Vì sao Rio Tinto hủy bỏ hợp đồng với Chinalco?
Dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc - bỏ 19,5 tỉ đô la Mỹ vào tập đoàn khai khoáng Rio Tinto, Úc - đã sụp đổ hôm thứ Sáu tuần trước, giáng một đòn nặng nề vào cả tham vọng vươn ra toàn cầu lẫn nỗ lực mở rộng ảnh hưởng trên thị trường tài nguyên thiên nhiên quốc tế của các doanh nghiệp nước này.
Sau phiên họp các cổ đông lớn tại London hôm thứ Năm, Chủ tịch tập đoàn Rio Tinto Jan du Plessis quyết định đơn phương hủy bỏ hợp đồng đầu tư đã ký kết với tập đoàn Nhôm quốc doanh Trung Quốc Chinalco, chấp nhận bồi thường 195 triệu đô la Mỹ. Yếu tố nào - chính trị hay thương mại - đã thúc đẩy Rio Tinto đi đến quyết định bất ngờ như vậy và nó sẽ dẫn tới những hệ quả như thế nào?
Lịch sử một mối quan hệ
Quan hệ làm ăn giữa tập đoàn khoáng sản Rio Tinto (liên doanh Úc - Anh) với tập đoàn Chinalco Trung Quốc đã có từ lâu, trong đó Rio Tinto là nhà cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy luyện nhôm của Chinalco.
Năm 2008, tập đoàn khoáng sản lớn nhất của Úc, BHP Billiton, quyết định bỏ ra 68 tỉ đô la Mỹ để mua đứt đối thủ cạnh tranh Rio Tinto. Lo ngại sự hình thành tập đoàn khoáng sản lớn nhất thế giới tại Úc sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu của các nhà máy Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc quyết định can thiệp, hậu thuẫn cho Chinalco bỏ ra 14 tỉ đô la Mỹ mua 9,3% cổ phần của Rio Tinto, từ đó ngăn cản vụ sáp nhập Rio Tinto vào BHP Billiton.
Tháng 11 năm ngoái, BHP hủy bỏ kế hoạch mua lại Rio Tinto vào lúc thị trường nguyên liệu chiến lược và chứng khoán thế giới sa sút mạnh, tín dụng bị đóng băng, hầu như các tập đoàn khoáng sản lớn đều gặp khó khăn.
Ở Rio Tinto, tình hình càng nguy ngập vì tập đoàn này đang nợ khoảng 38,7 tỉ đô la Mỹ sau khi mua lại Công ty Nhôm Alcan của Canada năm 2007, trong đó có 8,9 tỉ đô la phải trả trong tháng 10 sắp tới. Giữa lúc khốn khó đó, Rio Tinto được tin Chinalco sẵn sàng giúp đỡ: tăng vốn đầu tư và hứa hẹn giúp Rio Tinto tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng Trung Quốc. Hai bên đã ký hợp đồng ngày 12-2-2009, theo đó Chinalco sẽ bỏ ra 12,3 tỉ đô la Mỹ mua phần hùn trong các mỏ quặng của Rio Tinto; đồng thời bỏ ra thêm 7,2 tỉ đô la Mỹ mua trái phiếu chuyển đổi của tập đoàn này.
Với số vốn đầu tư 19,5 tỉ đô la Mỹ, cổ phần của Chinalco trong Rio Tinto tăng từ 9,3% lên 18,5% và được cử 2 người tham gia hội đồng quản trị 17 người. Hợp đồng này cũng xác lập Chính phủ Trung Quốc thành cổ đông lớn nhất của Rio Tinto, có vai trò tư vấn trong mọi hoạt động của tập đoàn và có phần sở hữu trong một số mỏ quặng nhôm, đồng và sắt của Rio Tinto ở Úc, Mỹ và Chile. Tuy nhiên, hợp đồng phải được Ủy ban Thẩm định đầu tư nước ngoài của Chính phủ Úc phê chuẩn - dự kiến vào ngày 15-6 sắp tới.
Chuyển dịch của thị trường
Chinalco đã tận dụng tốt thời điểm thị trường nguyên liệu và thị trường chứng khoán quốc tế rơi xuống tận đáy để thâu tóm cổ phần của Rio Tinto. Ngày hợp đồng được ký kết giữa ông Xiao Yaqing, Chủ tịch Chinalco và ông Tom Albanese, Tổng giám đốc Rio Tinto, thì giá cổ phiếu của Rio Tinto trên thị trường chứng khoán London là 26,31 đô la Mỹ, không phản ánh giá trị thực của tập đoàn khoáng sản lớn thứ ba thế giới.
Nhưng bất đồ, thị trường chuyển hướng ngoài dự tính. Từ tháng 3-2009, sau những nỗ lực kích cầu mạnh mẽ của gần như tất cả các chính phủ, kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục, tín dụng được khơi thông, thị trường hàng hóa sôi động trở lại cùng với sự hồi phục nhu cầu kim loại cho các dự án xây dựng hạ tầng và đô thị đang được triển khai khắp nơi. Giá cổ phiếu của các công ty khai khoáng bắt đầu lấy lại phong độ, trong đó có tập đoàn Rio Tinto.
Thứ Năm tuần trước, khi cổ đông của Rio Tinto nhóm họp tại London, giá cổ phiếu của Rio đã tăng gần gấp đôi lúc ký hợp đồng với Chinalco, lên 44,56 đô la Mỹ/cổ phiếu. Và ngày hôm sau, khi quyết định hủy bỏ hợp đồng với Chinalco được công bố, giá cổ phiếu của Rio Tinto tại thị trường Sydney tăng thêm 9,9%, lên 73,5 đô la Úc/cổ phiếu, tương đương 59,8 đô la Mỹ/cổ phiếu.
Cổ phiếu tăng giá làm giảm áp lực nợ nần trên tài khoản của Rio Tinto và làm cho hợp đồng với Chinalco bớt hấp dẫn. Thay vì bán cổ phần cho Chinalco như hợp đồng, Rio Tinto đã chọn phương thức huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu. Trên trang web của thị trường chứng khoán Úc, Rio Tinto vừa công bố sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo đó cứ mỗi 40 cổ phiếu hiện hữu được mua thêm 21 cổ phiếu mới với giá 28,29 đô la Úc/cổ phiếu. Tập đoàn hy vọng sẽ thu được 15,2 tỉ đô la Mỹ từ đợt phát hành này. Ngoài ra, tập đoàn BHP Billiton sẽ trả cho Rio Tinto 5,8 tỉ đô la Mỹ để góp vốn thành lập một công ty liên doanh quản lý và khai thác các mỏ quặng sắt của Rio Tinto tại bang Tây Úc.
Như vậy Rio Tinto vẫn thu được 21 tỉ đô la Mỹ mà không cần phải sang nhượng cổ phần cho Chinalco. Thứ Sáu vừa qua, Rio Tinto ra thông báo cho biết: “Ban quản trị kết luận rằng, việc thành lập liên doanh sản xuất quặng sắt ở Tây Úc với BHP Billiton cùng với việc phát hành quyền mua cổ phiếu là giải pháp tốt nhất”.
Xung đột lợi ích
Thật ra ngay từ đầu các cổ đông tổ chức của Rio Tinto đã phát hiện những dấu hiệu bất thường trong hợp đồng với Chinalco, có thể đe dọa lợi ích lâu dài của tập đoàn. Cho đến nay Chinalco vẫn là khách hàng quan trọng tiêu thụ quặng nhôm của Rio Tinto. Với hợp đồng mới, Chinalco sẽ biến thành cổ đông lớn, có chân trong hội đồng quản trị và có tiếng nói chi phối trong quan hệ thương mại của Rio Tinto; xung đột lợi ích giữa Chinalco - cổ đông với Chinalco - khách hàng tất yếu sẽ xảy ra. Chinalco cũng có thể tận dụng vị thế mới trong Rio Tinto để áp đặt những chính sách thương mại có lợi cho các nhà luyện kim Trung Quốc theo chỉ đạo của chính phủ nước này.
