Vốn đổ vào thị trường chứng khoán đang giảm
Trong khoảng thời gian tháng 4 và 5 khi giao dịch chứng khoán tăng mạnh từng phiên một, giá trị giao dịch mỗi phiên trên 3.000 tỉ đồng ở cả hai sàn được xem là bình thường. Thế nhưng, từ giữa tháng 6 đến nay, thanh khoản của thị trường đã không còn được như vậy.
Vốn từ ngân hàng, tổ chức giảm
Tuần cuối cùng của tháng 6, giá trị giao dịch của sàn TPHCM đạt bình quân 1.620 tỉ đồng/phiên, giảm gần 27% so với tuần trước đó, trong khi giá trị giao dịch trung bình của sàn Hà Nội là 682 tỉ đồng, giảm hơn 1/3. Phiên giao dịch ngày 29-6, giá trị giao dịch sàn TPHCM chỉ còn gần 1.100 tỉ đồng, trong khi giá trị giao dịch khớp lệnh của sàn Hà Nội đã giảm xuống dưới 500 tỉ đồng.
Ông Phạm Đỗ Chí, Phó tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ đầu tư Vina Capital cho biết dòng tiền đang có khả năng rút khỏi thị trường chứng khoán, một phần do Ngân hàng Nhà nước đang quy định các ngân hàng hạn chế cho vay tiêu dùng trở lại.
Trong khoảng thời gian thị trường chứng khoán sôi động, có giả thuyết cho rằng một phần vốn cho vay tiêu dùng từ các ngân hàng đã đổ vào thị trường. Đây là loại vốn mà mục đích sử dụng không được kiểm tra kỹ như vốn cho vay sản xuất kinh doanh, lại được cho vay với lãi suất thỏa thuận cao hơn mức trần cho vay sản xuất kinh doanh nên khá nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh loại tín dụng này thời gian qua.
Tuy nhiên mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ kiểm tra việc cho vay tiêu dùng của các ngân hàng và bước đầu tiên là yêu cầu các tổ chức tín dụng tự rà soát các khoản vay tiêu dùng để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích và báo cáo trước ngày 15-7.
Thêm vào đó, Ủy ban chứng khoán Nhà nước mới đây đã ra văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán dừng các dịch vụ repo cổ phiếu, mà theo nhiều người trong ngành thì việc này sẽ phần nào làm giảm bớt lượng vốn vào thị trường niêm yết.
Ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát của Công ty chứng khoán ACB cho biết khá nhiều nhà đầu tư thời gian qua đã thực hiện các hợp đồng repo cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết để có vốn đổ vào thị trường niêm yết, làm giá trị giao dịch hai tháng trước tăng mạnh, có phiên đến 5.000 tỉ đồng ở cả hai sàn. Một ví dụ: nhà đầu tư hiện nắm cổ phiếu Sabeco chưa niêm yết nhưng đang cần vốn để mua chứng khoán nên sẽ bán cổ phiếu này lại cho công ty chứng khoán với giá rẻ và cam kết sẽ mua lại lượng cổ phiếu đó sau một khoảng thời gian với mức giá cao hơn. Phần chênh lệch giá này sẽ bằng lãi suất cho vay của ngân hàng.
Thế nhưng, do Ủy ban Chứng khoán cấm thực hiên dịch vụ này nên công ty chứng khoán phải yêu cầu nhà đầu tư mua lại cổ phiếu của mình và những người này buộc phải bán cổ phiếu đang có trên sàn để có tiền mua lại các cổ phiếu đã repo. “Trên thị trường có khoảng 100 công ty chứng khoán, chỉ cần mỗi công ty dùng 5 tỉ đồng cho dịch vụ này và hiện nay phải dừng lại thì một số vốn không nhiều nhưng cũng không phải ít đã bị rút hẳn khỏi thị trường”, ông Khiêm giải thích.
