Thứ Sáu, 26/06/2009 07:54

Hàng ngoại... chuyện nội

Cách đây đúng 100 năm (1909), có một người Việt thuê lại ba chiếc tàu của một hãng tàu Pháp để mở hai tuyến đường sông Nam Định - Hà Nội và Nam Định – Vinh. Giương cao ngọn cờ tinh thần dân tộc và giữ được uy tín chất lượng dịch vụ, người ấy đã đánh bại các nhà tư sản người Hoa, người Pháp... để được xưng tụng là Chúa sông Bắc Kỳ, là Vua mỏ... Người ấy chính là Bạch Thái Bưởi – nhà tư sản dân tộc lẫy lừng của VN.

Một trăm năm sau, lớp hậu sinh của cụ Bạch giờ đã được “vũ trang” đầy mình với đủ loại kiến thức, phương tiện kinh doanh, lại là công dân của một nước có chủ quyền... Nhưng có quá ít người trong số họ có đủ năng lực để làm chủ thị trường trong nước trước hàng hóa đến từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.

“Sung túc” nhờ... nhập khẩu !

Năm 2008, hãng tư vấn A.T. Kearney (Mỹ) đã khẳng định VN là nước có chỉ số phát triển kinh doanh bán lẻ (GRDI) hấp dẫn nhất thế giới với các nhà đầu tư. A.T. Kearney ước tính thị trường bán lẻ VN có quy mô khoảng 20 tỷ USD. Nhưng theo số liệu của các cơ quan của VN, thì doanh số bán lẻ năm 2008 tại VN đã vượt ngưỡng 54 tỷ USD. Năm 2009, do khủng hoảng kinh tế, chỉ số kinh doanh bán lẻ của VN đã giảm, không còn đứng vị trí số một thế giới, nhưng không vì thế mà tính hấp dẫn của thị trường ấy mất đi, nếu không nói là... ngược lại.

Người Việt đang chi tiêu mạnh tay. Đó là thực tế kéo dài từ nhiều năm và hiện đang tiếp tục được khuyến khích bởi chính sách kích cầu và sự bùng nổ của các chủng loại hàng tiêu dùng nhập khẩu. Ước tính, hết nửa đầu năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu của VN ước đạt 30,64 tỷ USD, tuy giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng vẫn cao hơn 3 tỷ USD so với kim ngạch xuất khẩu. Riêng tháng 5/2009, kim ngạch nhập khẩu đạt 5,9 tỷ USD, tuy giảm 25% so với tháng 5/2008 nhưng có dấu hiệu tăng mạnh trong nhóm hàng tiêu dùng. Chẳng hạn: nhập khẩu các sản phẩm sữa tăng 56% so với tháng trước đó, dầu mỡ động, thực vật tăng 21,6%, ôtô nguyên chiếc tăng 15,5%, xe máy nguyên chiếc tăng 18,6%... Việc tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng diễn ra cùng với sự tăng – được đánh giá là nhẹ - của nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất (chỉ khoảng 4 - 5%). Hàng hóa nhập khẩu đang là một trong những đối tượng chính tạo nên vẻ dồi dào, phong phú, đa dạng của thị trường bán lẻ VN.

Cần nhận định rằng, thị trường bán lẻ và người tiêu dùng VN đang phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Chứ không chỉ là chuyện hàng VN không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Đó là nhận định không quá lời, dù ít người muốn... tin. Hàng nhập khẩu chính thức và nhập lậu có đủ chủng loại, mẫu mã, giá cả, chất lượng, phục vụ từ người dùng cao cấp tới bình dân, thậm chí cả người nghèo. Nếu như người có thu nhập ổn định tìm tới hàng nhập khẩu (gồm cả nhập chính thức và nhập lậu) với giá cao, mẫu mã phong phú để... thể hiện “đẳng cấp” của mình, thì giới bình dân, người nghèo tìm tới hàng nhập khẩu như giải pháp tìm được đồ tiêu dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu với giá rẻ nhất. Đồ điện, điện tử, đồ gia dụng, chăn màn, thực phẩm, quần áo, giày dép... của Trung Quốc và các nước khác bày bán tràn lan, công khai tại các chợ, các cửa hàng khu vực nông thôn với giá rẻ hơn hẳn hàng cùng loại trong nước sản xuất. Tình hình tương tự cũng diễn ra ngay tại các đô thị lớn, thậm chí ngay tại các shop treo biển hàng cao cấp với đủ loại giá thượng vàng, hạ cám.

“Nước ngọt” mang vị đắng !

