các công ty hàng tiêu dùng và các nhà khai mỏ sẽ trượt từ mức 69.1% trong Tháng Tư xuống 68.4% trong Tháng 5.
Phạm Thị Phước (Reuters)
|