Vĩnh Long: Siêu dự án “trùm mền”
Nhiều “siêu dự án” có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng được lập ra ở Vĩnh Long nhưng đến nay vẫn “nằm im bất động”. Đất đai theo đó bị bỏ hoang cho cỏ mọc còn người nông dân mất đất thì phải chạy ăn từng bữa.
Nổi tiếng nhất trong số các “siêu dự án” đang bị “trùm mền” là kế hoạch xây dựng nhà máy ximăng công suất một triệu tấn/năm, nhà máy bia công suất 100 triệu lít/năm và trung tâm dịch vụ công nghệ cao.
“Thi đua” lập dự án
Năm 2000, UBND tỉnh Vĩnh Long công bố quy hoạch tuyến công nghiệp Cổ Chiên rộng gần 250ha dọc bờ sông Cổ Chiên, bao gồm một phần thị xã Vĩnh Long và các huyện Long Hồ, Mang Thít, chia làm bảy khu. Đây vốn là nơi chuyên sản xuất gạch, ngói, gốm truyền thống của tỉnh với gần 1.000 miệng lò nung.
Năm 2002, ban quản lý dự án, ban quản lý các khu công nghiệp (BQLCKCN) Vĩnh Long tiến hành giải toả trắng hai khu bốn, năm với diện tích hơn 300.000m2 thuộc phạm vi xã Thanh Đức (huyện Long Hồ) và xã Mỹ An (huyện Mang Thít), trong đó có hơn 200 hộ dân và hàng trăm miệng lò nung gạch, gốm đang hoạt động. Theo ông Nguyễn Văn Minh, chánh văn phòng BQLCKCN Vĩnh Long, khu vực này được quy hoạch dự án xây dựng nhà máy sản xuất ximăng công suất 1 triệu tấn/năm và cảng container. Dự án này do Ximăng Hà Tiên đầu tư với tổng vốn 1.200 tỉ đồng trên diện tích 24ha.
Tuy nhiên, gần tám năm trôi qua, dự án nhà máy ximăng 1.200 tỉ đồng vẫn nằm im ỉm. Giải thích chuyện này, ông Minh dẫn lý do trục trặc thủ tục đầu tư, sau đó đến khủng hoảng kinh tế, nên nhà đầu tư chậm triển khai dự án. “Nhưng có thể khẳng định, đến nay dự án xây dựng nhà máy ximăng 1 triệu tấn/năm ở tuyến công nghiệp Cổ Chiên đã chết”, ông Minh nói.
Năm 1998, Vĩnh Long tiến hành quy hoạch khu công nghiệp Mỹ Thuận tại “khu đất vàng” rộng hơn 73ha thuộc ấp Tân Vĩnh Thuận, xã Tân Ngãi, thị xã Vĩnh Long (nay là thành phố Vĩnh Long). Đây là khu đất nằm sát sông Tiền và sông Cổ Chiên, được phù sa bồi đắp màu mỡ, vườn, ruộng tốt sum suê, vị trí hết sức thuận lợi cho phát triển du lịch sông nước miệt vườn. Năm 2000, hơn 400 gia đình nông dân ở ấp Tân Vĩnh Ngãi phải rời bỏ ruộng vườn vào sinh sống trong các khu tái định cư, nhường đất cho dự án xây dựng nhà máy bia Sài Gòn – Vĩnh Long công suất 100 triệu lít/năm, trị giá 1.000 tỉ đồng (quy mô 45ha) và trung tâm dịch vụ công nghệ cao. Nhưng cho đến nay, hai “siêu dự án” nói trên chẳng thấy triển khai, toàn bộ khu đất rộng hơn 73ha màu mỡ bị bỏ hoang cho cỏ mọc ngút ngàn. Ông Trần Văn Thành, giám đốc sở Thông tin và truyền thông tỉnh Vĩnh Long, đồng thời là người phát ngôn của UBND tỉnh, cho biết dự án trung tâm Dịch vụ công nghệ cao đã phá sản, còn nhà máy bia thì mới đây chủ đầu tư nói có thể trong quý 3/2009 sẽ khởi công xây dựng.
Nông dân xốn mắt
Mặc dù các “siêu dự án” đã gần như không thể triển khai, đất đai đang bị bỏ hoang cho cỏ mọc nhiều năm, nhưng các cơ quan hữu trách của tỉnh Vĩnh Long vẫn không chấp nhận đó là sự lãng phí tài nguyên đất. Ông Nguyễn Văn Minh và ông Trần Văn Thành đều cho biết, hiện nay tỉnh vẫn đang tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy ở tuyến công nghiệp Cổ Chiên và khu công nghiệp Mỹ Thuận, tuy nhiên tốc độ đầu tư rất chậm.
Trong khi đó, những người dân bị mất đất thì bức xúc. Ông Phạm Văn Núi ở ấp Tân Vĩnh Ngãi, cho biết trước khi bị thu hồi làm khu công nghiệp, đất được canh tác một năm hai vụ lúa, một vụ màu, vườn cây ăn trái cho thu hoạch cao, cuộc sống chưa bao giờ túng thiếu, khó khăn. Dẫu vậy, người dân vẫn chấp nhận ra đi với giá đền bù rẻ mạt, chưa tới 30.000đ/m2. “Nhưng từ khi vào các khu tái định cư sinh sống, hơn 400 gia đình bị mất đất phải làm đủ mọi nghề để chạy ăn từng bữa, cuộc sống thiếu trước hụt sau, ngày ngày nhìn hơn 70ha đất bỏ hoang cho cỏ mọc, thiệt xốn con mắt”, ông Núi bức xúc nói.
Ở tuyến công nghiệp Cổ Chiên, tình hình còn bi đát hơn. Những gia đình bị giải toả thu hồi đất để xây dựng “siêu dự án” nhà máy ximăng cho biết, họ nhận tiền giải toả bồi hoàn chưa đến 40.000đ/m2, các lò nung gạch, gốm phải tháo dỡ, di dời được bồi thường tối đa 70 triệu đồng/lò, trong khi muốn xây dựng mới phải tốn hơn 100 triệu đồng/lò. Ông Lê Văn Chiến, ở ấp An Hương 1, xã Mỹ An than thở: “Tôi có 700m2 đất trong vùng giải toả trắng, sau khi đền bù tôi được khoảng 30 triệu đồng, mua được 30m2 đất, làm sao sinh sống, sản xuất ?”
Tình cảnh những người bị giải toả thu hồi đất đã bi đát, những người chưa bị giải toả thu hồi đất ở tuyến công nghiệp Cổ Chiên cũng sống trong tâm trạng phập phồng, không biết khi nào đến lượt mình ra đi. Bà Lê Thị Thuỷ ở xã Mỹ An (huyện Mang Thít), rầu rĩ nói: “Cái dự án tuyến công nghiệp Cổ Chiên bỏ đó đã gần chục năm, là ngần ấy năm không ngày nào dân chúng tôi ăn được ngon, ngủ được yên, cũng chẳng còn bụng dạ nào lo làm ăn, suốt ngày chỉ lo chuyện bị giải toả, thu hồi đất”.
Hùng Anh
Sài gòn tiếp thị
|