Tạo đòn bẩy từ dòng xe chủ lực
Việc đổ lỗi cho nhau giữa các nhà làm chính sách và các liên doanh sản xuất ôtô về thất bại của chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô VN cần được kết thúc bằng một cái nhìn chung một mục đích: Để xây dựng ngành công nghiệp này, phải bắt đầu bằng dòng xe nào?
Thị trường ôtô VN càng nhỏ bé, càng phải chọn một tiêu điểm cụ thể.
Không thể xây dựng bằng khẩu hiệu chung chung!
Trong nhiều năm qua, vấn đề ít được đề cập nhất, và cũng là điểm yếu "chết người" của chiến lược xây dựng ngành CN ôtô VN, chính là sự chung chung mang tính khẩu hiệu: Chung chung từ chính sách ưu đãi cho DN, đến chiến lược phát triển thị trường và nội địa hoá sản phẩm.
Dung lượng thị trường ôtô VN hàng chục năm qua, tính bình quân, cũng chỉ khoảng hơn 100.000 chiếc/năm, cho rất nhiều dòng xe. Nếu DN đầu tư hàng chục, hàng trăm triệu USD vào nhà máy sản xuất phụ kiện đạt chuẩn, mà chỉ có thể sản xuất và tiêu thụ từ vài ngàn đến chục ngàn bộ linh phụ kiện cho mỗi dòng xe, thì không chỉ giá thành cao, mà DN còn lâu mới thu hồi được vốn. Chính vì thế, nhiều năm qua các LD cứ im lặng để ấm thân, thay vì cố sức nội địa hoá có khi chỉ thêm thiệt.
Đến khi các bộ, ngành hoạch định chính sách phát hiện sự khôn lỏi này của các LD thì sự cũng đã rồi. Nhưng điều đáng nói là, thấy sự đã rồi song lại để nó trôi theo... sự đổ lỗi, mà không kịp thời điều chỉnh ngay. Vì thế, sự thất bại của chiến lược xây dựng ngành CN ôtô VN mới càng trượt dài...
Phải có tiêu điểm
Rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt gần đây, cả Bộ Công Thương, cũng đã công khai đứng ra hậu thuẫn cho việc chọn dòng xe chủ lực trên thị trường để xây dựng ngành CN ôtô VN. Trước hết, đây là một nhận thức mới của một bộ có vai trò chủ đạo trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành CN ôtô VN.
Thứ hai, Bộ Công Thương cũng đã biết lắng nghe một cách có chọn lọc ý kiến đóng góp từ phía DN. Cụ thể, tháng 5 vừa qua, Toyota VN đã đại diện cho các DN trong Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) gửi kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đề nghị xem xét chính sách ưu đãi để phát triển dòng ôtô chủ lực, từ đó gia tăng lượng tiêu thụ và tỉ lệ nội địa hoá, dần tiến tới xây dựng ngành CN phụ kiện.
Việc đòi hỏi ưu đãi cần phải xem xét thêm vì không thể tiếp tục bảo hộ, song phát triển dòng xe chủ lực là hướng đi đúng. Tạo được dòng xe chủ lực trên thị trường là tạo ra thị trường rộng lớn cho dòng sản phẩm đó. Khi dung lượng của dòng sản phẩm này đạt đến mức độ nhất định, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tăng tỉ lệ nội địa hoá, giảm giá thành sản phẩm.
Cách đây nhiều năm, khi còn đương chức Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khởi xướng chương trình "Sản phẩm công nghiệp chủ lực", trong số DN thụ hưởng chương trình có Cty sản xuất ôtô Samco. Nhờ đó mà đến nay, Samco đã đi đầu về nội địa hoá trong ngành sản xuất ôtô tại VN, đạt tỉ lệ 43%.
Nhìn ra bên ngoài, nhiều nước khi xây dựng chính sách ưu đãi để phát triển ngành CN ôtô cũng bắt đầu từ những dòng xe rất cụ thể. Thái Lan từ hàng chục năm trước đã chọn dòng xe pickup (bán tải) làm đòn bẩy cho chiến lược phát triển ngành CN ôtô. Trong khi đó, Malaysia lại vun đắp cho dòng xe 5 chỗ ngồi hiệu Proton và đã làm thành thương hiệu quốc gia một cách đầy tự hào ngày nay.
Trung Quốc - dù có thuận lợi của một thị trường lớn, nhưng chính sách ưu đãi của nhà nước song hành với những cam kết chặt chẽ, buộc các LD phải chuyển giao dần công nghệ sản xuất. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cũng dành nhiều ưu đãi về thuế cho việc nội địa hoá sản xuất xe tải và tiêu thụ các dòng ôtô du lịch nhỏ ít tiêu hao năng lượng.
Với VN, câu hỏi đặt ra lúc này là chọn dòng xe nào làm chủ lực trong chiến lược xây dựng ngành CN ôtô nội địa?
Thẩm Hồng Thụy
Lao động
|