TTCK thế giới: Lòng tin đã quay trở lại
Liên tiếp những thông tin tốt lành của TTCK thế giới từ Mỹ đến châu Âu, châu Á chứng tỏ sự phục hồi mạnh mẽ, vượt quá kỳ vọng của nhà đầu tư. Những phiên tăng điểm liên tiếp khiến giới đầu tư tỏ ra hết sức lạc quan về triển vọng của thị trường trong tương lai.
Mỹ: “Le lói” những tín hiệu lạc quan
Ngày 28/5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo, theo số liệu điều chỉnh lần 2, GDP của nước này trong quý 1/2009 đã tăng trưởng âm 5,7% (dự báo ban đầu của Chính phủ là âm 6,1%). Giá trị GDP trong quý 1/2009 đạt 14.089,7 tỷ US.
Kết quả thăm dò về chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ của trường ĐH Michigan và hãng tin Reuters cho thấy niềm tin của người tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 5/2009 tích cực hơn, tăng lên 68,7 điểm (tháng 4 là 65,1 điểm).
Bên cạnh đó số lượng đơn đặt hàng lâu bền (ôtô, máy bay, tủ lạnh...) ở nước này trong tháng 4/2009 cũng tăng 1,9% (tháng 3/2009 giảm 2,1%). Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 16 tháng qua.
Thị trường lao động cũng có những chuyển biến tích cực hơn khi số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục xu hướng giảm dần, từ mức 636.00 xuống còn 623.000 người.
Tuần qua, Bộ Tài chính đã tổ chức đấu giá thành công khoản vay 101 tỷ USD. Trái phiếu Mỹ vẫn tiếp tục thể hiện được sức hút của nó như một kênh đầu tư an toàn của nhiều quốc gia trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay.
Châu Âu: Anh, Đức: Bắt đầu thoát khỏi bóng đen cuộc suy thoái
Ngày 29/5 Hiệp hội Xây dựng Quốc gia công bố trong tháng 5 giá nhà tại Anh giảm 11% (trong tháng 4 giảm 15%). Như vậy giá nhà trung bình tại Anh tăng 1,2% sau khi giảm 0,3% trong tháng 4.
Cũng trong tháng 5, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Anh cũng đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm qua. Người dân Anh tỏ ra lạc quan hơn khi họ cho biết có thể dự báo được suy thoái.
Với những thông tin tích cực như vậy, đồng Bảng Anh cũng tăng 9,4% trong tháng 5 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/1985.
Tại Đức, theo Văn phòng Thống kê Liên bang, lần đầu tiên trong vòng 4 tháng qua, doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 4 tăng 0,5% do thời tiết ấm dần lên và người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn nhân dịp lễ Phục sinh.
Nhật: Nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Masaaki Shirakawa, nền kinh tế Nhật trong quý II này sẽ tăng sau khi giảm 12,5% trong 3 tháng đầu năm 2009. Gói kích thích tiêu dùng trị giá 2,2 nghìn tỷ USD trên quy mô toàn cầu của Chính phủ Nhật đã phát huy tác dụng. Xuất khẩu của Nhật tăng 1,9% trong tháng 4 - tăng tháng thứ 2 liên tiếp.
Theo thống kê từ Bộ Công nghiệp Nhật Bản, tổng sản lượng công nghiệp nước này trong tháng 4 đạt mức cao nhất trong vòng 56 năm qua do xuất khẩu đã bắt đầu hồi phục. Đồng thời, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,2% so với tháng 3. Theo kết quả điều tra của Bộ Thương mại tổng sản lượng sản xuất ước tăng 8,8% trong tháng 5 và 2,7% trong tháng 6.
TTCK: Tiếp tục một tuần tăng điểm mạnh mẽ
Tuần này chứng khoán Mỹ đón nhận một tuần tăng điểm mạnh mẽ, khép lại tháng tăng điểm thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay. Hỗ trợ TTCK là những thông tin tốt liên tiếp phát ra từ nền kinh tế: Thị trường địa ốc tiến triển tốt hơn, lợi tức trên thị trường trái phiếu giảm xuống. Bên cạnh đó, giá dầu tăng mạnh cũng là một nguyên nhân giúp cổ phiếu khối năng lượng có tuần tăng điểm mạnh mẽ.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất trong tuần đó là cổ phiếu General Motor đã xuống dưới mức 1USD/cổ phiếu trước thông tin hãng xe hơi lớn nhất nước Mỹ này có nguy cơ nộp đơn bảo hộ phá sản trong tuần tới. Đây sẽ là vụ đổ vỡ lớn nhất trong lịch sử ngành ôtô Mỹ.
Tại châu Âu, các cổ phiếu ngành xăng dầu cũng đồng loạt khởi sắc do giá dầu thô leo thang lên trên 66 USD/thùng, cao nhất trong vòng 6 tháng.
Ở châu Á, Chính phủ Nhật Bản thông báo sản lượng công nghiệp trong tháng Tư tăng vọt tới 5.2% nhờ nỗ lực đẩy mạnh sản xuất của các doanh nghiệp trong nước theo sau sự cắt giảm mạnh tay trước nhu cầu sụt giảm chưa từng thấy trong năm ngoái.