Mối lo của các cổ đông của Rio Tinto hiển hiện trong tháng 4 vừa qua khi Rio Tinto tiến hành đàm phán với khách hàng về khung giá nguyên liệu cho năm 2009-2010. Do giá kim loại hiện nay đã giảm mạnh so với thời cao điểm giữa năm 2008, các tập đoàn khoáng sản có chủ trương giảm giá nguyên liệu cho khách hàng dài hạn. Rio Tinto đã đạt được thỏa thuận với các nhà máy luyện kim của Nhật Bản và Hàn Quốc giảm 33% so với khung giá năm 2008, song tỷ lệ này không được Chinalco chấp nhận - họ đòi các khách hàng Trung Quốc phải được giảm 40%. Nếu trong tương lai, Chinalco có quyền bỏ phiếu thì thiệt hại cho tập đoàn là điều đã nhìn thấy trước.
Yếu tố chính trị
Nhưng sâu xa hơn, bản chất chính trị của các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc là điều mà các đối tác nước ngoài rất e ngại. Tập đoàn Chinalco đã nhiều lần giải thích rằng, họ hoàn toàn độc lập với ông chủ của mình là Chính phủ Trung Quốc. Nhưng lời giải thích này không thuyết phục được ai khi các công ty quốc doanh vẫn sắm vai trò “chủ đạo” trong kinh tế Trung Quốc, hoạt động gần như độc quyền trong các lĩnh vực then chốt như khai khoáng, sắt thép, tài chính, viễn thông; vừa tìm kiếm lợi nhuận như các công ty tư bản phương Tây vừa chịu sự quản lý toàn diện của Chính phủ Trung Quốc, từ bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo, xét duyệt dự án đầu tư, đánh giá hiệu quả hoạt động và phân phối lợi nhuận.
Không hiếm trường hợp cho thấy các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc hoạt động như những công cụ thực hiện chiến lược kinh tế của chính phủ chứ không vận hành theo nguyên tắc của thị trường tự do; ranh giới giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của chính phủ bị xóa nhòa. Chính vì thế, hợp đồng giữa Rio Tinto và Chinalco được giới kinh doanh Úc và nước ngoài xem như một phép thử sự “gắn kết” giữa chủ nghĩa tư bản phương Tây và mô hình kinh tế do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc.
Gần đây Chính phủ Trung Quốc không giấu giếm ý đồ đa dạng hóa đầu tư nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình, thay vì tập trung mua trái phiếu Chính phủ Mỹ họ chuyển sang thâu tóm các nguồn tài nguyên thiên nhiên chiến lược như dầu mỏ, khí đốt, quặng kim loại và đất đai ở khắp thế giới, từ châu Phi đến Nam Mỹ. Trong vài năm gần đây, lợi dụng điều kiện thị trường quốc tế xấu đi do khủng hoảng tài chính, các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc lùng sục khắp thế giới, ký những hợp đồng cho vay hoặc đầu tư đổi lấy nguồn cung cấp khoáng sản và các tài nguyên khác.
Riêng tại Úc, các công ty Trung Quốc dự kiến đổ vào 22 tỉ đô la Mỹ, mua lại toàn bộ hoặc một phần các công ty khai khoáng như Fortescue Metals (quặng sắt), Oz Minerals (quặng thiếc) và Rio Tinto. Những hoạt động tích cực của các doanh nghiệp Trung Quốc khiến công chúng Úc nghi ngờ. Nhiều chính trị gia đối lập của Úc vẽ ra viễn cảnh tương lai của nước này như một miền đất loang lổ với những mỏ quặng nham nhở, ở đó người bản xứ lao động cật lực để các ông chủ ở Bắc Kinh hưởng lợi.