Theo chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí, giảng viên trường Đại học Kinh tế TPHCM, việc nguồn tiền đổ vào chứng khoán ngày càng thấp là do tình trạng ngân hàng, các công ty chứng khoán cũng đang hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán. Đây là các khoản vay mà ngân hàng cho nhà đầu tư vay thông qua các công ty chứng khoán với tài sản thế chấp là các cổ phiếu. Tuy nhiên, do e ngại rủi ro và thời gian gần đây các ngân hàng đang chạy đua tăng lãi suất huy động, nên lãi suất cho vay các khoản vay cầm cố này cũng đã tăng lên và ngân hàng chỉ cho vay một số mã có thanh khoản tốt. Ngân hàng BIDV đã tăng lãi suất cho vay lên 12%/năm, còn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tăng từ 12% lên 14%/năm.
Bên cạnh đó, ông Chí cho biết nhà đầu tư hiện cũng không dám mạo hiểm với nguồn vốn vay này khi dấu hiệu phục hồi của thị trường chưa rõ nét. Do vậy, dư nợ cho vay cầm cố thông qua công ty chứng khoán cũng giảm.
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc chi nhánh TPHCM của Công ty chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong tháng 5, dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán của Agribank thông qua chi nhánh của ông là 150 tỉ đồng, nhưng hiện đã giảm gần một nửa. “Thị trường chứng khoán chưa có xu hướng rõ ràng như hiện nay khiến nhà đầu tư không dám dùng tiền vay để kinh doanh vì sợ chứng khoán sẽ giảm trở lại”, ông Minh nói.
Còn ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính thuộc ban đầu tư của Ngân hàng Eximbank cho rằng các tổ chức đầu tư tài chính, kể cả quỹ đầu tư và các công ty sản xuất kinh doanh có mảng đầu tư tài chính đã đạt được kế hoạch lợi nhuận của quí 2 nên bắt đầu thận trọng trong việc tham gia đầu tư tiếp trong điều kiện thị trường hiện nay. “Tôi cho rằng từ đây đến giữa tháng 7, tính thanh khoản của thị trường sẽ tiếp tục giảm dần”, ông Hiển nói.
Nhà đầu tư cá nhân thận trọng
Thị trường chứng khoán đã “lình xình” gần nửa tháng nay và dự đoán của các chuyên gia về khuynh hướng sắp tới cũng không hoàn toàn giống nhau. Điểm chung nhất mà các bản tin nhận định thị trường của các công ty chứng khoán phát hành mỗi ngày là đề nghị nhà đầu tư nên thận trọng và cố gắng giữ một tỷ lệ nhất định tiền mặt trong tài khoản.
Ông Đinh Thế Hiển thuộc ban đầu tư của Ngân hàng Eximbank cho rằng các nhà đầu tư cá nhân đã đến giai đoạn cần xem xét lại độ an toàn danh mục đầu tư của mình, không còn dám hăng hái mua vào như hai tháng trước nữa. “Nhà đầu tư đang vào giai đoạn quan sát, không còn ở giai đoạn kỳ vọng thị trường sẽ lên cao để nhảy vào kiếm lời”, ông nói.
Ông Trương Duy Khiêm cho rằng khi thị trường lên mức 500 điểm, nhiều nhà đầu tư đã hiện thực hóa lợi nhuận của mình và nắm một lượng tiền mặt trong tay. Tuy nhiên, họ vẫn chưa vội vàng bỏ lại vào thị trường vì cho rằng chưa phải thời điểm thích hợp để mua. Ông Khiêm nói nếu báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết được công bố khả quan vào thời gian tới thì sẽ tạo được sự kích thích cho thị trường.
Còn ông Lê Đạt Chí cho rằng có thể tâm lý nhà đầu tư hiện đang quan sát cổ phiếu ngân hàng Vietcombank lên sàn và bắt đầu giao dịch từ ngày 30-6. Mức giá lúc lên sàn là 50.000 đồng thấp hơn nhiều so với mức 107.000 đồng/cổ phiếu vào lúc IPO của Vietcombank. Như vậy, “khi cổ phiếu Vietcombank được niêm yết ngày 30-6, cũng có thể một lượng tiền khá lớn sẽ quay lại thị trường”, ông Chí nói.
Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nguồn tiền vào thị trường chứng khoán cũng đang bị chia sẻ bởi những kênh đầu tư khác như bất động sản và tiền gửi tiết kiệm với lãi suất đang tăng.
Thủy Triều - Thanh Thương
TBKTSG Online
|