Rõ ràng là các nhà sản xuất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã bắt đầu hồi phục trong bối cảnh suy thoái tồi tệ nhất của quốc gia này kể từ Chiến tranh thế giới Thứ II. Điều này đã giúp xoa dịu bớt các báo cáo đầy bi quan về số công nhân thất nghiệp và lòng tin người tiêu dùng.
Tin vui tiếp tục tràn đến khi Ấn Độ công bố các số liệu cho thấy sự suy yếu tại nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực này đã bất ngờ giảm trong quý đầu năm, từ đó càng tăng thêm kỳ vọng về sự chuyển hướng của nền kinh tế.
Trong thời gian qua, tính thanh khoản lớn của thị trường có được là nhờ những chính sách khuyến khích tiêu dùng, cũng như lãi suất ở mức đáy khắp các châu lục. Nhưng hiện nay, tất cả những yếu tố trên đã trở nên trung hoà và không còn có thể phát huy tác động tích cực trong thời gian tới. Những nhân tố này sẽ quyết định xu thế giằng co của thị trường chứng khoán thế giới trong tuần tới.
Vàng: Tăng giá tuần thứ 4 liên tiếp
Đúng như chúng tôi đã dự đoán trong tuần trước, giá vàng thế giới tuần này giữ được đà tăng mạnh do đồng USD trượt giá sâu so với Eur và giá dầu ngày càng tiến xa hơn. Giá vàng giao ngay thị trường thế giới đã tăng 2,7% trong tuần này và tăng 10,5% trong tháng, lên mức 980,6 USD/oz.
Quan sát biến động của giá vàng thế giới cho thấy giá vàng mặc dù có những giao động hết sức phức tạp nhưng vẫn theo một xu hướng đi lên. Tuy nhiên trong khoảng thời gian một tháng trước đây thị trường đã có dấu hiệu giảm nhiệt rõ rệt.
Điều này có thể giải thích bởi xu hướng lên mạnh của thị trường chứng khoán toàn cầu khiến niềm tin đang trở lại với các nhà đầu tư. Do đó vàng đã trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngắn hạn.
Tuy nhiên điều này có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa chấm dứt và vàng vẫn là kênh đầu tư an toàn. Điều này đã được minh chứng rất rõ trong tháng vừa qua với 4 tuần tăng giá liên tiếp của mặt hàng kim loại quý này.
Như vậy, dự đoán trong tuần tới, khi thị trường chứng khoán - kênh đầu tư thay thế chủ yếu của vàng không còn hấp dẫn được giới đầu tư và nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn, giá mặt hàng kim loại quý này sẽ vẫn giữ được đà tăng giá.
Dầu: Tiếp tục tuần lên giá mạnh đúng như dự đoán
Trong tuần vừa qua, thông tin đáng chú ý nhất diễn ra trên thị trường dầu thô là phiên họp của các nhà lãnh đạo OPEC, theo đó tổ chức này đã quyết định thắt chặt sản lượng khai thác.
Trong cuộc họp ngày 28/5 vừa rồi, OPEC đã duy trì hạn ngạch sản lượng ở mức hiện tại vì cho rằng giá dầu và tình hình cung cầu trên thị trường hiện đã mức hợp lý.
Bên cạnh đó, những thông tin lạc quan phát ra từ các nền kinh tế lớn trên thế giới và thị trường chứng khoán toàn cầu, cùng với sự sụt giá mạnh của đồng USD cũng là những nguyên nhân khiến mặt hàng vàng đen vẫn giữ được đà tăng giá mạnh. Giá dầu tại New York đã tăng 7,5% trong tuần này, 30% trong tháng 5, và 49% từ đầu năm tới nay. Tháng này là tháng tăng mạnh nhất của giá dầu từ tháng 3/1999 tới nay.
Với những diễn biến như vậy, dự báo giá mặt hàng vàng đen này vẫn tiếp tục giữ được đà tăng giá trong thời gian tới.
USD: Tiếp tục trượt giá so với EUR
Tỷ giá đồng USD so với Euro hiện đã trượt về mức gần 1,42 USD mới đổi được 1 Euro. Đây là lần đầu tiên trong năm 2009 này, tỷ giá USD giảm về mức sâu như vậy. Riêng trong tháng 5 này, đồng USD đã mất giá 6,4% so với Euro, mức mạnh nhất kể từ tháng 12/2008.
Tín hiệu phục hồi tiếp tục phát đi từ nền kinh tế thế giới đang khiến những đồng tiền có lãi suất thấp và vốn được coi là an toàn hơn như USD hay Yên Nhật giảm dần sức hấp dẫn trong mắt giới đầu tư.
Thay vào đó, các nhà đầu tư quốc tế đang tìm đến với những loại tài sản có độ rủi ro cao hơn, nhưng lại có khả năng đem lại lợi nhuận lớn hơn.
Ngoài ra, việc Chính phủ Mỹ vay nợ ồ ạt qua phát hành trái phiếu kho bạc cũng khiến thị trường lo ngại về triển vọng tín nhiệm nợ của nước này. Điều này càng tạo sức ép khiến đồng USD giảm giá.
vietnamnet
|