Hàng hóa từ Trung Quốc vào VN thông qua cả hai con đường nhập chính thức, nhập lậu. Từ năm 1999 đến nay, hàng Trung Quốc xâm nhập thành công và thực tế đang trong giai đoạn “khai thác” thị trường VN, thay vì phải cạnh tranh với hàng nội. Nếu kim ngạch nhập khẩu hàng Trung Quốc của ta năm 1999 mới là 673 triệu USD, thì năm 2008 con số ấy đã tăng lên thành... 15,652 tỷ USD. Có nghĩa, “tăng trưởng” nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc của ta có mức tăng bình quân gấp hơn hai lần so với kim ngạch năm 1999, và đã kéo dài trong gần 10 năm. Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ VN sang Trung Quốc chỉ tăng được hơn 6 lần, từ 746 triệu USD (1999) lên 4,536 tỷ USD (2008). Cho đến năm 2008, ta đã nhập siêu từ Trung Quốc tới trên 11 tỷ USD. Mặt khác, tốc độ nhập khẩu hàng Trung Quốc ngày càng tăng, tới năm 2008 đã lên tới mức kỷ lục: gần 38,5 %. Đó là chưa kể hàng nhập lậu cũng từ quốc gia này vào VN chưa có thống kê chính xác, nhưng chắc chắn phải ở mức rất lớn.

Không chỉ tăng về kim ngạch, cơ cấu mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng mạnh và mở rộng trong tất cả các loại mặt hàng từ tiêu dùng tới sản xuất, từ bình dân tới cao cấp, từ nguyên liệu tới thành phẩm. Một con số thống kê cho thấy, có 33 mặt hàng mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có kim ngạch từ 1,54 tỷ USD trở lên. Sự mở rộng của các mặt hàng và kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã đưa tới kết luận không ai muốn công nhận. Đó là thị trường bán lẻ của ta không chỉ tràn ngập hàng Trung Quốc các loại, mà sản xuất của ta cũng đang phụ thuộc không ít vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Và điều đó lý giải tại sao, suốt giai đoạn từ 1999 đến nay, các nhà sản xuất VN hiếm khi giành chiến thắng trong cạnh tranh trước hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Ngạc nhiên thay, thực tế ấy đã trở thành... bình thường từ nhiều năm. Nhưng trong giai đoạn khó khăn gần đây, mới thực sự được đánh giá là vấn đề nóng bỏng, bức xúc, là mối nguy hiểm với các nhà sản xuất trong nước.

Thành công của hàng hóa Trung Quốc trên thị trường VN nói riêng và thị trường thế giới nói chung phải khởi phát từ chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh của nước này. Trong đó, vai trò của hệ thống theo dõi, cung cấp thông tin, nghiên cứu, tổng kết và định hướng sản xuất, tác động đến thị trường là nổi bật... Do vậy, nên thừa nhận kết luận của một chuyên gia, rằng sự áp đảo về thương mại của Trung Quốc đối với VN chỉ là phần ngọn, là một mảng nhỏ của xâm nhập về kinh tế, đầu tư thương mại... Vì nếu thiếu những thành tố này, thì sự xâm nhập về thương mại khó có thể diễn ra với quy mô lớn như vậy. Vấn đề là ở chỗ, sự khao khát với hàng hóa giá rẻ, phong phú, thành tích phát triển cục bộ, có tính thời điểm đã đẩy yêu cầu về tính thận trọng, bền vững, và sự cân đối trong phát triển xuống hàng thứ yếu. Hình mẫu thành công về phát triển kinh tế, sự hấp dẫn, dễ dàng trong tiếp cận với sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc hệt như một thứ nước ngọt dễ uống. VN cũng như nhiều quốc gia khác, đã mê mải “uống” thứ nước ngọt ấy, trước khi phát hiện nó thực ra đang lấn át sản xuất nội địa.

Tiếp tục, nhưng từ đâu ?

Cần nhắc lại, người tiêu dùng VN chưa bao giờ hết khao khát với hàng hóa Trung Quốc, bất kể trong giai đoạn lịch sử nào. Những năm bao cấp, xe đạp Phượng Hoàng, phích nước, đèn pin, chăn bông, quần áo, đài điện tử... từ Trung Quốc là “chuẩn mực” hàng tiêu dùng của VN. Tới thời đổi mới, phôi thép, phân bón, máy tính, máy móc, quần áo, thậm chí cả phim ảnh... của Trung Quốc vẫn đang là mặt hàng “chiến lược”, bán chạy tại thị trường VN. Mà nếu thiếu nguồn hàng ấy, thì giá sản phẩm cùng loại trong nước sản xuất hoặc nhập khẩu từ nước khác rất có thể sẽ tồn tại ở mức độ... ngất ngưởng.

VN cũng như nhiều nước khác, luôn phải đối mặt với nạn buôn lậu. Mỗi nước đều có nhiều lực lượng có trách nhiệm chống hành vi gian lận thương mại nói chung, buôn lậu nói riêng. Nhưng kết quả chống buôn lậu của mỗi nước thì lại khác nhau. Nói điều đó để thấy, trong thực tế hàng Trung Quốc “chảy” vào VN cả bằng đường chính thức, cả bằng nhập lậu với giá trị cực lớn, có trách nhiệm của các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường... đã hoạt động thiếu hiệu quả. Nhưng cần có sự cảm thông với sự... thiếu hiệu quả này, bởi thị trường VN có khao khát thực sự với hàng giá rẻ, đa dạng của Trung Quốc, cũng như của nước khác. Thế nên, chỉ với vài lực lượng thì quá khó để ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp này. Nhất là khi hoạt động ấy là nhằm phục vụ cho nhu cầu và quyền lợi rất... hợp pháp của xã hội: sử dụng sản phẩm giá rẻ, đa dạng. Có nghĩa việc nâng cao chất lượng hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu vẫn là yêu cầu bức thiết. Nhưng cần hiểu hiệu quả ấy chỉ cao khi ý thức người tiêu dùng đã được nâng cao và bản thân hàng hóa trong nước đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa nước ngoài. Nếu hàng hóa sản xuất trong nước hấp dẫn hơn sản phẩm nhập ngoại, thì động cơ để phát sinh hành vi buôn lậu sẽ bị triệt tiêu.

Còn nữa, thực tế là hàng buôn lậu từ Thái Lan, các nước ASEAN, cũng như từ Trung Quốc, có giá rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Lý do vì các sản phẩm ấy trốn được thuế nhập khẩu (đương nhiên), nhưng cũng có lý do là bản thân giá thành sản xuất sản phẩm trong nước cao hơn giá sản phẩm nhập ngoại. Bên cạnh hàng tiêu dùng, VN đang nhập khẩu với kim ngạch rất lớn những sản phẩm nền sản xuất trong nước đang thiếu. Đó là máy móc sản xuất, nguyên liệu tinh, các loại phụ gia để sản xuất sản phẩm... Công nghiệp phụ trợ của VN vẫn đang trong tình trạng thiếu và yếu như hàng chục năm trước đó, dù quy mô nền kinh tế đã tăng gấp nhiều lần mức khởi điểm khi đổi mới. Cần phải đặt câu hỏi là vì sao một đất nước giàu tài nguyên khoáng sản như VN lại có nền công nghiệp phụ trợ kém phát triển. Đặc biệt khi nền kinh tế đã phát triển theo định hướng thị trường hướng mạnh vào xuất khẩu từ hàng chục năm trước đó ? Và như vậy, giải bài toán hàng Trung Quốc đang lấn át sản xuất trong nước, thì cần bắt đầu trong thay đổi về chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ. Đến bao giờ VN tự chế biến được nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm bán trong nước, thì hãy bàn nghiêm túc tới chuyện cạnh tranh được với hàng nhập ngoại... Nói cho cùng, VN cần áp dụng ngay các quy định kỹ thuật, thương mại trong nhập khẩu. Điều này vừa giúp VN giảm thiểu tác động môi trường, vừa ngăn chặn nguồn hàng kém chất lượng hoặc không phù hợp đang ồ ạt vào VN. Đặc biệt, VN cần thực hiện nhanh các bước quy hoạch và phát triển trọng điểm công nghiệp phụ trợ. Đây sẽ là những nhóm giải pháp tức thời để VN vừa kiểm soát nhập khẩu, ổn định và phát triển thị trường lành mạnh, vừa giúp DN trong nước có đủ thời gian chuẩn bị thích ứng với bối cảnh cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Tại sao nhà tư sản Bạch Thái Bưởi đã cạnh tranh và chiến thắng các đối thủ người Hoa, người Pháp trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng hậu sinh của cụ lại quá vất vả chỉ để “chống cự” với hàng hóa nước ngoài ? Vì lớp hậu sinh ấy thiếu tầm nhìn, thiếu chiến lược phát triển lâu dài đúng đắn, và cũng thiếu luôn cả những biện pháp tự vệ mang tính thời điểm ?

Đến bao giờ VN tự chế biến được nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm bán trong nước, thì hãy bàn tới chuyện cạnh tranh được với hàng nhập ngoại một cách... nghiêm túc. Vì sao một đất nước giàu tài nguyên khoáng sản như VN lại có nền công nghiệp phụ trợ kém phát triển như vậy ?

 

Quốc Dũng

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Cần Thơ: Tăng trưởng GDP đạt hơn 7,8% (26/06/2009)

>   Vì sao giá sữa ở Việt Nam cao nhất thế giới? (26/06/2009)

>   Thông qua Hiệp định Đối tác kinh tế VN - Nhật Bản (26/06/2009)

>   Khó có thể trông chờ vào xuất khẩu nông sản (26/06/2009)

>   Giải ngân vốn ODA đã tăng tốc (26/06/2009)

>   Hội nghị LHQ về khủng hoảng kinh tế toàn cầu (26/06/2009)

>   Phê duyệt Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia và New Zealand (25/06/2009)

>   Vinapco sẽ vẫn cung ứng xăng cho Indochina Airlines (25/06/2009)

>   Xuất khẩu gạo 6 tháng đạt 3,6 triệu tấn (25/06/2009)

>   Yêu cầu không giám sát hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ (25/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật