Vietcombank niêm yết “nửa vời”
Hôm nay 30.6, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức niêm yết trên sàn TP.HCM.
Thị trường có nhiều kỳ vọng chung quanh sự kiện này, tuy nhiên những tranh cãi về tỷ lệ cổ phần (CP) niêm yết của Vietcombank và cả Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) không đủ 20% theo quy định về công ty CP đại chúng vẫn đang xảy ra.
Chỉ niêm yết 6 - 9,8% vốn điều lệ
Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), VCB sẽ niêm yết 9,8% vốn điều lệ. Nửa tháng sau đó, Vietinbank cũng chính thức lên sàn HoSE với tỷ lệ niêm yết còn khiêm tốn hơn, chỉ là 6% vốn điều lệ. Tỷ lệ niêm yết của cả 2 ngân hàng “khủng” này đều không đáp ứng đủ 20% vốn đại chúng theo quy định. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đó chỉ là một sự niêm yết nửa vời. Việc 2 ngân hàng lớn này được đặc cách vượt qua cả khung pháp lý và tạo thành tiền lệ không tốt cho các công ty sau này.
Ông Lê Đạt Chí, chuyên gia tài chính tại TP.HCM, cho rằng,việc niêm yết nửa vời kiểu này sẽ gây ra khá nhiều hệ lụy. Đầu tiên là với tỷ lệ sở hữu lớn của cổ đông Nhà nước, các cổ đông này sẽ hoàn toàn khống chế các cổ đông nhỏ. Các cổ đông nhà nước có thể tự lập ra đại hội đồng cổ đông, có thể tự thông qua các nghị quyết mà không cần đến sự hiện diện của cổ đông nhỏ... Như vậy, các cổ đông nhỏ sẽ phải chịu lép vế. Điều này đồng nghĩa, hệ thống quản lý của Vietcombank, Vietinbank vẫn giữ nếp cũ cho dù nó đã được cổ phần hóa và niêm yết.
Thứ hai, nếu như HoSE đã từng áp dụng quy định của Nghị định 14/2007/NĐ-CP không nhận nhiều trường hợp niêm yết trước đây do không bảo đảm quy định “tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông nắm giữ”, trong khi nay lại chấp thuận niêm yết cho Vietcombank là không công bằng. Điều này cũng được chính HoSE quy định trong Quyết định 168/QĐ-SGDHCM năm 2007. Hệ lụy thứ 3 là, khi Vietcombank hay Vietinbank tiếp tục niêm yết thêm CP chắc chắn sẽ làm thiệt hại các cổ đông hiện hữu, vì mỗi khi niêm yết thêm sẽ tạo nên một lực bán mạnh trên thị trường khiến CP giảm giá.
Một chuyên gia tài chính khác cũng cho rằng, việc làm không theo chuẩn của Vietcombank là một hành động "chữa cháy" cho lời hứa niêm yết để đạt được mục đích phát hành trước đây. Nếu không có lộ trình niêm yết thì CP không hấp dẫn và khó có thể có giá cao gấp hàng chục lần như thời điểm Vietcombank thực hiện IPO. "Đã có nhiều trường hợp không thực hiện lộ trình niêm yết như cam kết. Một ngân hàng lớn như Vietcombank thì không thể lờ đi lời hứa của mình nhưng lại thực hiện không theo luật lệ gì hết. Điều này tạo ra tiền lệ không tốt cho thị trường" - chuyên gia này nói. Cũng theo chuyên gia này, niêm yết không chỉ tạo thanh khoản cho CP mà còn nhiều vấn đề quan trọng khác. Đơn cử như sự tham gia của cổ đông bên ngoài. Với tỷ lệ niêm yết chưa tới 10% như Vietcombank thì áp lực đại chúng trong tất cả mọi vấn đề đều không có.
Nếu niêm yết toàn bộ...
Nếu Vietcombank và Vietinbank niêm yết toàn bộ CP thì sao? Ông Lê Đạt Chí cho rằng, đây cũng không phải là giải pháp hay. Lấy việc niêm yết của Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc (ICBC) năm 2006 làm ví dụ. Việc niêm yết toàn bộ CP trong đó có cả những CP không giao dịch của ICBC đã gây tác động mạnh đến thị trường, trong khi ICBC có một lượng lớn CP không được giao dịch. Điều này đã tạo cơ hội cho một số nhà đầu tư dễ dàng làm giá “chỉ số thị trường” thông qua việc giao dịch CP của ICBC. Tương tự, Vietcombank có đến gần 1,21 tỉ CP, do đó sức ảnh hưởng của CP Vietcombank lên VN-index là rất lớn. Vì vậy, chỉ cần thao túng được CP Vietcombank, những nhà đầu cơ hoàn toàn có thể thao túng luôn tâm lý cả thị trường. "Khó có giải pháp thích đáng đối với Vietcombank cho dù nó được niêm yết một phần hay toàn phần. Nguyên nhân sâu xa của những rắc rối trên không gì khác đó chính là Nhà nước chưa xác định đúng mục tiêu của Vietcombank ngay khi cổ phần hóa" - ông Chí nói.
Nguyên Hằng
Thanh niên
|