Nỗi lo ngại của người Úc càng tăng khi nghĩ tới một ngày trong tương lai, khi số cổ phần chi phối mà Trung Quốc nắm giữ trong các tập đoàn khoáng sản - xương sống của nền kinh tế Úc - sẽ biến thành các áp lực chính trị, ngoại giao như chuyện đang diễn ra với trái phiếu chính phủ Mỹ: Trung Quốc tận dụng vị thế chủ nợ để áp đảo Mỹ trong nhiều lĩnh vực, từ nhân quyền đến cắt giảm khí thải và vị thế đồng đô la Mỹ…
Không chỉ Úc mà nhiều nước nhỏ trong khu vực như Indonesia, Philippines cũng đang tính toán lại thiệt hơn từ các khoản đầu tư của Trung Quốc - mới đây cả hai nước này đều hủy bỏ các hợp đồng cho người Trung Quốc thuê đất để sản xuất nông nghiệp, Philippines còn bãi bỏ hợp đồng thuê một công ty Trung Quốc xây dựng và lắp đặt mạng điện thoại hữu tuyến.
Theo giới phân tích, quyết định hủy bỏ hợp đồng với Chinalco của ban lãnh đạo tập đoàn Rio Tinto đã cứu Chính phủ Úc khỏi một tình huống khó xử: nếu phê chuẩn hợp đồng này họ sẽ đối mặt với phản ứng dữ dội ở trong nước, ngược lại thì quan hệ với Trung Quốc có thể xấu đi.
Tìm đường vòng
Ở Trung Quốc, báo chí ghép vụ sụp đổ của thương vụ Chinalco-Rio Tinto với nỗ lực thất bại của tập đoàn dầu khí hải ngoại quốc gia Trung Quốc CNOOC trong kế hoạch thâu tóm tập đoàn Unocal của Mỹ năm 2005 và lý giải nguyên nhân của sự sụp đổ này là “phản ứng mang tính chất dân tộc chủ nghĩa, chủ nghĩa bảo hộ”, “lo ngại trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc” ở các nước phương Tây, nhất là Mỹ và Úc.
Có điều cho đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ cho phép một công ty nước ngoài mua lại một công ty Trung Quốc, cho dù ở những lĩnh vực không có giá trị chiến lược gì, mà vụ Chính phủ Trung Quốc ngăn chặn tập đoàn Coca-Cola mua lại Công ty Nước giải khát Huiyuan Juice của Trung Quốc hồi tháng 3-2009 vừa qua là một ví dụ.
Chủ tịch tập đoàn Chinalco Xiong Weiping “rất thất vọng” với quyết định đơn phương hủy bỏ hợp đồng của Rio Tinto nhưng vẫn khẳng định: “Chiến lược quốc tế hóa hoạt động khai khoáng của Chinalco vẫn không thay đổi. Chinalco có ý định tiếp tục phát triển kinh doanh trên toàn cầu và tìm những cơ hội chiến lược khác”.
Ông Xiong Weiping không nói rõ Chinalco sẽ làm gì song gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc tiến hành đầu tư theo “đường vòng”: tăng cường mua cổ phần chi phối ở doanh nghiệp các nước đang phát triển như Singapore rồi dùng các doanh nghiệp này làm “bệ phóng” để thôn tính các công ty đa quốc gia ở các nước phát triển phương Tây mà nếu họ trực tiếp đứng ra thương lượng sẽ gặp phải sự phản đối. Vụ tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc PetroChina bỏ ra 1 tỉ đô la Mỹ mua 45,5% số cổ phần của Công ty dầu Petroleum của Singapore hồi đầu tháng này là một minh chứng.
Tuần báo Economist của Anh gọi sách lược mới này của các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc là những “con ngựa thành Troy của Trung Quốc” (Sino-Trojan Horse) mà các nước cần phải cảnh giác.
TBKTSG
|