Minh bạch trong xây dựng công
Thất thoát do lãng phí và tham nhũng là một thách thức nghiêm trọng đối với đầu tư xây dựng công.
Để phòng ngừa tệ nạn này, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã đưa “công khai, minh bạch” lên hàng đầu trong số 6 công cụ được sử dụng. Luật yêu cầu phải công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản (điều 13), trong quản lý dự án đầu tư xây dựng (điều 14), về tài chính và ngân sách Nhà nước (điều 15), và quy định quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức (điều 31) và của cá nhân (điều 32).
Quy định như vậy là khá đủ, vấn đề chỉ còn ở khâu tổ chức thực hiện.
Hợp đồng xây dựng công là phương thức mua sắm công, hiện đang chiếm hơn 1/3 ngân sách, đạt khoảng 10% GDP, chủ yếu để phát triển kết cấu hạ tầng.
Đặc điểm của nguồn vốn này là khoảng 1/3 dựa vào vốn ODA. Điều này rất có ý nghĩa khi đề cập vấn đề minh bạch trong hợp đồng xây dựng công, liên quan việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Chống khép kín
Tình trạng khép kín trong đầu tư xây dựng công là di sản của thời kỳ kinh tế kế hoạch trước đây. Khi đó, mỗi bộ, ngành có nhiệm vụ quản lý kết cấu hạ tầng, ngoài việc làm chủ các dự án, còn có các đơn vị tư vấn, đơn vị nhà thầu, thậm chí đôi khi cả đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng trực thuộc.
Khi chuyển sang kinh tế thị trường, tình trạng này là trở ngại đầu tiên cho việc thực hiện công khai, minh bạch. Chính phủ và các nhà tài trợ đã gắng hạn chế tình trạng này, tuy nhiên, nó chỉ có thể bị xoá bỏ khi các doanh nghiệp Nhà nước không còn dưới sự điều hành trực tiếp của các bộ, ngành nữa.
Cơ chế vận hành minh bạch
Thị trường xây dựng nước ta hình thành cùng lúc với sự xuất hiện các nguồn vốn ODA và FDI, dần dần mới mở rộng đến các nguồn vốn khác. Khuôn khổ thể chế của thị trường này hình thành chậm, đến nay vẫn chưa đồng bộ: Luật Đấu thầu vẫn phải sửa đi sửa lại; Quốc hội đặt vấn đề rà soát các chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và một số luật khác; Bộ Xây dựng gần đây mới quan tâm đổi mới cơ chế quản lý giá xây dựng...
Cơ chế thị trường là thành phần quan trọng của thể chế thị trường, bao gồm cơ chế giá cả, cơ chế cung cầu và cơ chế cạnh tranh. Minh bạch hoá hoạt động thị trường xây dựng, trước tiên phải đảm bảo cho cơ chế thị trường được vận hành minh bạch.
Công khai, minh bạch giá cả và các yếu tố tạo nên giá cả xây dựng có ý nghĩa sống còn đối với các chủ thể tham gia thị trường này. Giá cả thị trường lại thường xuyên biến động, đặt ra vấn đề thông tin cập nhật giá cả và cách thức xử lý ảnh hưởng của nó. Biến động giá xăng dầu, giá thép trong năm 2008 làm ngưng trệ tiến độ xây dựng nhiều công trình hạ tầng lớn, là bài học đắt giá.
Giá trong hợp đồng xây dựng có nhiều loại: Giá dự toán, giá dự thầu, giá trúng thầu, giá ký kết hợp đồng, giá thanh toán, giá kết toán hợp đồng, giá quyết toán vốn đầu tư... Cần công khai, minh bạch không chỉ giá trúng thầu mà cả giá ký kết hợp đồng, giá kết toán hợp đồng và giá quyết toán vốn đầu tư vì không chỉ nhà thầu mà cả nhà tư vấn và cơ quan quản lý đầu tư xây dựng công đều cần đến các dữ liệu này. Các dữ liệu này còn phải được lưu trữ đầy đủ trong Quỹ dữ liệu xây dựng công và sẵn sàng cung cấp cho bất cứ ai có nhu cầu tham khảo giá cả các công trình “tiền lệ” khi tham gia hoạt động hợp đồng xây dựng sau này.
Để cơ chế cung cầu vận hành tốt thì phải công khai, minh bạch các dữ liệu về bên cung và bên cầu. Yêu cầu này đã được quy định rõ tại điều 13 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Tại đây chỉ lưu ý: Vì bên cầu là cơ quan chính quyền nên thông tin về bên cầu rất sơ sài, nhất là nguồn lực tài chính của nó.
Đấu thầu để lựa chọn tư vấn, nhà thầu xây dựng, nhà thầu cung ứng hiện đã được áp dụng rộng rãi trong đầu tư xây dựng công để thực hiện cơ chế cạnh tranh thị trường. hoạt động đấu thầu đã được minh bạch hoá khá nhiều, thế nhưng nó vẫn còn phải tiếp tục cải tiến để đạt hiệu quả mong muốn.
Minh bạch trong đấu thầu hiện nay chưa kết hợp với minh bạch trong khâu thực hiện hợp đồng giao nhận thầu sau đó; có nhiều lý do khiến giá trúng thầu có thể khác nhiều so với giá ký kết hợp đồng giao nhận thầu và giá kết toán hợp đồng lại càng có thể khác xa với giá trong hợp đồng.
Các lý do đó là chính đáng (như biến động giá cả đầu vào, giá trị đồng tiền, sự thay đổi thiết kế...) thế nhưng, ngành xây dựng lại chưa có hệ thống quản lý rủi ro, cơ hồ vẫn quen như thời kinh tế kế hoạch hoá, mọi rủi ro đều có Nhà nước gánh chịu.
Các lý do đó có thể bị chủ dự án cũng như nhà thầu thông đồng lợi dụng để kiếm lợi bất chính. Vì vậy, minh bạch phải xuyên suốt quá trình thực hiện dự án thì mới đem lại hiệu quả mong muốn.
Một biện pháp đơn giản để thực hiện công khai minh bạch trong đấu thầu xây dựng là Chính phủ quy định các dự án đầu tư xây dựng công có vốn đầu tư vượt mức quy định, chẳng hạn 50 tỷ đồng, phải giao cho Trung tâm Giao dịch Đầu tư xây dựng của Bộ KH&ĐT làm dịch vụ tổ chức đấu thầu chứ không giao cho Ban Quản lý dự án của các bộ hay tỉnh tự tổ chức. Có thể có ba trung tâm như vậy tại ba miền. Biện pháp này giúp hạn chế tình trạng khép kín và tăng khả năng giám sát tính minh bạch trong tổ chức đấu thầu.
Cần hệ thống giám sát, đánh giá
Hệ thống giám sát và đánh giá là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ có thể lượng định thành tích thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư xây dựng công theo các quy định của luật pháp.
Đã có một số tài liệu của WB giới thiệu hệ thống này nhằm giúp Chính phủ và chính quyền các địa phương đạt được điều hành tốt. Kinh nghiệm đã cho thấy, nếu không giám sát, đánh giá và kèm theo đó là khen thưởng và chế tài, thì chủ trương, chính sách rất dễ chỉ nằm suông trên giấy.
Công khai, minh bạch là công cụ tốt giúp đầu tư xây dựng công đạt được hiệu quả trên các mặt chi phí, chất lượng và tiến độ. Vì vậy, cần luôn luôn nắm vững mục đích của nó, nếu không thì chỉ làm tăng chi phí giao dịch một cách vô ích.
Hiển nhiên, đó không phải là công cụ duy nhất, mà chỉ là một công cụ quan trọng trong tập hợp công cụ mà Chính phủ sử dụng phối hợp.
Nhưng, công cụ chỉ là công cụ, nếu các cơ quan Nhà nước ta không đủ quyết tâm và sự khéo léo để sử dụng nó một cách hiệu quả nhất trọng đầu tư xây dựng công./
TS. Phạm Sỹ Liêm
Tổ quốc
|