Thứ Hai, 08/06/2009 18:42

Việt Nam cần làm rõ chi ngân sách, vay nợ nước ngoài

Đối thoại với Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ CG giữa kỳ khai mạc hôm nay (8/6) tại Buôn Ma Thuột, các nhà tài trợ mong muốn Việt Nam tăng cường thông tin, làm rõ hơn chi tiêu đầu tư từ ngân sách.

Cân bằng hơn

Hoan nghênh các nỗ lực ứng phó với khủng hoảng và cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực xử lý, Giám đốc quốc gia của LHQ tại Việt Nam John Hendra cho rằng, Chính phủ cần làm rõ hơn những sáng kiến chống khủng hoảng của mình, làm rõ mục tiêu chính sách, đối tượng hưởng lợi, phương thức và thời gian thực hiện các biện pháp này.

“Điều này giúp Việt Nam tránh những mong đợi không có cơ sở, giúp các đối tác phát triển của Vịêt Nam nhận biết các lĩnh vực mà họ có thể hỗ trợ tốt nhất cho Chính phủ vượt qua khó khăn, tạo sự minh bạch cho các sáng kiến chính sách, tránh việc sử dụng sai tiền ngân sách”, ông John Hendra nói.

Nhắc lại thách thức giữ cho nền kinh tế không bị tròng trành trong cuộc suy thoái kinh tế đã được IMF nhấn mạnh tại Hội nghị CG tháng 12/2008, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Benedict Bingham cho rằng, cần có sự cân bằng nhạy bén giữa các mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế.

Ông phân tích, dù chủ trương ban đầu của Chính phủ chú trọng vào các chính sách thúc đẩy tăng trưởng là xác đáng, nhưng hiện tại, cần tập trung nhiều hơn vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Đáp lời, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, cân bằng và đảm bảo phát triển bền vững cũng là vấn đề Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Dù tập trung vào kích cầu, nhưng Chính phủ cũng hướng tới phát triển lâu dài, tuân thủ những nguyên tắc nhất quán: kích cầu nhưng đảm bảo nợ quốc gia không quá 40% GDP…  Đồng thời, đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế và tái cơ cấu DNNN.

Ông Phúc cho hay, vừa rồi Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế.

“Nhiều nước trên thế giới đã sa vào bẫy của nước thu nhập trung bình, Việt Nam ý thức sâu sắc điều đó và đề án tái cơ cấu nhằm tránh Việt Nam lặp lại sai lầm của các nước", Bộ trưởng nói.

Theo đó, Việt Nam sẽ tái cơ cấu mô hình phát triển, tái cơ cấu các ngành nghề trong nền kinh tế, cơ cấu lại DN, các thể chế kinh tế bao gồm hệ thống các tổ chức tài chính và ngân hàng nhằm quản lý tốt nhất.

"Việt Nam đang và sẽ nghiên cứu các biện pháp để đảm bảo phát triển bền vững”, ông Phúc cam kết.

Giám sát chương trình kích cầu

Trong điều kiện hiện nay, các nhà tài trợ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu minh bạch và tăng cường thông tin để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn eo hẹp.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam cần lưu ý tầm quan trọng của cung cấp thông tin số liệu.

“Chúng ta còn nhớ những áp lực lớn về tiền tệ mà Việt Nam đã gặp phải trong tháng 6/2008 đã dịu xuống như thế nào sau khi Chính phủ đã cung cấp số liệu đầy đủ thích hợp… Cung cấp thông tin giúp Việt Nam tăng lòng tin của nhà đầu tư, và có thể tham khảo tư vấn về chính sách, hài hòa chính sách và hành động của các bộ, ngành”, ông Konishi nói.

ADB đơn cử, Việt Nam cần làm rõ hơn chi tiêu đầu tư từ ngân sách, vay nợ nước ngoài và vay lại của DNNN.

Trong khi đó, IMF quan tâm đến việc các ngân hàng cần cải thiện hệ thống báo cáo số liệu nhằm tăng cường giám sát từ xa, cải thiện việc công bố số liệu về hệ thống ngân hàng cho công chúng.

Về chính sách tài khóa, nhân lúc Quốc hội đang họp, Chính phủ nên trình để Quốc hội thông qua kế hoạch tài khóa sửa đổi cho năm 2009 với thâm hụt có thể được tài trợ theo cách thức phù hợp với việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo IMF, kế hoạch kích cầu hiện nay đã trình Quốc hội có khả năng làm tăng nhu cầu tài trợ của Chính phủ lên tới 12,5% GDP năm 2009.

“Khó có thể tài trợ lớn như vậy mà không làm tăng áp lực lên cán cân thanh toán”, ông Benedict Bingham cảnh báo.

IMF cũng khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng năng lực để giám sát các ngân hàng, đặc biệt là giám sát các chương trình kích cầu.

Hoàng Phương

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Nhà đầu tư vàng mạnh dạn gom mua (08/06/2009)

>   Nhiều nhà đầu tư xếp hàng vào thị trường bảo hiểm VN (08/06/2009)

>   Lãi suất VND tăng: Thận trọng với "cầu" thương mại (08/06/2009)

>   Ngành Thuế với việc tăng thu NSNN năm 2009  (07/06/2009)

>   WB lo ngại nợ xấu gia tăng ở Việt Nam (06/06/2009)

>   Ngân hàng cổ phần nhập cuộc giảm lãi suất USD (06/06/2009)

>   Ngân hàng Việt Nam: Những bài học đã quên (06/06/2009)

>   NHNN vào cuộc thanh tra các tổ chức tín dụng (06/06/2009)

>   Nhà đầu tư có thể đặt lệnh dừng lỗ - chốt lời tại VietABank (06/06/2009)

>   Huy động giảm, cho vay vướng trần: Ngân hàng gặp khó! (06/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật